Mất tiền vì ám ảnh thua lỗ trong quá khứ

(Banker.vn) Với người có thời gian dài "lăn lộn" trong thị trường chứng khoán thì sẽ tích lũy được kinh nghiệm. Ngược lại với người mới chơi, thắng thì không sao chứ đã thua vài lần thì sẽ có tâm lý "rén".

Hẳn ai trong chúng ta cũng có lúc sợ hãi, ám ảnh bởi sai lầm hay biến cố trong quá khứ. Với không ít nhà đầu tư, nỗi ám ảnh ấy chắc chắn đến từ cách đây 17 năm khi thị trường lao dốc gần như thẳng đứng, bong bóng vỡ đồng loạt khiến tài khoản bốc hơi toàn bộ. Là người đã trải qua biến cố đó, tôi trở nên lo sợ khi VN-INDEX vượt 1000 điểm, rồi 1100 điểm. Thị trường càng lên cao, tôi càng lo sợ.

Vâng, sự nhát tay của tôi cũng một phần bắt nguồn từ “bóng ma” đó. Lớp nhà đầu tư mới tham gia thị trường thì tất nhiên ít nhiều cũng biết về khoảng thời gian đó, nhưng họ chưa trải qua cảm xúc sợ hãi ấy. Và đến tận bây giờ, nỗi ám ảnh trở thành lực cản tâm lý, khiến chúng ta sẵn sàng bán tháo, thậm chí cắt lỗ khi thị trường có khối lượng giao dịch quá lớn, vì lo sợ đỉnh đang được lập.

Mất tiền vì ám ảnh thua lỗ trong quá khứ
Ảnh minh họa

Thực ra, với người có thời gian dài "lăn lộn" trong thị trường chứng khoán thì sẽ tích lũy được kinh nghiệm. Ngược lại với người mới chơi, thắng thì không sao chứ đã thua vài lần thì sẽ có tâm lý "rén". Và lắm lúc, tâm lý sợ hãi khiến tôi vụt mất miếng mồi báo bở hoặc lỡ tay vớ phải một cổ phiếu lỗ nặng.

Khi VN-Index giảm chỉ còn 1000 điểm thì không ai bảo ai, mọi người cố thoát những cổ phiếu có lãi trong danh mục. Còn tôi, số tiền thua lỗ cách đây hơn chục năm đã quay lại ám ảnh, nó làm tôi liên tiếp mắc những sai lầm tệ hại, cũng chỉ vì trong trạng thái tâm lý không ổn định.

Có một câu nói trong giới đầu tư, đó là: “đã sợ thì nghỉ chơi”. Câu nói đó quả chính xác khi áp dụng vào tâm lý tôi lúc đó. Một cảm giác rất giống như ngày đó, khi lực bán ào ạt đã đàn áp được lượng mua ngày càng ít đi. Dù lúc đó giới đầu tư vẫn chia thành hai phe rõ ràng, một cho rằng thị trường vẫn tốt, chỉ điều chỉnh chút rồi lại đi lên do vĩ mô vẫn tốt, và phe còn lại thì bi quan, cho rằng tin tốt đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu rồi. Tôi thực sự hoang mang, không biết nên tin theo ai, trong đầu chỉ thấy lo sợ vì diễn biến thị trường rất giống với lúc tạo đỉnh lần trước.

"Giữ hay bán", đó là câu tôi tự hỏi không biết bao nhiêu lần trong một thị trường "lình xình" đầy ý nghĩ nghi ngại. Ở công ty chứng khoán, nơi tôi cảm thấy quen thuộc và trở thành " căn cứ" của mình trong một thời gian dài, mọi người cứ lao xao "thôi chuồn đi" hoặc "đi du lịch, tạm thời nghỉ ngơi". Còn tôi lại cố theo phe "cứ ôm bom đi, chả sợ". Khi thị trường có vẻ hồi lại, có một số ý kiến cho rằng đã đến lúc lên tàu vì nghe tin có rất nhiều "cá mập" hưởng ứng "cứu thị trường". Nhóm ở sàn hôm ấy cũng bắt đầu mua vào với tâm trạng hứng khởi. Đồng thời, một số tin tốt của các công ty tung ra làm sắc xanh dần lấn át trên bảng điện tử.

Kết quả lại chỉ là hồi phục tạm thời. Càng nghĩ càng thấy mình sai lầm. Tôi đã quá vội vàng và mua vào các cổ phiếu quá bám sát thị trường. Thay vì mua các công ty có cơ bản tốt thì tôi lại đu theo nhóm cổ phiếu đã tăng nóng khá nhiều, do đó khi chúng điều chỉnh thì tôi lại vội vàng bán tháo.

Một lần khác, trong lúc thị trường chung giảm chậm, tôi lại vội vàng bán "cắt lỗ" 2 cổ phiếu có cơ bản tốt chỉ vì sợ hãi. Việc bán không đúng lúc phần lớn là do ám ảnh bởi thua lỗ nặng nề trong quá khứ, chứ sau này xét kỹ lại thì tình hình không xấu đến mức phải bán ngay. Thế là đáng lẽ lãi lớn thì lại thành lỗ.

Tôi đã sai lầm do tâm lý kém, do không điều khiến được trạng thái tâm lý của mình, Một điều an ủi duy nhất của tôi mà có không ít nhà đầu tư cũng vội vàng bán do lo sợ đỉnh sẽ lập và thị trường lao dốc như trước. Sau đó nhìn lại, hầu như ai cũng đánh giá là mình hành động quá vội vàng. Trước hết phải xét tình hình kinh tế vĩ mô vẫn đang phát triển tốt. Tình hình thế giới cũng không có gì nghiêm trọng. Các thị trường khác như vàng, đô la, đất, dầu vẫn ổn định và không có tác động gì nhiều đến thị trường chứng khoán. Bằng đó lý do là đủ để mấy "con gà" non tay bán tháo. Đến khi thị trường giảm thật thì tôi lại non tay mua vào.

Chuỗi sai lầm đó càng minh chứng cho sự khắc nghiệt của thị trường chứng khoán Việt Nam. Bài học kinh nghiệm rút ra đã giúp tôi áp dụng cho công việc đầu tư sau này:

1. Quan sát và đánh giá đúng tình hình kinh tế vĩ mô, cũng như tác động đến thị trường chứng khoán.

2. Quan sát kỹ các thị trường liên quan: vàng, ngoại tệ, đất đai.

3. Không vội so sánh các mô hình trong quá khứ với mô hình hiện tại khi vĩ mô khác nhau nhiều.

4. Cân nhắc kỹ khi có hành động mua hay bán với số lượng lớn, hoặc dùng hết tài nguyên của mình.

Đinh Thành Trung

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục