Dưới đây là một số nhận xét của chuyên gia Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN đưa ra mới đây về nền kinh tế Campuchia.
Thâm hụt tài khoản vãng lai lớn
Kể từ năm 2019, thâm hụt tài khoản vãng lai của Campuchia đã tăng lên rõ rệt, từ dưới 10% GDP lên mức chưa từng có: 45,7% trong năm 2021. Mặc dù đã thu hẹp nhưng thâm hụt ước tính vẫn ở mức cao, trên 30% trong năm 2022, chủ yếu do nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu liên tục duy trì, được khuếch đại bởi lượng vàng nhập khẩu đáng kể và thu nhập dịch vụ thấp hơn do lượng kiều hối thấp hơn và sự phục hồi chậm của ngành du lịch.
Giao dịch vàng đóng một vai trò quan trọng trong sự biến động của cán cân thương mại gần đây, thể hiện qua việc thâm hụt thương mại thu hẹp đáng kể vào năm 2020 do xuất khẩu vàng, tiếp theo là mức thâm hụt lớn trong lịch sử vào năm 2021 cũng do nhập khẩu vàng. Nhập khẩu vàng lớn tiếp tục bóp méo các tài khoản đối ngoại trong năm 2022.
Có nhiều lý do về việc này. Thứ nhât, các khoản đầu tư mang tính đầu cơ khi giá vàng tăng đáng kể vào năm 2020 nhưng lại giảm vào năm 2021. (Theo truyền thống, vàng là phương tiện đầu tư và tiết kiệm phổ biến của người Campuchia.) Thứ hai, khả năng thu thập dữ liệu giao dịch vàng chính thức được cải thiện do kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn trong thời gian đại dịch.
Tuy nhiên, dữ liệu từ các đối tác thương mại lớn đã cho thấy khối lượng giao dịch vàng lớn đến và đi từ Campuchia trước năm 2020.
Sự tích tụ chậm của tổn thương từ bên ngoài
Mặc dù thâm hụt tài khoản vãng lai không hẳn đã là xấu đối với các nước đang phát triển, nhưng thâm hụt tài khoản vãng lai đặc biệt lớn là nguồn gốc tiềm tàng của khả năng dễ bị tổn thương từ bên ngoài, đặc biệt nếu chúng được tài trợ bởi các dòng vốn ngắn hạn. Mặc dù phần lớn thâm hụt tài khoản vãng lai được tài trợ bởi các dòng vốn dài hạn như FDI, dòng vốn ngắn hạn chảy vào từ nợ tư nhân nước ngoài và tiền gửi của người không cư trú tại ngân hàng đã tăng lên trong 5 năm qua.
Một cú sốc làm đảo ngược những dòng chảy này có thể ảnh hưởng đến tính thanh khoản, niềm tin và tăng trưởng. Một cú sốc như vậy, mặc dù khó xảy ra trong thời gian tới, nhưng cũng có thể dẫn đến việc giảm dự trữ ngoại tệ. Một thách thức quan trọng khác là sự suy giảm tiềm năng của dòng vốn FDI. Trong quá khứ, dòng vốn FDI mạnh mẽ đảm bảo cán cân thanh toán tổng thể thặng dư và điều này cho phép tích lũy dự trữ ngoại hối.
Điều gì có thể gây ra một cú sốc như vậy?
Một rủi ro đang nổi lên là dư nợ tăng nhanh. Tỷ lệ tín dụng trên GDP của quốc gia này ở mức 177%, một trong những tỷ lệ cao nhất trong khu vực ASEAN + 3, điều này làm dấy lên lo ngại về khó khăn tài chính ở một số phân khúc của nền kinh tế, chẳng hạn như lĩnh vực bất động sản và ngân hàng “trong bóng tối”.
Tăng cường quản lý chính sách vĩ mô và tài chính
Để bảo vệ nền kinh tế khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính, các nỗ lực chính sách nhiều mặt là cần thiết.
Thứ nhất, khuôn khổ và năng lực giám sát tài chính của Campuchia cần được tăng cường hơn nữa. Ngân hàng trung ương đã giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng và đảm bảo các ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô có đủ vốn và thanh khoản. Việc chính phủ thành lập Cơ quan Dịch vụ tài chính phi ngân hàng (NBFSA) là một bước tiến tốt hướng tới quy định và giám sát tốt hơn đối với ngân hàng ngầm. Việc mở rộng thị trường tài chính cũng cần thiết để giúp nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt hơn trước những cú sốc bên ngoài và trong nước.
Là một tổ chức tương đối mới, NBFSA cần tăng cường đáng kể năng lực của mình để thực hiện các trách nhiệm theo nhiệm vụ của mình. Hợp tác tốt hơn giữa NBFSA, Cục tín dụng Campuchia và Ngân hàng Quốc gia Campuchia sẽ dẫn đến giám sát toàn diện và cải thiện phân tích cho lĩnh vực tài chính, nhằm mở rộng phạm vi cho tất cả các loại tài chính, bao gồm cả các khoản vay từ các nhà phát triển bất động sản.
Thứ hai, báo cáo kịp thời và minh bạch hơn về dòng vốn sẽ giúp cho việc giám sát và đánh giá rủi ro chính xác hơn và hữu ích hơn cho việc hoạch định chính sách.
Giao dịch vàng không ổn định đã đóng một vai trò lớn đối với vị thế đối ngoại gần đây của Campuchia. Chẳng hạn, vào năm 2021, nhập khẩu vàng phi tiền tệ đã tăng hơn 500%. Cần có những điều chỉnh phù hợp trong dữ liệu thương mại để cho phép đánh giá đúng sự phát triển kinh tế của Campuchia trong giai đoạn 2019-2021. Thâm hụt tài khoản vãng lai của Campuchia, không bao gồm vàng, ở mức 24% GDP vào năm 2021. Nhưng nếu tính cả vàng, nó sẽ tăng vọt lên 45,7%.
Thứ ba, trong dài hạn, sự phát triển ổn định của lĩnh vực xuất khẩu cũng có thể giải quyết các lỗ hổng cơ cấu. Xuất khẩu hướng đến các mục tiêu chiến lược thông qua cải cách chính sách để tăng sức hấp dẫn của Dự án đầu tư đủ điều kiện định hướng xuất khẩu (QIP) là một động thái đáng hoan nghênh. Thu hút thêm vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu sẽ giúp tạo ra thu nhập từ xuất khẩu và xây dựng tài sản nước ngoài để bù đắp cho các khoản nợ nước ngoài. Trong khi đó, các ưu đãi chính sách đối với FDI định hướng trong nước có thể tập trung hơn vào việc thu hút các công ty cung cấp công nghệ, kỹ năng hoặc kiến thức cho phép nâng cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Khi nền kinh tế của Campuchia phát triển hơn, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước tham gia vào lĩnh vực sản xuất và để ngành sản xuất đa dạng hóa và tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Những nỗ lực này sẽ cho phép Campuchia đa dạng hóa nền kinh tế và xây dựng khả năng phục hồi cao hơn.
Vân Anh -
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|