Mặt bằng lãi suất là một chuyện, quan trọng hơn là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp

(Banker.vn) Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã liên tục ban hành những chính sách để vực dậy nền kinh tế, bao gồm hạ lãi suất điều hành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân cho rằng phải cần thêm thời gian để các chính sách đi vào thực tiễn.

Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhắm vào một vấn đề thực tế đang đặt ra là tình trạng kinh doanh khó khăn, trì trệ.

Trong cả năm 2022, dòng vốn đối với doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, trước hết là dòng vốn từ trái phiếu là khó. Sau một thời gian bùng nổ, một phần do kiểm soát chưa tốt nên thị trường này được điều chỉnh lại, dẫn đến tình trạng đóng băng và hầu như huy động vốn dài hạn từ trái phiếu rất khó.

Trong khi đó, những khó khăn dồn dập khác từ thị trường thế giới như đơn hàng giảm, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, vay vốn ngân hàng với lãi suất rất cao,...

Tại tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 20/7, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trong giai đoạn vừa qua, lãi suất có thời điểm mười mấy %, trong khi đối với hoạt động kinh doanh bình thường thì mười mấy % đã khó chứ chưa nói đến tích luỹ và phát triển.

“Chính vì thế, giải pháp hiện tại ưu tiên tập trung vào chính sách tiền tệ theo hướng kéo mặt bằng lãi suất xuống và tăng cung tiền để làm sao tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn theo chúng tôi là chính sách rất trúng và rất cần thiết”, ông Tuấn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Nguồn: VGP/Quang Thương).
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). (Nguồn: VGP/Quang Thương).

NHNN đã nhiều lần giảm lãi suất điều hành. Trong nhiều cuộc họp từ đầu năm đến nay, người đứng đầu Chính phủ liên tục thúc ép, liên tục đưa ra thông điệp về việc cố gắng giảm mặt bằng lãi suất xuống.

Đại diện VCCI cho rằng động thái này hoàn toàn đúng với nhu cầu doanh nghiệp bởi có vốn thì những doanh nghiệp xuất khẩu mới thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí rẻ hơn, hợp lí hơn.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện cần có vốn để quay nhanh dòng hàng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng mặt bằng và hoạt động kinh doanh. Cho nên là một quyết sách đúng đắn.

“Hiện tại nhiều doanh nghiệp cho biết vay được vốn rẻ vẫn đang rất khó khăn. Cho nên làm sao để những chính sách tiền tệ phải đi nhanh được vào thực tiễn và làm sao doanh nghiệp có thể vay vốn được với lãi suất hợp lý để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh rất quan trọng.

Các con số kinh tế trong 6 tháng đầu năm cho thấy bức tranh về kinh doanh, về doanh nghiệp rất đáng lo ngại. Nếu doanh nghiệp không duy trì được hoạt động, không tăng trưởng được thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, chắc chắn ảnh hưởng đến lao động, việc làm; chắc chắn ảnh hưởng đến thu ngân sách và về dài hạn thì ảnh hưởng đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Số doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm rất cao cũng là một tín hiệu cho thấy điều này”, đại diện VCCI cho hay.

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, mặt bằng lãi suất là một câu chuyện, quan trọng hơn là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Hiện nay, sức khỏe của doanh nghiệp nhiều ngành hàng đang là một vấn đề gay go, có nhiều yếu tố tác động đến thực trạng này. Trước hết là thị trường trong và ngoài nước, thị trường xuất khẩu hiện nay đối với một số ngành hàng đang giảm.

"Rõ ràng khi sản xuất, kinh doanh cầm chừng thì nhu cầu vay vốn, khả năng vay vốn chắc chắn phải rất cân nhắc. Trong bối cảnh này, dòng vốn nên tập trung vào những ngành hàng đang tiềm năng, đang tăng trưởng tốt. Ngành hàng nào khả năng tăng trưởng còn cao thì phải nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Những gói tín dụng, dòng vốn tập trung vào những ngành hàng này là yếu tố rất quan trọng.

Các ngân hàng, ngành hàng cần chủ động, ngành hàng nào rất tiềm năng cần có chương trình hợp tác riêng với các ngân hàng, tìm kiếm các nguồn vốn phù hợp. Thậm chí đối với ngành hàng tiềm năng, không chỉ là nông lâm thủy sản, hoàn toàn có thể đề nghị hợp tác với Ngân hàng Nhà nước, hoặc đề nghị Chính phủ có những chương trình, gói tín dụng riêng dành cho ngành hàng đó. Đây là điều hoàn toàn có thể thực hiện trong thời gian tới", ông Tuấn nói.

Đại diện VCCI cho rằng để doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn vốn tốt thì khả năng giải ngân, quản trị của doanh nghiệp rất quan trọng, bao gồm cả hồ sơ, sổ sách vay vốn. Một số doanh nghiệp phản ánh lãi suất giảm nhưng có tình trạng một số ngân hàng thu qua các hình thức khác.

"Chúng ta rất cố gắng để giảm lãi suất, chi phí vay nhưng ở đâu đó vẫn có những chính sách làm tăng chi phí rất lớn, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nói về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn doanh nghiệp.

Quốc hội vừa có Nghị quyết giảm 2% VAT, đây là một nỗ lực rất lớn nhưng hiện nay với nhiều ngành hàng nhưng một số cơ quan quản lý nhà nước đang rục rịch tăng phí, thu lại phí. Như vậy, chúng ta phải phát huy sự nhịp nhàng của chính sách. Tôi cho rằng, cần quản trị tốt lĩnh vực này thì mới điều phối tốt, và cộng hưởng chính sách là điều rất quan trọng trong thời gian tới", đại diện VCCI nêu ra một số bất cập tồn tại.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng để tăng cả năng sản suất, đáp ứng được điều kiện để vay vốn có 4 chuyện nhỏ nhưng rất quan trọng, đòi hỏi nỗ lực từ cả các phía.

Thứ nhất là mặt bằng lãi suất, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục giảm như Thủ tướng đã chỉ đạo, cũng là tăng kích cầu. Thứ hai là linh hoạt hơn điều kiện cho vay, linh hoạt hơn chứ không hạ chuẩn. Ví dụ trước đây tài sản thế chấp phải là nhà cửa, phải là bất động sản nhưng bây giờ có thể là "động sản" như hàng tồn kho hay là đơn hàng tương lai, hợp đồng ký hợp tác với nhau,…

Thứ ba, bản thân doanh nghiệp cũng cần có những chuyển đổi, tái cơ cấu, hồ sơ minh bạch hơn và đặc biệt chứng minh có thể trả nợ trong tương lai. Cuối cùng, thay đổi sự trì trệ ở bộ phận công chức, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là về pháp lý.

Cơ hội để dòng tiền quay lại thị trường khi mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm

Theo MBS, khả năng để thị trường chứng khoán bứt phá hoặc tăng mạnh sẽ khó xảy ra ở giai đoạn này và ngược lại, ...

Vì sao mặt bằng lãi suất hạ nhiệt nhưng doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn?

Mặc dù lãi suất đã hạ nhiệt, tuy nhiên nợ xấu nên các doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ.

Tín hiệu mới từ mặt bằng lãi suất cho vay

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, ...

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán