Masan (MSN): Lợi nhuận mục tiêu 5.000 tỷ đồng, huy động tối đa 500 triệu USD trái phiếu quốc tế

(Banker.vn) Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của Tập đoàn Masan diễn ra sáng 24/4 ghi nhận số cổ đông tham dự đại diện cho gần 1,3 tỷ cổ phiếu MSN, tương ứng 87,5% quyền biểu quyết.

Tại cuộc họp, Tập đoàn Masan (Masan Group, HOSE: MSN) đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2023 với doanh thu thuần từ 90.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 18-31% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế trong khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên dưới 30% so với năm 2022.

Về chia cổ tức năm 2022, Masan chốt phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 800 đồng) và doanh nghiệp đã thực hiện việc thanh toán vào tháng 7/2022 với tổng số tiền gần 1.139 tỷ đồng.

Đối với năm 2023, ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan cho biết doanh nghiệp sẽ tiếp tục chia cổ tức nếu dòng tiền tốt, không có khủng hoảng trên thị trường vốn cũng như suy thoái kinh tế tại Việt Nam, hoặc toàn cầu.

Đặc biệt, cổ đông Masan thông qua việc phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với giá trị tối đa 500 triệu USD và giá phát hành bằng với mệnh giá 100.000 USD/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền.

Tỷ lệ chuyển đổi, lãi suất trái phiếu, giá chuyển đổi, thời hạn chuyển đổi được cổ đông ủy quyền cho HĐQT quyết định, thời gian thực hiện trong năm 2023 hoặc sang năm 2024.

Masan cho biết, số tiền thu được sẽ được dùng để thực hiện các chương trình và dự án đầu tư (bao gồm góp vốn hoặc mua lại cổ phần tại các công ty con); bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Masan lên kế hoạch 100.000 tỷ đồng doanh thu năm 2023.
Masan lên kế hoạch 100.000 tỷ đồng doanh thu năm 2023.

Đại hội cũng thông qua 2 tờ trình về chào bán cổ phiếu riêng lẻ của Masan, với số lượng phát hành tối đa mỗi lần bằng 10% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. HĐQT được ủy quyền quyết định số lượng chào bán cụ thể và số lượng cổ phần chào bán cho từng nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Điểm chung là trong 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành, cổ phiếu ưu đãi sẽ không được hưởng cổ tức. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi cổ phiếu ưu đãi tối đa là 10%/năm. Ngoài cổ tức cố định, mỗi cổ phiếu ưu đãi sẽ được nhận cổ tức tương đương với mỗi cổ phiếu phổ thông (nếu có). Cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết.

Cùng với đó, cổ đông Masan đồng tình với phương án phát hành cổ phiếu ESOP mà ban lãnh đạo đưa ra, với khối lượng tối đa là 0,5% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cp, thấp hơn đáng kể so với thị giá hiện tại (hơn 77.000 đồng/cp).

Số cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Lưu ý khi lựa chọn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

So với tiềm năng và tương quan thị trường trong khu vực thì quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của Việt Nam ...

Tiếp cận vốn ngoại thành công, Masan nhận giải ngân 375 triệu USD

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN, “Masan” hoặc “Công ty”), hôm nay, công bố giải ngân thành công đợt đầu với giá ...

KBSV nêu rủi ro cần chú ý đối với thị trường chứng khoán 2023

KBSV cho rằng, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là yếu tố cần lưu ý đối với thị trường chứng khoán ...

Phúc Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục