Mảng năng lượng 'gánh' BĐS, Hà Đô (HDG) báo lãi cao nhất lịch sử

(Banker.vn) Dù quý IV tình hình kinh doanh có dấu hiệu chững lại song Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) vẫn kết thúc năm 2022 thành công với mức lãi trước thuế cao nhất lịch sử, gần như hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Làm ăn tốt như REE: Báo lãi ròng lịch sử 3.500 tỷ đồng, vượt 70% kế hoạch năm 2022

Quý IV/2022, HDG ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.149 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 613 tỷ đồng, giảm 38%. Dù vậy, đây vẫn là doanh thu quý cao nhất năm 2022.

Doanh thu tài chính quý này sụt giảm mạnh 79%, còn 12 tỷ đồng; trong khi chi phí tài chính tăng 47%, đạt 193 tỷ đồng.

Dù đã tiết giảm chi phí bán hàng (chỉ 1,5 tỷ đồng, giảm 94%) và chi phí quản lý (52 tỷ đồng, giảm 47%), song lợi nhuận trước thuế vẫn giảm 52%, đạt 375 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 45%, đạt 338 tỷ đồng.

HDG
Mảng năng lượng 'gánh' BĐS, Hà Đô (HDG) báo lãi cao nhất lịch sử. Ảnh minh hoạ

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của HDG đạt 3.641 tỷ đồng, giảm 3,6% so với năm trước. Cơ cấu doanh thu ghi nhận sự đảo chiều giữa hai mảng bất động sản và năng lượng (thủy điện – điện mặt trời – điện gió). Theo đó, mảng năng lượng đã vươn lên trở thành mảng có doanh thu lớn nhất, đạt 2.161 tỷ đồng, tăng trưởng 69%. Ngược lại, mảng bất động sản rơi xuống vị trí thứ hai, với doanh thu 1.142 tỷ đồng, giảm 42%. Mảng dịch vụ khách sạn cũng giảm hơn 50%, chỉ còn 60 tỷ đồng. Cá biệt, mảng xây lắp giảm tới 99%, chỉ còn 0,9 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp đạt 2.244 tỷ đồng, giảm 3% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 61,63%, gần như không đổi so với năm trước. Xét theo mảng, năng lượng có biên lợi nhuận gộp tốt nhất, đạt 72%; theo sau là bất động sản với 48,42%, rồi đến dịch vụ khách sạn với 27,5% còn mảng xây lắp thì kinh doanh dưới giá vốn.

Trong năm, doanh thu tài chính đạt 136 tỷ đồng, tăng 72%. Tuy nhiên, chi phí tài chính còn lớn hơn, đạt tới 579 tỷ đồng, tăng 42%. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý cũng khá lớn, dù giảm đáng kể, lần lượt đạt 21 tỷ đồng và 162 tỷ đồng.

Bởi vậy, lợi nhuận trước thuế đã giảm 1,4%, đạt 1.620 tỷ đồng. Khấu trừ thuế, lợi nhuận sau thuế đạt 1.377 tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm trước. Đây là lợi nhuận sau thuế lớn nhất của HDG từ trước đến nay.

Năm 2022, HDG đặt mục tiêu doanh thu 3.700 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ bất động sản dự kiến 1.800 tỷ đồng, mảng năng lượng ước đạt 1.700 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 1.344 tỷ đồng.

Như vậy, HDG đã hoàn thành 98% mục tiêu doanh thu (mảng bất động sản hoàn thành 63%, mảng năng lượng vượt 27%) và vượt 2,4% mục tiêu lợi nhuận.

Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HDG đạt 15.375 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là sự gia tăng của các khoản phải thu ngắn hạn 1.835 tỷ đồng, tăng 7%. Trong khi đó, hàng tồn kho giảm nhẹ, còn 1.354 tỷ đồng, chủ yếu là bất động sản đang xây dựng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang cũng giảm 7%, đạt 813 tỷ đồng, tập trung tại các dự án: khu nghỉ dưỡng Bảo Đại (193 tỷ đồng), khu đô thị Linh Trung (490 tỷ đồng)…

Đáng kể khác, HDG đang có khoảng 690 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 đạt 8.636 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm. Trong đó, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 37%, còn 749 tỷ đồng. Nợ vay đạt 6.123 tỷ đồng, giảm 17%, chiếm 40% tổng tài sản.

Vốn chủ sở hữu tại ngày kết thúc năm 2022 đạt 6.738 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Hệ số D/E chỉ là 1,28 lần, mức thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành khác.

Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh của HDG đạt 1.075 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản lãi lớn trong năm. Ngoài ra, HDG hạn chế mua sắm tài sản (chỉ 95 tỷ đồng, giảm tới 95%), và thu về từ lãi cho vay, cổ tức tới 136 tỷ đồng, nôm na là không mở rộng thêm quy mô hoạt động. Vì không gặp áp lực về vốn, nên dòng tiền vay/trả giảm rất mạnh, chỉ còn 283 tỷ đồng/1.505 tỷ đồng, giảm lần lượt 91% và 39%. Lưu chuyển tiền thuần trong năm dương 118 tỷ đồng.

Yến Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán