Mạng lưới đại gia 'họ Phạm' thâu tóm thị trường địa ốc Quảng Bình

(Banker.vn) Thành công của Tập đoàn Vĩnh Hưng, Công ty Duy Thịnh mang đậm dấu ấn nhóm đại gia Phạm Văn Tiến, Phạm Thành Trung, Phạm Việt Phương... ở Quảng Bình.
Quảng Bình: Chấn chỉnh công tác đấu thầu trước nhiều 'lùm xùm' Quảng Bình: Xử phạt 7,5 triệu đồng đối tượng đưa tin sai sự thật về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Quảng Bình: Kiểm tra hiện tượng cá chết hàng loạt ở hồ Rào Đá

Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Duy Thịnh (gọi tắt là Công ty Duy Thịnh) đang là cái tên "nổi như cồn" trên thị trường bất động sản Quảng Bình. Giữa bối cảnh thị trường tiếp tục trầm lắng, Công ty Duy Thịnh không che giấu tham vọng thâu tóm hàng loạt dự án có vị trí đắc địa ở huyện Bố Trạch và thành phố Đồng Hới, làm xôn xao giới đầu tư.

Theo tìm hiểu của Báo Công Thương, riêng tháng 4 năm nay, Công ty Duy Thịnh đồng loạt "khai sinh" thêm 3 công ty thành viên, bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Khu đô thị Lý Trạch, Công ty Cổ phần Đầu tư Khu đô thị Quang Phú và Công ty Cổ phần Đầu tư Bắc công viên trung tâm Đồng Hới với sứ mệnh tham gia phát triển 3 dự án cùng tên, có tổng số vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.

Mạng lưới đại gia 'họ Phạm' thâu tóm thị trường địa ốc Quảng Bình
"Đại bản doanh" của những đại gia đang "làm mưa làm gió" thị trường bất động sản, xây dựng Quảng Bình trên đường Trần Phú, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch.

Trong đó, dự án Khu đô thị Lý Trạch (huyện Bố Trạch) là 1.200 tỷ đồng; dự án Khu đô thị Quang Phú (thành phố Đồng Hới) gần 1.400 tỷ đồng và dự án Khu đô thị phía Bắc Công viên trung tâm thành phố Đồng Hới hơn 431 tỷ đồng.

Các dự án sử dụng đất trên được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình mời quan tâm từ tháng 4 đến tháng 5, và sau khi kết thúc mở thầu, "kịch bản" lặp đi lặp lại là duy nhất 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện tại mỗi dự án. Chính quyền tỉnh đến giờ chưa công bố kết quả lựa chọn nhà đầu tư, song, dư luận đang đặt nghi vấn về tính cạnh tranh, sự công bằng, minh bạch trong các dự án này.

Liệu rằng, có sự ưu ái đặc biệt nào dành cho 3 thành viên của Công ty Duy Thịnh không? Sự tự tin của Công ty Duy Thịnh xuất phát từ đâu, khi sát thềm Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tổ chức mời quan tâm, công khai thông tin về các dự án, họ cho lập pháp nhân mang tên gọi trùng khớp với từng dự án, như một cách bố trí đầy chủ đích?

Câu hỏi này xin gửi tới cơ quan chức năng đang được Nhà nước tin cậy, giao trọng trách tìm nhà đầu tư uy tín, có năng lực để đem lại chất lượng tốt nhất cho công trình, dự án.

Sơ lược về Công ty Duy Thịnh

Công ty Duy Thịnh thành lập ngày 26/10/2011 tại tiểu khu 3, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch. Trước giai đoạn 2018, dù đã hoạt động khá nhiều năm, nhưng Công ty Duy Thịnh chưa thoát khỏi hình ảnh là doanh nghiệp xây dựng cỡ nhỏ, nhà thầu phụ cho một số gói thầu khoảng vài tỷ đồng trong khu vực, không được chú ý tới.

Tuy nhiên, chẳng ai đoán được "anh thợ" có sức vóc khiêm tốn, vào một ngày tháng 7/2018, đột ngột trở thành "gã khổng lồ" với số vốn điều lệ tăng như "Thánh Gióng" từ 10 tỷ đồng lên... 400 tỷ đồng. Trong ngày vốn điều lệ được "thổi phồng" gấp 40 lần, hai lãnh đạo của Công ty Duy Thịnh là ông Phan Ngọc Linh - Giám đốc và ông Phạm Việt Phương (SN 1988) - Chủ tịch Hội đồng quản trị nhận về vô vàn lời động viên, tán thưởng. Nhưng ít ai biết rằng, ông Phạm Văn Tiến (SN 1958) thật ra mới là người dày công vun đắp cho những chiến công thầm lặng của Duy Thịnh bấy lâu.

Dịp tăng vốn lịch sử này, ông Tiến đứng ra góp 320 tỷ đồng, tương đương 80% cổ phần doanh nghiệp; Chủ tịch Phạm Việt Phương chỉ góp 80 tỷ đồng, thấp nhiều lần so với vị tiền bối kín tiếng.

Nên biết, mối quan hệ giữa hai vị đại gia đất Quảng Bình rất chặt chẽ, chẳng hạn, tiểu khu 3, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch - địa chỉ đăng ký của Công ty Duy Thịnh chính là nơi sinh sống của họ. Khu vực này còn được mệnh danh là trung tâm "đầu não" chính trị của huyện Bố Trạch, nơi đặt trụ sở UBND huyện và Huyện ủy.

Mạng lưới đại gia 'họ Phạm' thâu tóm thị trường địa ốc Quảng Bình
Huyện ủy Bố Trạch đặt tại tiểu khu 3, thị trấn Hoàn Lão (Ảnh: Quangbinh.dcs.vn)

Quay lại với Công ty Duy Thịnh, tháng 8/2019, ở cái tuổi lục tuần, ông Phạm Văn Tiến rút khỏi Công ty Duy Thịnh và sang tên 80% vốn điều lệ cho ông Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1986). Sự thay đổi không làm mai một tầm ảnh hưởng của ông Phạm Việt Phương trong doanh nghiệp, khi người đại diện pháp lý và điều hành công việc kinh doanh hàng ngày ở Công ty Duy Thịnh vẫn là Giám đốc Phan Ngọc Linh - cánh tay phải cả thập kỷ giúp việc cho ông Tiến và ông Phương.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cũng là người đứng tên cho Công ty Cổ phần Đầu tư Khu đô thị Lý Trạch, nhà đầu tư đang độc diễn ở dự án Khu đô thị Lý Trạch gần 1.200 tỷ đồng, tọa lạc trên khu đất rộng suýt soát 200.000 m2 của huyện Bố Trạch.

Bên cạnh công lao của những nhân vật kể trên, sẽ là thiếu sót, nếu không đề cập đến Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Bố Trạch (trực thuộc UBND huyện Bố Trạch, viết tắt là Ban QLDA huyện Bố Trạch), đối tác đặc biệt tin cậy, người luôn đánh giá Công ty Duy Thịnh là nhà thầu uy tín, là nơi "chọn mặt gửi vàng" cho những gói thầu xây lắp địa phương.

Thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, từ năm 2016 tới nay, Công ty Duy Thịnh đã may mắn trúng ít nhất 24 gói thầu do Ban QLDA huyện Bố Trạch làm chủ đầu tư/bên mời thầu, với tổng giá trị gần 500 tỷ đồng. Điều đáng nói là bất kể đó là gói thầu có giá vài tỷ đồng, hay lên đến cả trăm tỷ đồng, thì Công ty Duy Thịnh vẫn nghiễm nhiên giành chiến thắng.

Công ty Duy Thịnh chưa một lần thua ở các gói thầu mà Ban QLDA huyện Bố Trạch làm phía "cầm cân nảy mực", cho dù, họ thường xuyên bỏ thầu xấp xỉ giá gói thầu, khiến tỷ lệ giảm giá cho nguồn vốn ngân sách không nổi 1%.

Mạng lưới đại gia 'họ Phạm' thâu tóm thị trường địa ốc Quảng Bình
Bỏ giá sát nút hơn 30,3 tỷ đồng, Công ty Duy Thịnh vẫn được Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn chọn làm nhà thầu thực hiện gói thầu xây lắp hồi tháng 5/2023 (Ảnh chụp màn hình)

Đơn cử, gói thầu xây lắp thuộc dự án "Tuyến đường kết nối từ đường ven biển đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, huyện Bố Trạch" hồi tháng 6/2022, giá trúng thầu của Công ty Duy Thịnh lên tới 131.893.255.000 đồng, trong khi giá dự toán 131.980.779.000 đồng, giảm 87 triệu đồng cho bản hợp đồng gần 132 tỷ đồng, tính ra khoảng 0,06%, con số mang đậm tính "tượng trưng".

Cần nhấn mạnh, đó không phải trường hợp cá biệt, mà đã tái hiện nhiều lần xuyên suốt hàng chục gói thầu có sự góp mặt của Công ty Duy Thịnh. Công chúng có quyền lo ngại về sự minh bạch, khách quan của công tác đấu thầu tại Ban QLDA huyện Bố Trạch. Trách nhiệm của Ban QLDA huyện Bố Trạch, đứng đầu là Giám đốc Nguyễn Hoài Nam trong việc tiết giảm ngân sách nhà nước, trong việc tìm kiếm nhà thầu hội tụ đầy đủ tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật chất lượng phù hợp với yêu cầu của gói thầu, là vấn đề đáng suy ngẫm.

Rụt rè lợi nhuận

Vẫn theo tài liệu của Báo Công Thương, nhờ có nguồn thu "dồi dào" từ các gói thầu xây lắp của Ban QLDA huyện Bố Trạch, doanh thu Công ty Duy Thịnh tăng mạnh nhất vào năm 2019, mấp mé đạt 190 tỷ đồng. Sau đó, tác động của dịch bệnh khiến doanh số 2020 "thụt lùi" nghiêm trọng xuống 87,6 tỷ đồng, trước khi phục hồi về 150 tỷ đồng năm 2021.

Nhà thầu tiếp tục "trồi sụt" doanh thu với 133,2 tỷ đồng ghi nhận năm 2022 và tăng lên 159,2 tỷ đồng trong năm ngoái. Tổng cộng 5 năm qua (2019 - 2023), họ thu về trên 720 tỷ đồng, bình quân 144 tỷ đồng mỗi năm, tương xứng với giá trị trúng thầu trong giai đoạn này.

Cần nhắc lại, địa bàn hoạt động của Công ty Duy Thịnh tập trung ở "sân nhà" huyện Bố Trạch, vì vậy, nhà thầu đang "hút" tỷ trọng ngân sách nhà nước không nhỏ tại khu vực này. Khối lượng công việc dư dả, chủ yếu làm cho chính quyền huyện nhà, vậy nhưng, con số lợi nhuận được Công ty Duy Thịnh nộp lên cơ quan chức năng rất hạn chế.

Các năm 2019 - 2023, Công ty Duy Thịnh báo cáo lời lãi chẳng đáng là bao, lợi nhuận sau thuế lần lượt là 311 triệu đồng, 823 triệu đồng, âm 14 triệu đồng, 438 triệu đồng và 563,9 triệu đồng. Như vậy, doanh nghiệp xây dựng có lãi trên 2 tỷ đồng sau 5 năm hoạt động, tương đương 420 triệu đồng/năm, đặc biệt có năm còn lỗ 14 triệu đồng (2021). Dĩ nhiên, điều này giúp Công ty Duy Thịnh không phải đóng nhiều thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước.

Cuối năm 2023, tổng tài sản của Công ty Duy Thịnh đạt 664 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước đó. Vốn chủ sở hữu đóng góp 404 tỷ đồng, còn lại là khoản nợ phải trả gần 260 tỷ đồng.

Mạng lưới đại gia 'họ Phạm' thâu tóm thị trường địa ốc Quảng Bình
Những khoản lợi nhuận "bèo bọt", không xứng tầm với doanh thu của Công ty Duy Thịnh (Đồ thị: Hoa Đông)

Trên đây là một góc nhỏ trong hoạt động kinh tế của những doanh nhân "họ Phạm" sống tại huyện Bố Trạch. Ông Phạm Việt Phương còn là Giám đốc kiêm người đại diện pháp lý cho loạt đơn vị kinh doanh bất động sản, như: Công ty TNHH Đầu tư Vĩnh Hưng Nhân Trạch Land, Công ty TNHH Đầu tư Nhân Trạch Land Vĩnh Hưng, Công ty TNHH Công viên Cầu Rào, Công ty TNHH ĐT&TM Vĩnh Lộc... và là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vĩnh Hưng (Chủ tịch là ông Phạm Thành Trung).

Tại Quảng Bình, Tập đoàn Vĩnh Hưng đang nổi lên như một "ông lớn" địa ốc khi nắm trong tay hàng loạt dự án khu nhà ở và khu du lịch nghỉ dưỡng. Họ làm chủ đầu tư của ít nhất 6 dự án, có tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, nổi bật là khu du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, thương mại và giải trí Vĩnh Hưng tại xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch (quy mô 90 ha, tổng mức đầu tư 2.700 tỷ đồng).

Trong khi đó, Đầu tư Vĩnh Hưng Nhân Trạch Land là doanh nghiệp dự án Khu nhà ở thương mại xã Nhân Trạch được Liên danh Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng (nay Tập đoàn Vĩnh Hưng) và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp miền Nam lập ra, dựa trên Quyết định số 4534/QĐ-UBND ngày 13/12/2017 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư trên 638 tỷ đồng, được triển khai trên diện tích 156.983 m2.

Năm 2023, dự án bị Thanh tra tỉnh Quảng Bình đưa vào "tầm ngắm", qua đó phát lộ nhiều vi phạm, khuyết điểm liên quan đến tài chính, kỹ thuật (nghiệm thu quá một số hạng mục so với bản vẽ thiết kế và thực tế thi công tại công trình, làm tăng giá trị công trình hạ tầng kỹ thuật không đúng quy định), không sử dụng đối tác xây dựng theo hồ sơ dự sơ tuyển và hồ sơ đề xuất...

Tương tự, dự án Khu nhà ở thương mại xã Lý Trạch do Đầu tư Nhân Trạch Land Vĩnh Hưng làm chủ đầu tư, cũng nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, đã được Thanh tra tỉnh Quảng Bình chỉ rõ và yêu cầu nhiều tổ chức, cá nhân kiểm điểm trách nhiệm. Điều đó nói lên trách nhiệm và ý thức triển khai, thực hiện dự án của các ông chủ này.

Song, vướng vào những rắc rối khó lý giải không làm "chùn bước" nhóm đại gia "khuynh đảo" thị trường bất động sản Quảng Bình. Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Sân golf Vĩnh Hưng đối với Công ty TNHH Sân golf Vĩnh Hưng.

Dự án có quy mô 177,7 ha, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, thực hiện tại xã Trung Trạch và Đại Trạch, huyện Bố Trạch. Đáng nói, Công ty Sân golf Vĩnh Hưng cũng vừa thành lập hồi tháng 1/2024, với trụ sở tại thị trấn Hoàn Lão. Bà Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 1992) - người đại diện Tập đoàn Vĩnh Hưng, cũng đồng thời đứng tên cho Công ty Sân golf Vĩnh Hưng.

Hoa Đông

Theo: Báo Công Thương