Màn tái xuất rực rỡ của cổ phiếu Thép Pomina (POM)

(Banker.vn) Sau phiên chào sàn UPCoM ngày 23/5 "im hơi lặng tiếng" cổ phiếu POM của Thép Pomina bất ngờ gây sự chú ý vào phiên 24/5 khi "vít ga" tăng tới 39,29%...

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (24/5) cổ phiếu POM của Công ty CP Thép Pomina tăng kịch trần (39,29%) lên mức 3.900 đồng/cổ phiếu với hơn 9 triệu cổ phiếu được sang tay và còn dư mua giá trần còn gần 1 triệu đơn vị.

Trước đó, Sở Giao dịch Chứng Khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo về việc chuyển niêm yết gần 280 triệu cổ phiếu POM từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) sang sàn UPCoM kể từ ngày 23/5/2024 với lý do đơn vị chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán trong 3 năm liên tiếp. Ngày 23/5, cổ phiếu POM không xuất hiện giao dịch.

Theo quy định, biên độ phiên giao dịch đầu tiên trên sàn UPCoM là 40%, tuy nhiên phiên 23/5 mã này không có giao dịch nên đã tạo điều kiện để POM có phiên tăng mạnh ngày 24/5.

Màn tái xuất rực rỡ của cổ phiếu Thép Pomina (POM)
Phiên 23/5, POM không có giao dịch tạo điều kiện để cổ phiếu này có phiên tăng mạnh ngày 24/5

Trước khi sang sàn UPCoM, cổ phiếu POM giao dịch trên sàn HoSE. Tuy nhiên, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã có quyết định hủy niêm yết bắt buộc 279,67 triệu cổ phiếu POM kể từ ngày 10/5 do Thép Pomina đã vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp. Giá đóng cửa phiên giao dịch cuối trên HoSE là 2.810 đồng/cổ phiếu.

Theo tìm hiểu, Thép Pomina được thành lập từ năm 1999, là một trong ba chuỗi nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng với tổng công suất mỗi năm là 1,1 triệu tấn thép xây dựng và 1,5 triệu tấn phôi.

Doanh nghiệp này từng là một trong những nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam với thị phần gần 30%. Tuy nhiên, thị phần của Thép Pomina sau đó đã dần bị thu hẹp trước sự vươn lên mạnh mẽ của Hòa Phát.

Với tính chu kỳ cao của ngành thép, kết quả kinh doanh của Thép Pomina cũng trồi sụt thất thường. Trong quá khứ, Thép Pomina từng có giai đoạn kinh doanh rất khởi sắc với mức lãi dao động từ 400 - 700 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, sau khi bước qua chu kỳ bùng nổ, lợi nhuận của doanh nghiệp lại tụt dốc không phanh, thậm chí thua lỗ.

Mức lỗ kỷ lục của Pomina là năm 2022 với hơn nghìn tỷ đồng, nguyên nhân do giá thép giảm mạnh và nhu cầu tiêu thụ ảm đạm bởi nhiều yếu tố. Sang năm 2023, tình hình cũng không khả quan hơn, công ty lỗ ròng 961 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch lỗ 150 tỷ đặt ra ban đầu.

Màn tái xuất rực rỡ của cổ phiếu Thép Pomina (POM)

Gần đây nhất, quý 1/2024, Thép Pomina ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm mạnh tới gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước, từ 1.645 tỷ xuống còn hơn 471,4 tỷ đồng. Giá vốn cao hơn doanh thu ở mức gần 478 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp báo lỗ hơn 6,4 tỷ, tuy nhiên, mức lỗ này cải thiện nhiều hơn mức lỗ 41,3 tỷ đồng của quý 1/2023.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 12 tỷ xuống còn hơn 8 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng gần gấp đôi từ 70,7 tỷ lên 145,6 tỷ đồng (trong đó có hơn 145,3 tỷ đồng đến từ chi phí lãi vay). Chi phí bán hàng tăng từ 2,2 tỷ lên hơn 3,6 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm từ 71 tỷ xuống còn 55,1 tỷ đồng.

Cuối cùng, Thép Pomina báo lãi trước và sau thuế lần lượt lỗ gần 225 tỷ và hơn 225,1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 186,8 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 8 Công ty liên tiếp báo lỗ kể từ quý II/2022. Khoản lỗ này nâng lỗ lũy kế sau thuế chưa phân phối lên 1.697 tỷ đồng.

Theo giải trình, lãnh đạo Công ty cho biết: khoản lỗ nặng hơn đến từ việc nhà máy thép Pomina 1 và Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh nhiều chi phí quản lý, lãi vay. Trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng nhiều nhất là nguyên nhân chính dẫn đến khoản lỗ. Hiện tại, Công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc nhằm có thể sản xuất lại trong thời gian sớm nhất.

Hiện ban lãnh đạo công ty chưa công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 cũng như thời gian tổ chức phiên họp thường niên năm nay.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản Thép Pomina giảm nhẹ 3,2% so với hồi đầu năm, xuống còn hơn 10.075 tỷ đồng. Công ty có hơn 8.900 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó chiếm chủ yếu là nợ ngắn hạn (gần 8.061 tỷ đồng).

Điểm mặt 6 cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc trong tháng 5

Trung An, Thép Pomina, Xuất nhập khẩu Quảng Bình cùng 3 cổ phiếu họ Lilama đều đã nhận được quyết định huỷ bỏ niêm yết ...

Doanh nghiệp thép từng ngang cơ Hòa Phát ngậm ngùi về UPCoM

Trong quá khứ, Thép Pomina từng là đối thủ "ngang cơ" của Hòa Phát và là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần thép xây dựng ...

Ngày mai, hai cổ phiếu QBS và POM sẽ giao dịch trở lại

Sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE, hai mã cổ phiếu QBS và POM sẽ cùng giao dịch trở lại trên UPCoM ...

Lưu Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán