Mặc lãi thấp, mỗi ngày người dân mang 2.200 tỷ đồng gửi vào ngân hàng

(Banker.vn) Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng đạt gần 6,4 triệu tỷ đồng, đây là mức cao kỷ lục.
Mặc lãi thấp, người dân vẫn gửi 6,2 triệu tỷ đồng vào ngân hàng Người dân gửi tiết kiệm hơn 12,3 triệu tỷ đồng vào ngân hàng, mức cao nhất kể từ trước đến nay

Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2023, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 6.389.593 tỷ đồng, tăng thêm 6.707 tỷ đồng so với tháng trước và tăng 8,93% so với cuối năm 2022.

So với cuối tháng 8/2022, tổng số dư tiền tiết kiệm của dân cư gửi vào ngân hàng tăng thêm gần 752.600 tỷ đồng.

Như vậy, lượng tiền gửi của dân cư từng tháng liên tục cao hơn so với tháng trước. Diễn biến này được duy trì trong suốt một năm qua, bất chấp mặt bằng lãi suất huy động liên tục giảm. Tính bình quân, mỗi ngày người dân mang hơn 2.200 tỷ đồng gửi vào ngân hàng.

Đối với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 7, số dư đạt 5.909.707 tỷ đồng, giảm hơn 74.200 tỷ đồng so với tháng 6.

Mặc lãi thấp, mỗi ngày người dân mang 2.200 tỷ đồng gửi vào ngân hàng
Thống kê lượng tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tề vào hệ thống ngân hàng. Nguồn SBV

Dữ liệu về tiền gửi của người dân đổ vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục cho thấy các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, vàng… hiện không còn sức hấp dẫn quá lớn trong mắt các nhà đầu tư.

Điều này lý giải tại sao dù lãi suất huy động luôn duy trì xu hướng giảm trong phần lớn thời gian kể từ đầu năm 2023 nhưng kỷ lục về tiền gửi của dân cư vào hệ thống các ngân hàng liên tục bị xô đổ.

Kể từ đầu năm đến nay lãi suất huy động bình quân đã giảm khoảng 2%. Thậm chí lãi suất tiền gửi chỉ còn ở mức 3%/năm. Cụ thể, HongleongBank niêm yết mức lãi suất 3%/năm ở kỳ hạn 3 tháng. Cũng ở kỳ hạn này, nhóm Big4 gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank niêm yết chỉ từ 3,3 - 3,5%/năm.

Lãi suất huy động phổ biến được các ngân hàng áp dụng là 5,5 - 6%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Còn kỳ hạn 6 - 9 tháng, mức áp dụng là dưới 5%/năm. Kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng chỉ còn quanh 4%/năm. Các mức lãi suất huy động hiện nay được đánh giá là thấp hơn so với thời điểm diễn ra dịch Covid-19.

Mặc lãi thấp, mỗi ngày người dân mang 2.200 tỷ đồng gửi vào ngân hàng
Mặc lãi thấp, mỗi ngày người dân mang 2.200 tỷ đồng gửi vào ngân hàng

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2%/năm.

Bên cạnh đó, cơ quan điều hành tiền tệ cũng thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay như: Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; Có nhiều văn bản chỉ đạo và làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng, đề nghị tiếp tục triển khai các biện pháp để giảm lãi suất tiền gửi; tiếp tục triển khai các giải pháp để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới…

Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 4/2023 vừa được Vụ Dự báo Thống kê công bố, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý 4/2023 và tăng 8,7% trong năm 2023. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng 4,6% trong quý 4/2023 và cả năm tăng 12,3%.

Các tổ chức tín dụng cũng dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục dồi dào trong quý 4/2023 và cả năm 2023; đồng thời kỳ vọng bình quân mặt bằng lãi suất huy động và cho vay toàn hệ thống tiếp tục giảm 0,26 - 0,35 điểm %.

Theo các chuyên gia ngân hàng, lãi suất đầu vào giảm sâu trong bối cảnh các ngân hàng đang chữa bệnh thừa tiền, tức huy động nhiều hơn cho vay ra.

Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều 30/9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 30/9, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12.900.000 tỉ đồng, tăng khoảng 5,9% so với cuối năm 2022.

Trong khi đó, về cho vay, tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ của nền kinh tế đạt khoảng 12.630.000 tỷ đồng, ước tăng 6,1 - 6,2% so với cuối năm 2022.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương