Lý do Toyota, Honda 'chùn chân' tại 2 thị trường trọng điểm châu Á

(Banker.vn) Tại Thái Lan, Trung Quốc, 2 hãng xe Toyota, Honda đang xem xét lại chiến lược bởi sự bùng nổ của xe điện.
Hãng xe Toyota bị kiện bởi quảng cáo sai sự thật Lý do xe sedan cho người giàu đang đánh mất vị thế ở Việt Nam Các hãng xe dồn dập giảm giá nhằm kích cầu thị trường

Theo tờ Nikkei Asia, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang phải suy nghĩ lại chiến lược của mình tại Trung Quốc và Thái Lan sau khi doanh số bán hàng có tỷ lệ giảm sâu trong quý 2/2024. Người tiêu dùng ở các thị trường quan trọng này ngày càng có xu hướng chuyển sang xe điện.

Tại Trung Quốc, Honda đã báo cáo bán được 209.000 xe trong quý 2 vừa qua, giảm 32% so với năm trước. Do đó, công ty hiện đang đặt mục tiêu bán 3,9 triệu xe trong năm tài chính 2024, ít hơn 220.000 so với kế hoạch đề ra.

Giám đốc Tài chính của Honda, Eiji Fujimura, cho biết: ''Thị phần cho xe động cơ đốt trong đang bị thu hẹp tại Trung Quốc bởi các dòng xe năng lượng mới và nhiên liệu thay thế có tốc độ tăng trưởng doanh số không ngờ. Cuộc chiến giá cả cũng khiến việc kinh doanh trở nên rất khó khăn''.

Lý do Toyota, Honda 'chùn chân' tại 2 thị trường trọng điểm châu Á
Các hãng xe Nhật Bản có xu hướng cắt giảm sản lượng tại Thái Lan, Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia

Theo công ty nghiên cứu MarkLines có trụ sở tại Tokyo, thị phần của các thương hiệu Nhật Bản tại Trung Quốc chỉ ở mức 12,2% trong nửa đầu năm 2024, trong khi các thương hiệu địa phương chiếm 62%.

Tỷ lệ này giảm mạnh so với mức 21,3% của năm 2019. Trong số 10 mẫu xe mới bán chạy nhất tại Trung Quốc vào tháng 6, có tới 5 dòng xe của thương hiệu Trung Quốc BYD, trong khi Nissan Motor là thương hiệu Nhật Bản có sản phẩm đứng ở vị trí thứ 6.

Chủ tịch Nissan Makoto Uchida nhận định rằng, nhu cầu về xe động cơ đốt trong vẫn cao nhưng không thể lạc quan. Thương hiệu Nhật Bản đã sản xuất 169.000 xe tại Trung Quốc trong quý trước, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Vào tháng 6, họ đã đóng cửa một nhà máy chiếm 8% công suất của mình tại quốc gia này.

''Chúng tôi cần các xe năng lượng mới được phát triển tại Trung Quốc để tiếp tục tồn tại'', ông Makoto Uchida đề cập đến 4 mẫu concept (nguyên mẫu) mà Nissan đã giới thiệu tại một triển lãm ô tô ở Bắc Kinh vào tháng 4.

Trong quý 2/2024, doanh số bán xe mới của Toyota tại Trung Quốc bao gồm cả thương hiệu sang trọng Lexus đã giảm 18% so với năm ngoái xuống còn 411.000 xe.

''Tốc độ mở rộng của xe năng lượng mới là không ngờ tới. Để chịu đựng được giai đoạn thay đổi nhanh chóng này, chúng tôi phải chi tiêu nhiều hơn cho kế hoạch quảng cáo và hỗ trợ các đại lý'', Masahiro Yamamoto - giám đốc kế toán của Toyota cho biết.

Masatoshi Nishimoto, người đứng đầu nhóm nghiên cứu và phân tích chiến lược sản xuất và phát triển của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tại S&P Global Mobility đánh giá rằng các thương hiệu Trung Quốc đang dẫn trước trên thị trường nội địa vì có thể sản xuất xe điện giá rẻ bằng cách sử dụng pin sản xuất trong nước, đáp ứng sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc về xe ô tô công nghệ cao, và nhanh chóng ra mắt các mẫu xe mới.

''Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản không hẳn là kém hơn so với các đối thủ Trung Quốc, nhưng họ đang gặp bất lợi. Việc điều chỉnh công suất sản xuất và tăng cường hợp tác với các đối tác địa phương sẽ giúp giảm chi phí vận hành tại Trung Quốc'', Masatoshi Nishimoto phân tích.

Tại Thái Lan, các công ty ô tô Trung Quốc cũng đang thách thức các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, nơi thị trường xe điện đang phát triển và các xe điện Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị phần nhờ vào các khoản trợ cấp từ chính phủ Thái Lan.

Trong số 10 nhà sản xuất hàng đầu tại Thái Lan, Toyota chiếm thị phần cao nhất ở mức 38% trong 6 tháng đầu năm nhưng đã bán ít hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số của Honda, Nissan và bốn thương hiệu Nhật Bản khác cũng giảm. Trong khi đó, doanh số của BYD tăng 32% so với nửa đầu năm 2023.

Honda thông báo vào tháng 7 rằng, họ sẽ hợp nhất hai cơ sở sản xuất của mình tại Thái Lan thành một vào năm 2025. Suzuki Motor cũng cho biết vào tháng 6 rằng họ sẽ ngừng sản xuất ô tô tại nước này.

Lý do Toyota, Honda 'chùn chân' tại 2 thị trường trọng điểm châu Á
Honda sáp nhập 2 cơ sở tại sản xuất tại Thái Lan. Ảnh: Nikkei Asia

Việc tối ưu hóa hoạt động đang ngày càng trở nên quan trọng hơn khi đồng Yên hồi phục trong tuần qua, gây ra nguy cơ giảm sút lợi nhuận. Các nhà đầu tư buộc phải từ bỏ hy vọng rằng đồng yên yếu sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô.

Koji Endo, giám đốc điều hành tại công ty phân tích SBI Securities, cho biết: ''Lợi nhuận của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản trong quý trước đã tăng lên nhiều bởi đồng Yên yếu, nhưng điều đó sẽ không xảy ra từ quý này trở đi. Điều quan trọng sau đó sẽ là liệu họ có thể bù đắp được tổn thất đó bằng cách thành công tại các thị trường như Mỹ và Ấn Độ hay không''.

Trên thực tế, các hãng xe lớn của Nhật Bản như Toyota Motor và Honda Motor đã gia tăng doanh thu tại châu Á trong quý trước, nhờ vào sự suy yếu của đồng yên trong giai đoạn này và duy trì đà tăng trưởng tại các quốc gia khác.

Cụ thể, doanh thu của Toyota đạt 2,2 nghìn tỷ yên (15 tỷ USD), tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận hoạt động tăng 32% lên 245 tỷ yên. Doanh thu của Honda tại châu Á đạt 990 tỷ Yên, tăng 4,4%, mặc dù doanh số bán ô tô bốn bánh giảm 23% xuống còn 264.000 chiếc.

Trần Đình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục