Lý do gì khiến thanh long Việt ‘đi lùi’?

(Banker.vn) Từng được ví là cây tỉ USD, tuy nhiên, sau thời gian dài Việt Nam đứng đầu thế giới cả về diện tích và sản lượng, hiện thanh long Việt đang ‘đi lùi’.
Một số siêu thị tại Anh đã dừng bán thanh long Việt Nam Văn phòng SPS Việt Nam thông tin về việc một số siêu thị tại Anh dừng bán thanh long Việt

Khi cây tỉ USD mất dần vị thế

Tại hội nghị phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam diễn ra ngày 29/9, chỉ ra các lý do khiến thanh long Việt ‘đi lùi’, bà Trần Thanh Bình - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho hay: hiện 80 - 85% sản lượng thanh long hàng năm phục vụ xuất khẩu, trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thanh long chủ lực, chiếm tỷ trọng trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu thanh long. Trung Quốc giảm nhu cầu khiến việc xuất khẩu thanh long giảm mạnh.

Vì sao thanh long ruột đỏ đi Nhật Bản bị dừng đơn hàng?
Lý do gì khiến thanh long Việt ‘đi lùi’?

Bên cạnh đó, đã có thay đổi lớn trong cơ cấu mặt hàng trái cây xuất khẩu Việt Nam. Theo đó, nếu năm 2021, thanh long chiếm 43% trong cơ cấu các mặt hàng, sầu riêng là 7,5%. Năm 2023, tỷ trọng thanh long đã giảm xuống còn 17,7%, trong khi sầu riêng vươn lên 46,9%.

Mặt khác, hiện, thanh long Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt. Trung Quốc đang đẩy mạnh sản lượng, tập trung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam.

Về việc này, ông Nguyễn Quốc Mạnh - Trưởng phòng Cây ăn quả - Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, Việt Nam từng là nước dẫn đầu thế giới về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thanh long.

Tuy nhiên, sau thời gian chiếm lĩnh được một số thị trường, thanh long Việt Nam đang đối mặt với không ít thách thức. Theo đó, yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mẫu mã thanh long quả tươi xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Giống chủ lực của Việt Nam là thanh long vỏ đỏ ruột trắng có kích cỡ, mẫu mã đẹp và ấn tượng, nhưng vị nhạt, không giòn và ngọt như thanh long vỏ vàng.

Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu dẫn đến sự phát sinh, phát triển của nhiều loại sâu bệnh, dịch hại cùng với giá vật tư phân bón tăng cao ảnh hưởng đến đầu tư sản xuất, giá thành, an toàn thực phẩm và sức cạnh tranh.

Về thị trường, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao khi chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Trong khi đó, xuất khẩu thanh long Việt Nam sang các thị trường mới như Ấn Độ và các thị trường tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, châu Mỹ... cũng như tiêu dùng trong nước và công nghiệp chế biến tăng trưởng không cao.

Song song đó, diện tích trồng thanh long thế giới có xu hướng tăng; đặc biệt Trung Quốc thị trường truyền thống, chủ lực đã tăng nhanh, vượt quy mô diện tích, sản lượng của Việt Nam. Ấn Độ, thị trường lớn, tiềm năng cũng có chủ trương tăng diện tích trồng thanh long phục vụ nhu cầu trong nước từ 3.000 ha hiện nay lên 50.000 ha trong 5 năm tới.

Do vậy, dự báo thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam tăng diện tích thanh long, không nỗ lực cải thiện nâng cao chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Hướng đi nào cho thanh long Việt?

Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thanh long là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam, với diện tích khoảng 55.000 ha và sản lượng khoảng 1,3 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD.

Thanh long là một trong những mặt hàng trái cây chủ lực của Việt Nam và được trồng tập trung ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và một số vùng nhỏ ở một số địa phương khác. Vấn đề đặt ra là thực hiện quy trình như thế nào để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá trị thương hiệu.

“3 yếu tố góp phần làm nên lợi thế cạnh tranh của thanh long Việt Nam là khí hậu, thổ nhưỡng và quy trình. Nếu tận dụng và làm tốt quy trình thì nông sản nói chung và thanh long Việt Nam nói riêng không lo ngại phải cạnh tranh với sản phẩm của nước nào”, ông Trần Thanh Nam nói.

Muốn thanh long phát triển bền vững, ông Trần Thanh Nam cho rằng, chúng ta phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, giảm phát thải. Song song đó là nâng cao chất lượng giá trị của sản phẩm. Đồng thời, để phát triển bền vững cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết. Bởi dù giống tốt, trái tốt, nhưng tổ chức không tốt thì không hiệu quả, không đem lại giá trị gia tăng.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho hay, Việt Nam cần phải cân bằng các vùng sản xuất thanh long ở Việt Nam tập trung vào chất lượng hơn là sản lượng, số lượng; cần phải duy trì mức độ sản xuất tập trung, và có thể áp dụng các biện pháp về canh tác đạt chuẩn GAP, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cần phải chuyển sang tư duy sản xuất hướng đến thị trường và thiết lập các vùng sản xuất chuyên biệt về thanh long phù hợp với nhu cầu xuất khẩu ở các thị trường chính. Song song đó, cần sản xuất xanh, có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.

"Dựa trên một số nghiên cứu, 4 trên 5 người tiêu dùng ở châu Âu khi mua thực phẩm muốn thấy các sản phẩm nông nghiệp có nhãn giảm phát thải. Do đó, việc thực hiện các biện pháp sản xuất giảm phát thải, tối thiểu chi phí sản xuất cũng như tăng cường chất lượng của sản phẩm, an toàn sản phẩm và tăng cường giá trị kinh tế của sản phẩm trong toàn chuỗi là điều cấp thiết phải triển khai hiện nay”, ông Patrick Haverman chia sẻ.

Thanh long từng góp mặt trong nhóm các sản phẩm xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam, nhưng giá trị xuất khẩu thanh long giảm dần trong 3 năm trở lại đây. Riêng 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thanh long mới đạt 450 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương