Lý do cần điều chỉnh giá xăng dầu đúng ngày 1/9?

(Banker.vn) Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, việc điều hành giá xăng dầu vào đúng kỳ điều hành 1/9 để có thể phản ánh đúng hướng tăng của giá dầu thế giới đồng thời cũng tránh tạo tâm lý găm hàng, gây bất ổn cho thị trường.

Giá xăng dầu hôm nay 28/8/2022: Xu hướng lao dốc mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 29/8/2022: Vượt áp lực, dầu thô tăng giảm "thất thường"

Giá xăng dầu hôm nay 30/8/2022: Chưa dứt đà giảm

Tại văn bản gửi Bộ Công Thương về điều hành giá xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết thời gian qua, giá xăng dầu thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường với các biến động tăng giảm đan xen trong biên độ lớn. Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước cơ bản vẫn giữ được sự ổn định nhờ sử dụng tốt các công cụ như thuế, quỹ bình ổn giá...

Hiện tổng nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục có chiều hướng tăng, đặc biệt là mặt hàng dầu diesel, tính đến ngày 25/8, tăng 16,6% so với kỳ điều hành ngày 22/8.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Kỳ điều hành tới theo chu kỳ 10 ngày/lần theo kế hoạch sẽ điều chỉnh ngày 1/9 tới thế nhưng lại trùng với ngày nghỉ lễ Quốc Khánh mà Bộ Lao động Thương binh và xã hội thông báo đối với công chức, viên chức còn đối tượng khác như đại bộ phận người lao động ngành xăng dầu chỉ được nghỉ ngày chủ nhật thì ngày 1/9 vẫn là ngày làm việc.

Cơ quan này cũng nêu rõ trong Nghị định 95 cũng không quy định cụ thể sẽ lựa chọn ngày nào là ngày nghỉ lễ chính thức nên nếu lựa chọn ngày 2/9 là ngày nghỉ thì việc điều chỉnh giá phù hợp với chu kỳ 10 ngày theo quy định, còn nếu lựa chọn ngày nghỉ là 1/9 thì việc điều hành giá sẽ được chuyển sang ngày 5/9.

Tuy nhiên, Hiệp hội cho biết việc lùi ngày điều chỉnh sang ngày 15/9 có thể sẽ khiến giá xăng dầu bán lẻ trong nước bị trễ, không phản ánh đúng xu hướng tăng của giá dầu thế giới, gây khó khăn cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn và đặc biệt tạo ra tâm lý găm hàng, đầu cơ gây bất ổn cho thị trường.

Chính vì vậy, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã đề nghị Bộ trưởng Công Thương vẫn cho điều hành giá xăng dầu vào đúng kỳ điều hành 1/9 vừa giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vừa tạo thuận lợi cho các đơn vị này trong công tác tạo nguồn nhằm phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh (từ 1 - 4/9).

Không chỉ Hiệp hội Xăng dầu, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cũng có sự đồng tình và đề nghị cơ quan chức năng điều hành thị trường linh hoạt hơn, tránh nguy cơ lặp lại tình huống nguồn cung đứt gãy như hồi đầu năm 2022.

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 22/8, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã giữ nguyên giá xăng E5 RON 92 và RON 95 ở mức 23.720 đồng/lít và 24.660 đồng/lít (so với phiên điều chỉnh ngày 11/8). Tuy nhiên, giá một số mặt hàng dầu kỳ này được điều chỉnh đồng loạt tăng. Cụ thể, dầu diesel là 23.750 đồng/lít, tăng 850 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 24.050 đồng/lít, tăng 730 đồng/lít. Dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh kỳ trước, có giá 16.540 đồng/kg.

Trong kỳ điều chỉnh đó, liên Bộ cũng đã quyết định trích mỗi lít xăng từ 451-493 đồng vào quỹ. Dầu diesel trích lập 250 đồng, dầu hỏa 400 đồng và dầu mazut trích 641 đồng/kg.

Như vậy từ đầu năm đến nay, nước ta đã trải qua 22 lần điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó 13 lần tăng và 8 lần giảm. Phiên điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/8 là lần thứ 5 liên tiếp các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm giá. Sau phiên điều chỉnh ngày 22/8, giá xăng trong nước đứt mạch đi xuống sau 5 kỳ giảm liên tiếp trong tháng 7.

Trước những diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp điều hành dự đoán giá xăng dầu trong nước sẽ tăng trong kỳ điều hành sắp tới. Nhiều khả năng, giá xăng sẽ tăng ở mức 380-400 đồng/lít; dầu tăng mạnh hơn ở mức 2.300-2.400 đồng/lít.

Thu Uyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán