Lương và chính sách cho nhà giáo: Chưa tạo ra động lực phấn đấu

(Banker.vn) Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, vấn đề lương và chính sách cho nhà giáo khi thực hiện cải cách tiền lương tiếp tục được nhiều đại biểu chất vấn.
Tiền lương giáo viên sẽ thay đổi theo dự kiến từ năm 2024 Bộ trưởng Nội vụ nói gì về tình trạng thiếu giáo viên, lương nhân viên trường học?

Bất cập kéo dài, chưa tạo ra động lực phấn đấu

Hiện nay, đội ngũ giáo viên trên cả nước đang chiếm hơn một nửa số lượng những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chính sách tiền lương còn nhiều bất cập nên chưa tạo ra động lực phấn đấu cho đội ngũ nhà giáo.

Lương và chính sách cho nhà giáo: Chưa tạo ra động lực phấn đấu
Chính sách tiền lương bất cập nên chưa tạo ra động lực phấn đấu cho đội ngũ nhà giáo

Hệ quả rõ nhất của sự bất cập này là hàng nghìn giáo viên nghỉ việc, bỏ việc, mà nguyên nhân cốt lõi nhất là thu nhập hàng tháng của một bộ phận giáo viên (đặc biệt giáo viên trẻ) quá thấp so với thực tế cuộc sống.

Bên cạnh đó, tại các trường học, khoảng cách về lương của giáo viên cũng đang có sự chênh lệch khá lớn. Với cách tính lương hiện nay, nhiều giáo viên có thâm niên lâu năm có mức thu nhập gấp gần 3 lần giáo viên đang hưởng lương bậc 1. Trong khi, nếu không kiêm nhiệm chức vụ thì định mức giảng dạy của giáo viên cùng cấp học đều có số tiết giống nhau.

Ví dụ cụ thể: Một giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn ở cấp trung học cơ sở có 15 năm công tác đang hưởng lương bậc 5 sẽ có hệ số 3,66 cộng với phụ cấp đứng lớp 30% và 13% phụ cấp thâm niên. Sau khi trừ các loại tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, công đoàn phí, đảng phí… thì mỗi tháng sẽ nhận khoảng gần 9 triệu đồng.

Trong khi một giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ có thời gian công tác 30 năm thì mức lương thực nhận mỗi tháng là 14 triệu đồng. Bởi, những giáo viên này đã được hưởng lương vượt khung và phụ cấp thâm niên 28% nên mức lương thực nhận cao hơn rất nhiều.

Còn với một giáo viên vào nghề được 10 năm, đang hưởng lương bậc 3 mỗi tháng sẽ nhận 6,5 triệu đồng; giáo viên vào nghề được 4 năm, đang hưởng lương bậc 1, chưa có phụ cấp thâm niên sẽ có thu nhập khoảng 5 triệu đồng…

Cách trả lương như hiện nay là câu trả lời rõ nhất cho câu hỏi: Vì sao nhiều thủ khoa, á khoa không chọn ngành sư phạm để theo học?

Vấn đề tiền lương và chính sách nhà giáo cũng là vấn đề “nóng” được nêu trong cuộc đối thoại của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn với một triệu nhà giáo trên cả nước vào trung tuần tháng 8/2023. Và tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, vấn đề này tiếp tục được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Lương giáo viên sẽ được xếp cao nhất

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - đoàn Quảng Bình đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo yêu cầu lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Vậy, Bộ trưởng Nội vụ cho biết chủ trương này có được cụ thể trong đợt cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 tới đây hay không và giải pháp cụ thể về chính sách tiền lương cho nhà giáo.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: "Trong thời gian tới đây, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27 và đặc biệt, quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là "lương nhà giáo được ưu tiên xét trong thang bảng lương cao nhất trong hệ thống hành chính sự nghiệp".

Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các quy định về tiền lương, nhất là tiền lương mới và các phụ cấp về dự kiến phụ cấp ưu đãi nghề cao nhất đối với nhà giáo để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cũng về vấn đề tiền lương giáo viên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh: Giáo viên bậc trung học có cơ cấu theo tiết, theo giờ, còn giáo viên mầm non và giáo viên bậc tiểu học thì xuyên suốt. Đặc biệt, giáo viên mầm non phải làm việc xuyên suốt từ sáng đến tối muộn, cường độ làm việc không phải theo cơ chế nặng nhọc nhưng rất vất vả; trong khi tiền lương và thu nhập chưa tương xứng với công sức, thời gian làm việc của giáo viên mầm non. Bên cạnh đó còn có sự phân biệt giữa công chức cấp xã với công chức còn lại trong hệ thống chính quyền theo luật của chính quyền địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Việc xếp lương của giáo viên mầm non được thực hiện theo Nghị định 204 và phụ cấp ưu đãi nghề theo Quyết định 244/2005. Trong quá trình thực hiện phụ cấp ưu đãi nghề cũng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, chính vì vậy có thể nói lương của giáo viên nói chung cũng như lương của giáo viên mầm non được quan tâm hơn so với các đối tượng viên chức khác.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thừa nhận: “Nhìn tổng thể giáo viên mầm non lương còn rất thấp, lại có tính chất nghề nghiệp rất đặc thù. Chúng tôi tính bình quân giáo viên mầm non lương được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng”.

Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp khi xây dựng bảng lương mới cho nhà giáo nói chung cũng như giáo viên mầm non nói riêng; “Chúng ta căn cứ trên cơ sở vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức, trên nguyên tắc của Nghị quyết 27 cùng mức độ phức tạp và công việc thì mức lương cơ bản trong bảng lương là như nhau; trong điều kiện lao động cao hơn bình thường, nặng nhọc, độc hại hoặc khó khăn hoặc chúng ta sẽ thực hiện ưu đãi nghề...”, bà Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, đồng thời một lần nữa nhấn mạnh: Trên cơ sở tinh thần của Nghị quyết 29 sẽ đảm bảo tiền lương cơ bản cộng với phụ cấp sẽ cao hơn trong hệ thống bảng lương hành chính sự nghiệp.

Về vấn đề đại biểu Huỳnh Thị Phúc nêu là có sự phân biệt giữa chính sách tiền lương, giữa công chức cấp xã với công chức khác, bà Phạm Thị Thanh Trà cho hay: Thực tế hiện nay đang tồn tại hai chế độ công vụ, một chế độ công vụ cấp xã và một chế độ công vụ từ cấp huyện trở lên, nhưng riêng với cán bộ, công chức cấp xã thì tất cả các chế độ, chính sách cũng giống như cán bộ, công chức cấp huyện trở lên.

Chúng ta thực hiện xếp lương theo Nghị định 204 cũng thực hiện tất cả các điều kiện về tiêu chuẩn về bổ nhiệm, miễn nhiệm, quản lý, sử dụng, đánh giá, xếp loại... Mới đây nhất là Nghị định 33 đã phủ được toàn bộ tất cả những nội dung này, có nghĩa là tiêu chuẩn, điều kiện, vị trí việc làm của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hết sức rạch ròi, rõ ràng và cụ thể. Chỉ có khác một vấn đề duy nhất, đó chưa phải là biên chế chung của hệ thống chính trị chúng ta. Cho nên tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án về liên thông với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện để xây dựng một chế độ công vụ chung, để đảm bảo xây dựng một nền công vụ hoàn thiện, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của một nền hành chính nhà nước”, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Chính phủ sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết 27 từ ngày 1/7/2024. Đồng thời, tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang tiến hành xây dựng Luật Nhà giáo. Những thông tin này đang thu hút sự quan tâm của công nhân viên chức, trong số đó có rất nhiều giáo viên chờ đợi chính sách tiền lương của nhà giáo sẽ có những thay đổi lớn, tích cực hơn.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương