Lùi điều chỉnh giá xăng dầu sau dịp Tết Nguyên đán 2023

(Banker.vn) Theo chu kỳ 10 ngày, 21/1, tức 30 tháng Chạp là ngày điều chỉnh giá xăng nhưng vì rơi vào dịp nghỉ Tết, cơ quan điều hành sẽ lùi 10 ngày tới 11 tháng Giêng, tức 11/2.

Bất ngờ với mức giảm giá xăng trong nước chiều nay (11/1): Bình ổn thị trường Tết

Giá xăng dầu hôm nay 12/1/2023: Xăng trong nước "im ắng”

Giá xăng dầu hôm nay 13/1/2023: Chưa dứt đà tăng

Ngày điều chỉnh giá xăng dầu thông thường vào ngày 1, 11, 21 hàng tháng. Tuy nhiên, ở kỳ điều chỉnh tới, ngày 21/1 (tức 30 tháng Chạp) trùng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Do vậy, theo quy định tại Nghị định 95, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu sẽ được lùi vào ngày làm việc tiếp theo, tức ngày 1/2.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), xác nhận với Dân trí thông tin liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào lúc 15h chiều 1/2.

Không điều hành giá xăng dầu vào ngày 30 Tết
Không điều hành giá xăng dầu vào ngày 30 Tết (Nguồn ảnh: Internet)

Hiện tại, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã thông báo đến các thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ về thời gian điều chỉnh giá kỳ tới. Đồng thời, phía cung cấp khuyến cáo các cây xăng duy trì tồn bể để tối ưu lợi nhuận, khi dự báo đến Tết chiết khấu không được khả quan, nguồn dầu hạn chế.

Kỳ điều hành gần nhất, ngày 11/1, giá các mặt hàng xăng được giữ nguyên, còn dầu giảm tối đa gần 1.000 đồng một lít, kg tuỳ loại. Hiện, mỗi lít xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) là 22.150 đồng một lít; E5 RON 92 ở mức 21.350 đồng; dầu diesel là 21.630 đồng, dầu hoả 21.800 đồng một lít...

Diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới từ sau ngày 11/1 trong xu hướng đi lên. Chẳng hạn, ngày 12/1, giá mỗi thùng RON 95 trên thị trường Singapore là 96,44 USD một thùng, tăng gần 3,6 USD; dầu diesel 113,6 USD mỗi thùng, tăng 2,5 USD một thùng... Với mức giá thế giới hiện tại, dự báo giá bán lẻ xăng dầu ngày 1/2 (chưa gồm trích, chi Quỹ bình ổn xăng dầu) sẽ tăng 140 - 780 đồng một lít, kg tuỳ loại.

Về nguồn cung, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị cung ứng gần 40% thị trường xăng dầu trong nước, gặp sự cố kỹ thuật phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi (RFCC) từ cuối tháng 12/2022, nên giảm công suất về 85%. Ước tính lượng xăng dầu thiếu hụt do giảm sản xuất từ nhà máy này trong nửa đầu tháng 1, khoảng 120.000 m3.

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Công Thương cách đây hai ngày, lãnh đạo Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cho biết, sự cố đã khắc phục xong, nhà máy vận hành trở lại phân xưởng RFCC ngày 14/1 và đạt 100% công suất sau 3-4 ngày, sau đó sẽ tăng công suất lên 105-107% để bù sản lượng hàng thiếu hụt. Vì thế, theo Bộ Công Thương nguồn cung xăng dầu trong nước sẽ đảm bảo thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023.

Ngày 15/1, giá dầu thế giới tăng hơn 8% trong tuần qua, nhờ sự lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc, khi nước này dỡ bỏ các hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19 và mở cửa nền kinh tế. Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 9/1 với xu hướng tăng sau tuần lao dốc mạnh nhờ đồng USD suy yếu và triển vọng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu được cải thiện khi kinh tế toàn cầu được dự báo đã thoát nguy cơ suy thoái.

Cụ thể, JP Morgan nhận định về việc kinh tế toàn cầu không có nguy cơ suy thoái nhờ lạm phát giảm mạnh sẽ hỗ trợ tăng trưởng. JP Morgan cũng dự báo giá dầu Brent đạt mức trung bình 90 USD/thùng trong năm 2023. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng đưa dự báo tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu năm 2024 sẽ đạt 102,2 triệu thùng nhờ tăng cường nhu cầu từ các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ.

Trung Quốc đã điều chỉnh hạn ngạch nhập khẩu dầu thô cho năm 2023. Quốc gia này sẽ nâng tổng hạn ngạch năm nay thêm 20% so với mức cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu cũng được hỗ trợ mạnh bởi niềm tin của giới đầu tư vào khả năng lạm phát Mỹ hạ nhiệt, tạo cơ sở để Fed xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ở diễn biến khác, thị trường dầu thô cũng dấy lên nhiều lo ngại về khả năng tác động từ các biện pháp trừng phạt, đặc biệt là áp trần với giá dầu thô Nga sẽ lớn hơn các dự báo. Trước đó, Nga đã lên kế hoạch về việc cắt giảm sản lượng từ 5-7% sản lượng.

Mặc dù vậy, đà tăng của giá dầu cũng bị kiềm chế bởi thông tin dự trữ dầu thô Mỹ tăng mạnh. Cụ thể, theo dữ liệu vừa được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) phát đi, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc ngày 6/1 đã tăng tới 19 triệu thùng, mức tăng lớn thứ 3 theo tuần kể từ trước đến nay và cao nhất kể từ mức tăng kỷ lục 21,6 triệu thùng được thiết lập vào hồi tháng 2/2021.

Thanh Hằng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán