Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở có làm tăng biên chế, chi ngân sách?

(Banker.vn) Sáng 15/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cần thiết Đại biểu Quốc hội góp ý về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở Băn khoăn chế độ bồi dưỡng "rất cao" cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Trên 70 tuổi có thể tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “quyền hạn” vào phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, đồng thời bổ sung một điều quy định quyền hạn của lực lượng này trong dự thảo Luật.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Về ý kiến trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, quyền hạn phải gắn với chủ thể mang quyền lực nhà nước để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực thi quyền lực nhà nước.

"Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện, không thực hiện chức năng quản lý, không thuộc bộ máy nhà nước mà tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự hướng dẫn, phân công, chỉ đạo trực tiếp của Công an cấp xã" - ông Lê Tấn Tới nhấn mạnh.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép không bổ sung cụm từ “quyền hạn” vào phạm vi điều chỉnh và không bổ sung điều quy định về quyền hạn của lực lượng này.

Tuy nhiên, để tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội một cách phù hợp, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh xin được rà soát, bổ sung vào một số nhiệm vụ độc lập của lực lượng này tại các Điều 7, 8, 10 và 12 để thể hiện quyền và trách nhiệm của lực lượng này khi thực hiện các nhiệm vụ độc lập.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân cùng cấp và sự phân công, hướng dẫn, kiểm tra của Công an cấp xã.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, ý kiến của đại biểu là rất xác đáng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và lực lượng thực hiện nhiệm vụ này đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền.

Bảo vệ an ninh trật tự là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an nhân dân làm nòng cốt, chủ trì và chịu trách nhiệm trước chính quyền trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện.

Lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm giúp chính quyền cùng cấp quản lý về tổ chức, hoạt động, chỉ đạo, điều hành các lực lượng quần chúng tham gia; trực tiếp phân công, hướng dẫn, kiểm tra các lực lượng quần chúng tham gia để việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự được thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Kết hợp với ý kiến đại biểu Quốc hội nêu trên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh xin tiếp thu, chỉnh lý Khoản 2 Điều 4 và các quy định có liên quan tại Điều 3 và Khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật để xác định rõ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự lãnh đạo “toàn diện” của cấp ủy Đảng, sự quản lý, “chỉ đạo, điều hành” của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định độ tuổi tối đa để bảo đảm điều kiện sức khỏe thực hiện nhiệm vụ; đề nghị cân nhắc quy định về tiêu chuẩn văn hóa để bảo đảm tính khả thi.

"Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh xin tiếp thu và đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý cụ thể tại Điều 13 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý để quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia là từ đủ 18 tuổi đến 70 tuổi, trường hợp từ 70 tuổi trở lên mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã" - ông Lê Tấn Tới cho hay.

Đồng thời, chỉnh lý quy định trình độ văn hoá là có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên; đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.

Băn khoăn có thể làm tăng biên chế và chi ngân sách nhà nước

Có ý kiến đề nghị quy định tiêu chuẩn là “không có tiền án, tiền sự”, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, nếu quy định tiêu chuẩn “không có tiền án, tiền sự” sẽ không đúng với quy định của pháp luật Hình sự về trường hợp đã được xóa án tích và pháp luật Xử lý vi phạm hành chính về trường hợp hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính; đồng thời chưa phù hợp với thực tế.

Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở có làm tăng biên chế, chi ngân sách?
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giữ quy định này như trong dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Có ý kiến băn khoăn về việc khi Luật này được ban hành thì có thể làm tăng biên chế và chi ngân sách nhà nước; do đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng và hoàn thiện các quy định có liên quan của dự thảo Luật nhằm bảo đảm cân đối nguồn lực, bao gồm cả tài chính, cơ sở vật chất và con người.

Về nội dung này, sau khi có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có Báo cáo số 518/BC-CP ngày 06/10/2023 đánh giá tác động về biên chế, kinh phí và điều kiện bảo đảm cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

"Theo báo cáo của Chính phủ, với việc hình thành Tổ bảo vệ an ninh trật tự và dự tính kinh phí thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay. Các thành viên Đảng đoàn Quốc hội đồng ý với nội dung Chính phủ giải trình (tại cuộc họp 17h30 ngày 1/11/2023)" - ông Lê Tấn Tới cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đối với dự án luật này, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đánh giá rất cao việc tiếp thu, chỉnh lý, giải trình của cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra.

Đặc biệt, Quốc hội đánh giá cao mô hình tổ chức lực lượng, cơ chế, nguyên tắc lãnh đạo, chỉ huy điều hành và việc cụ thể hóa một bước trong việc bổ sung một số trách nhiệm của lực lượng này.

Về mô hình, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là mô hình do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của quần chúng, hoạt động theo nguyên tắc là sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền. Cơ chế này đã được thể hiện rõ. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp, dự thảo luật đã thể hiện rõ nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo lực lượng này, đảm bảo đúng với tính chất của lực lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, về việc bảo đảm điều kiện kinh phí, so với mức chi trả hiện hành là không làm tăng thêm về ngân sách. Việc tăng thêm sau này có thể do địa phương quy định để đảm bảo cao nhất yêu cầu về an ninh trật tự tại mỗi địa phương, tùy theo tình hình thực tế.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương