Lực bán thanh lý giảm và đồng USD suy yếu giúp giá cà phê xuất khẩu tăng trở lại

(Banker.vn) Giá cà phê tăng trở lại do lực bán thanh lý đã giảm và đồng USD suy yếu. Bên cạnh đó tồn kho thấp kỷ lục từ năm 2014 cũng giúp cà phê xuất khẩu lấy lại đà tăng.
Sức mạnh đồng USD tăng gây sức ép lên giá cà phê xuất khẩu Nguồn cung được cải thiện, giá cà phê xuất khẩu giảm phiên thứ ba liên tiếp

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 15/2, giá hai mặt hàng cà phê phục hồi sau ba phiên giảm liên tiếp. Giá Arabica hợp đồng tháng 3 tăng 1,2% và giá Robusta hợp đồng tháng 5 lấy lại 0,58%. Lực mua kỹ thuật đẩy giá bật lên từ vùng kháng cự. Nhưng tín hiệu tích cực từ nguồn cung đã hạn chế đà phục hồi của giá.

Lực bán thanh lý giảm và đồng USD suy yếu giúp giá cà phê xuất khẩu tăng trở lại
Giá Arabica hợp đồng tháng 3 tăng 1,2% và giá Robusta hợp đồng tháng 5 lấy lại 0,58%

Trong báo cáo kết phiên 14/2, tồn kho Arabica đã qua chứng nhận trên Sở ICE-US tăng thêm 5.017 bao loại 60kg. Đây là lần đầu tiên tồn kho đạt chuẩn vượt 300.000 bao, kể từ tháng 11/2023. Sự phục hồi tích cực của cà phê đạt chuẩn đã góp phần hạ nhiệt lo ngại về nguồn cung, bên cạnh số liệu xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh trong tháng 1/2024 tại Brazil và Colombia. Giá Robusta tăng nhẹ một phần nhờ lực kéo từ giá Arabica.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (16/2), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng 600 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua quanh mức 77.500 - 78.600 đồng/kg.

Báo cáo của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cho thấy, giá cà phê Robusta thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm do lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Việt Nam, nước xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới. Cụ thể, giá cà phê Robusta đã tăng 9,6% so với tháng trước lên mức bình quân 148,5 US Cent/lb, có thời điểm chạm ngưỡng 153,3 US Cent/lb.

Giá cà phê thế giới được theo dõi và tổng hợp bởi ICO (I-CIP) đạt bình quân 176,4 US Cent/lb (khoảng 171,1 - 185,5 US Cent/lb) trong tháng đầu tiên của năm 2024, tăng nhẹ 0,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lực bán thanh lý giảm và đồng USD suy yếu giúp giá cà phê xuất khẩu tăng trở lại
Giá cà phê Robusta thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm do lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Việt Nam, nước xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới

Đây cũng là mức giá cao nhất đạt được trong 10 tháng trở lại đây trong bối cảnh giá cà phê Robusta tăng lên ngưỡng cao nhất kể từ năm 1994 đã bù đắp cho sự sụt giảm của cà phê Arabica.

Giá cà phê tăng trở lại sau 3 ngày liên tiếp giảm. Chuyên gia nhận định, nguyên nhân do lực bán thanh lý đã giảm và đồng USD suy yếu.

Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, Việt Nam, nơi sản xuất hơn 1/3 sản lượng cà phê Robusta của thế giới, đã thu hoạch 26,3 triệu bao cà phê trong mùa trước - mức thấp nhất trong 6 năm - trong khi mùa hiện tại đạt 26,6 triệu bao.

Giá cà phê Robusta vẫn được thúc đẩy bởi những lo ngại liên tục về tình hình nguồn cung, đặc biệt là ở Indonesia và Việt Nam, đồng thời tồn kho trên sàn ICE thấp kỷ lục. Theo Reuters, các thương nhân tại Việt Nam vẫn đang giữ lại hạt cà phê với kỳ vọng giá cao hơn, điều này càng làm trầm trọng thêm các vấn đề về nguồn cung vốn đang thắt chặt tại quốc gia sản xuất Robusta lớn nhất thế giới này.

Trong đó, xuất khẩu của Indonesia đã tăng 8,5% trong tháng 12/2023, đây là tháng có mức tăng trưởng tích cực đầu tiên kể từ tháng 8/2023. Vụ thu hoạch cà phê năm 2023-2024 của Indonesia ước tính giảm 16,6% so với niên vụ trước xuống còn 10 triệu bao, do mưa quá nhiều trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 5/2023 đã gây thiệt hại đối với trái cà phê.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục