Luật Viễn thông (sửa đổi): Không hạn chế vốn nước ngoài với trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây

(Banker.vn) Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) không có điều khoản liên quan đến hạn chế tỷ lệ vốn nước ngoài với trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây.
Bổ sung quy định về quản lý cạnh tranh trong kinh doanh dịch vụ viễn thông Lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi): Nhiều vấn đề cần quan tâm

Quản lý OTT ở mức độ phù hợp, bảo vệ quyền lợi người sử dụng

Tại Hội thảo Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức mới đây, cơ quan soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi, góp ý từ các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và hiệp hiệp hội doanh trong và ngoài nước.

Trong đó, nhiều ý kiến có chung nhận định về tầm quan trọng của dịch vụ trung tâm dữ liệu (DC), điện toán đám mây (cloud) và dịch vụ ứng dụng internet trong viễn thông (dịch vụ viễn thông OTT) trong nền kinh tế số, xã hội số hiện nay.

Luật Viễn thông (sửa đổi): Không hạn chế vốn nước ngoài với trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây
Các đại biểu tham dự Hội thảo Góp ý Luật Viễn thông (sửa đổi)

Cụ thể, theo bà Nguyễn Việt Hà – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hà Nội): Trong bối cảnh hiện nay các dịch vụ OTT là một phần vô cùng quan trọng trong cuộc sống và hoạt động của doanh nghiệp.

“Mỗi người trong số chúng ta đều có nhiều app OTT khác nhau sử dụng để liên lạc, với doanh nghiệp thì phần mềm, nền tảng họp trực tuyến vô cùng quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp” – bà Nguyễn Việt Hà thông tin.

Cũng theo bà Nguyễn Việt Hà, vì sự quan trọng đó, các doanh nghiệp của Amcham Hà Nội vô cùng quan ngại với những quy định hạn chế về các dịch vụ OTT xuyên biên giới, vì trong trường hợp các nền tảng hay các dịch vụ này không tuân thủ hoặc không muốn tuân thủ mà không cung cấp những dịch vụ này ở Việt Nam nữa thì doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, bởi nếu như họ không thể sử dụng được những nền tảng xuyên biên giới này, đặc biệt là với doanh nghiệp sử dụng nền tảng họp trực tuyến hàng ngày làm giảm năng lực cạnh tranh nếu như không được sử dụng các nền tảng này trong các hoạt động thương mại hàng ngày.

“Điều này là rất rõ trong 2 năm Covid -19, nếu như không có những nền tảng OTT xuyên biên giới hoặc những nền tảng họp trực tuyến thì chúng tôi không thể nào duy trì các hoạt động kinh doanh và đặc biệt các hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu hay các hoạt động thương mại xuyên biên giới, trong khi đó là các hoạt động đã đóng góp rất tích cực vào tăng trưởng kinh tế dương của Việt Nam trong thời kỳ Covid-19” – bà Nguyễn Việt Hà khẳng định và cho rằng, vì sự quan trọng của nền tảng dịch vụ OTT nên một số quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Liên minh châu Âu (EU), dù cũng coi định nghĩa các dịch vụ OTT là dịch vụ viễn thông, nhưng không áp dụng một hạn chế nào với các dịch vụ OTT xuyên biên giới, và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ phải đặt các văn phòng đại diện tại các nước EU.

Trên cơ sở đó, AmCham Hà Nội kiến nghị, cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định về áp đặt điều kiện kinh doanh và đặt văn phòng đại diện, hay phải ký hợp đồng thương mại với bên cung cấp dịch vụ OTT, vì tính khả thi không cao, và có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Phản hồi ý kiến của đại diện AmCham Hà Nội, ông Trần Thế Phương – Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: Đại diện AmCham Hà Nội đã chia sẻ EU quy định OTT là dịch vụ viễn thông, và cơ quan chủ trì soạn thảo cũng thấy như thế. Trong đó, đại diện AmCham Hà Nội có nói EU đưa OTT vào viễn thông nhưng không quản lý gì. Thực ra, là có quản lý, ví dụ về vấn đề kinh tế, về bảo vệ người sử dụng. Hay như quy định về xác định thị trường, thị trường liên quan, kể cả dịch vụ OTT cũng có thể được kể vào, dù đây là phân tích “case by case” (tuỳ trường hợp) và tùy từng thời kỳ, chứ không phải tự động áp dụng.

“Quan trọng là OTT nằm trong khuôn khổ quản lý viễn thông, và do đó cơ quan quản lý có quyền làm việc đó. Hay ví dụ vấn đề liên quan đến người sử dụng dịch vụ như quản lý hợp đồng dịch vụ: Minh bạch điều khoản hợp đồng, trách nhiệm minh bạch thông tin về giá cước khi có thu cước của người sử dụng. Cách tiếp cận của Việt Nam cũng như vậy, đưa OTT là dịch vụ viễn thông, nhưng quản lý có mức độ phù hợp, tập trung vào bảo vệ quyền lợi người sử dụng, an toàn an ninh và trên tinh thần tạo thuận lợi cho phát triển, ví dụ không quy định hạn chế vốn nước ngoài như các dịch vụ viễn thông truyền thống….” – ông Trần Thế Phương thông tin.

Còn theo ông Nguyễn Hồng Thắng - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông: Trong quá trình soạn thảo, chúng tôi cũng tham khảo rất nhiều các nước khác nhau trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), EU, Ấn Độ. Một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đã đưa OTT vào từ lâu, trong đó Trung Quốc đưa dịch vụ trung tâm dữ liệu (DC), điện toán đám mây (cloud) vào viễn thông cơ bản loại 1 (loại quản lý chặt hơn). Hàn Quốc họ cũng đã đưa vào Luật Viễn thông. Ấn Độ đang dự thảo bản sửa đổi cuối năm trước, và cũng đã đưa các nội dung này.

Luật Viễn thông (sửa đổi): Không hạn chế vốn nước ngoài với trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây
Theo đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây trong dự thảo không có yêu cầu hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài

Không yêu cầu hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài

Liên quan đến vấn đề về trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, đại diện AmCham Hà Nội, bà Nguyễn Việt Hà cho rằng, rất vui vì đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nói tinh thần của Ban soạn thảo là tạo điều kiện để phát triển, nhưng các quy định dường như đang đi ngược lại với tinh thần chung như vậy.

Vì quy định chung hình như đang áp đặt một số điều kiện kinh doanh đối với hai loại hình dịch vụ này, ví dụ như điều kiện về đặt văn phòng đại diện hay điều kiện về hạn chế vốn đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp muốn đầu tư vào dịch vụ điện toán đám mây hoặc dịch vụ trung tâm dữ liệu.

“Nếu đặt ra những điều kiện như vậy thì liệu có đang đi ngược lại xu hướng và tinh thần chung là tạo điều kiện để các dịch vụ này phát triển hay không. Và hiện tại ví dụ với dịch vụ điện toán đám mây thì Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các cam kết quốc tế của Việt Nam không một luật nào đặt ra các điều kiện kinh doanh với điện toán đám mây, vậy chúng ta đang đặt ra những điều kiện hạn chế vốn đầu tư của nước ngoài thì có đang mâu thuẫn với các luật khác và các cam kết quốc tế không?” – đại diện AmCham Hà Nội đặt câu hỏi và cho biết, nhìn vào một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, các quốc gia này đều cho phép 100% vốn đầu tư nước ngoài vào dịch vụ viễn thông và điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu, và không có một điều kiện nào với dịch vụ xuyên biên giới.

Trên cơ sở đó, AmCham Hà Nội đưa ra khuyến nghị, cơ quan soạn thảo xem xét, bỏ các quy định hạn chế về mặt quy định điều kiện kinh doanh hay các hạn chế về điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu.

Trước phản hồi của doanh nghiệp, ông Trần Thế Phương – Phó trưởng phòng Chính sách, Cục Viễn thông cho rằng: Về các điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp, chúng tôi cũng chia sẻ ý kiến là cần xem xét các quy định phải đảm bảo tính phù hợp. Quan điểm chung là khuyến khích phát triển các dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây.

“Dự thảo luật đã thể hiện quan điểm này chứ không phải đi ngược lại quan điểm khuyến khích phát triển như một số ý kiến đã phát biểu. Dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây khi quy định vào trong luật này thì so với dịch vụ viễn thông truyền thống có yêu cầu quản lý khác hơn” – ông Trần Thế Phương khẳng định và nêu ví dụ: Dịch vụ viễn thông truyền thống theo cam kết quốc tế WTO có hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong khi dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây trong dự thảo không có yêu cầu hạn chế về tỷ lệ vốn nước ngoài.

"Đại diện AmCham Hà Nội có nói về hạn chế vốn nước ngoài với trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây. Trong dự thảo không có điều khoản liên quan đến hạn chế tỷ lệ vốn nước ngoài này. Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là thúc đẩy, tạo sự phát triển" - ông Trần Thế Phương thông tin thêm.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương