Luật Viễn thông (sửa đổi): Cần tính đến lợi ích quốc gia và doanh nghiệp

(Banker.vn) Xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi), cần phân tích tác động của dự án luật và lợi ích của quốc gia với lợi ích của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Luật Viễn thông (sửa đổi): Không hạn chế vốn nước ngoài với trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây Đưa dịch vụ OTT viễn thông vào quản lý, bảo đảm an ninh thông tin

Tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) sáng 10/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên thế giới có 2 công cuộc chuyển đổi mang tầm toàn cầu, không ai đứng ngoài cuộc, đó là chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng.

Luật Viễn thông (sửa đổi): Cần tính đến lợi ích quốc gia và doanh nghiệp
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp tổ sáng 10/6

Nếu như nói đến chuyển đổi năng lượng, người ta sẽ nói đến sự chuyển đổi công bằng, trách nhiệm của tất cả các nước thì công cuộc chuyển đổi số lại liên quan đến chủ quyền số quốc gia, an toàn an ninh phi truyền thống. Công cuộc này có nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít rủi ro, thách thức.

Do vậy, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải nhìn luật này rộng hơn, tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số, hướng tới là Chính phủ số, xã hội số, công dân số.

Đầu nhiệm kỳ, Quốc hội đã sửa Luật Sở hữu trí tuệ; ban hành trong nhiệm kỳ này Luật Tần số vô tuyến điện (sửa đổi); Luật giao dịch điện tử sẽ biểu quyết, thông qua trong kỳ họp này; hiện tại bàn về Luật Viễn thông và sắp tới sẽ bàn luận về Luật Công nghiệp công nghệ thông tin; đồng thời nghiên cứu để ban hành Luật Chính phủ số...

"Tất cả điều này để tạo nền tảng xây dựng dữ liệu trong công cuộc chuyển đổi số" - Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết, nói như vậy để thấy rằng, việc sửa Luật Viễn thông nằm trong tổng thể, phục vụ công cuộc chuyển đổi số. Do vậy, rất cần thiết phải sửa luật.

"Khi xem xét dự án Luật Viễn thông sửa đổi, mong muốn lớn nhất là xem phạm vi điều chỉnh của luật này như thế nào. Nếu như Luật Viễn thông năm 2009 tập trung điều chỉnh hoạt động kinh doanh viễn thông, thì khi sửa đổi, ngay trong Điều 1 đã điều chỉnh thành hoạt động viễn thông" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo ông, nói hoạt động viễn thông sẽ rộng hơn rất nhiều so với kinh doanh viễn thông. Kinh doanh viễn thông chỉ là một nội hàm của hoạt động viễn thông.

Điều 3 của dự án luật cũng giải thích từ ngữ "hoạt động viễn thông" bao gồm hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, hàng hoá viễn thông, hoạt động viễn thông công ích, kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, xây dựng công trình viễn thông.

"Mong muốn của Thường vụ Quốc hội khi xây dựng luật này phải mở rộng các đối tượng, trong đó có các quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được bảo đảm an toàn viễn thông (bao gồm cả phía đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông và phía sử dụng dịch vụ viễn thông), nghiên cứu triển khai hoạt động viễn thông" - Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, thế giới ngày nay là sự kết hợp, giao thoa và hội tụ giữa các lĩnh vực với nhau. Thế nào là công nghệ thông tin, thế nào là viễn thông - ranh giới không còn rõ ràng nữa.

Ngay cả về lĩnh vực công nghệ và lĩnh vực tài chính - 2 lĩnh vực tưởng không liên quan, ăn nhập với nhau thì bây giờ cũng đã giao thoa, tạo nên một khái niệm gọi là "công nghệ tài chính".

Cần phân tích kỹ về bối cảnh xây dựng chính sách

Từ phân tích đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, khi xây dựng dự án luật này cần phân tích kỹ về bối cảnh xây dựng chính sách; phân tích tác động của dự án luật và lợi ích của quốc gia với lợi ích của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

"Khi thực hiện chuyển đổi số, Việt Nam là quốc gia đi sau nhưng lại nhiều có cơ hội, bởi trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ như hiện nay, các nước cùng quay trở về điểm xuất phát" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong thời đại công nghệ thông tin, thời đại cách mạng 4.0, tương lai không phải là đường kéo dài đơn giản của quá khứ; những quốc gia có công nghiệp 2.0 hay 3.0 tốt nhưng chưa chắc đã bằng những quốc gia đang nguyên sơ nhưng có thể nhảy vọt lên. Do vậy, khi xây dựng luật này phải đặt trong bối cảnh như thế.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Viễn thông liên quan đến nhiều luật khác nhau và liên quan đến rất nhiều nước, điều ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do.

Có 5 nhóm cam kết quốc tế cần phải được rà soát bao gồm: Cam kết về mở cửa thị trường; cam kết về thể chế, môi trường kinh doanh viễn thông; cam kết liên quan đến luật pháp quốc tế nói chung; cam kết các quy định về thủ tục tại các diễn đàn, tổ chức chuyên môn và cuối cùng là cam kết về các khái niệm trong lĩnh vực viễn thông đã được định nghĩa trong các điều ước quốc tế.

Điều này yêu cầu chúng ta khi xây dựng luật phải bảo đảm có những quy định bắt buộc để thực hiện các cam kết quốc tế, không thể không thực hiện được. Đồng thời, phải bảo đảm không có những quy định trái ngược, đi ngược với các cam kết quốc tế, hoặc nếu có thì sẽ thuộc trường hợp ngoại lệ được phép áp dụng.

"Do đó, có lẽ cũng cần bổ sung trong luật một điều mang tính nguyên tắc đối với áp dụng luật này mà khi có sự khác biệt với các cam kết quốc tế thì chúng ta có thể xử lý được. Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép có những khác biệt này, chứ không phải tất cả phải giống nhau" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục