Luật Thủ đô có chính sách nào đột phá nhất?

(Banker.vn) Trong Luật Thủ đô có nhiều chính sách mang tính vượt trội, đặc thù được thể hiện ở việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô.
Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) Luật Thủ đô (sửa đổi): Quy định về tổ chức chính quyền có điểm gì mới?

Tại buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố một số luật mới được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua diễn ra ngày 23/7, Luật Thủ đô được giới truyền thông quan tâm.

Nhấn mạnh về tính kế thừa, tầm quan trọng của Luật Thủ đô, đại diện Bộ Tư Pháp cho hay: Luật Thủ đô là luật đặc thù được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Thủ đô năm 2012. Luật đã thông qua 9 nhóm chính sách với nội dung có tính chất đặc thù, vượt trội so với quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo cho Thủ đô phát triển đúng mục tiêu theo Nghị quyết số 15-NQ/TW đã đặt ra.

Luật Thủ đô có nhiều chính sách quan trọng, trong đó có những chính sách mang tính vượt trội thể hiện ở việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô trong các lĩnh vực liên quan đến tổ chức bộ máy; tài chính ngân sách; cơ chế đầu tư…Những chính sách này sẽ tạo động lực lớn cho Thủ đô phát triển mạnh mẽ, xứng tầm”, đại diện Bộ Tư Pháp nhấn mạnh.

Thông tin về Luật Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Tư pháp- Mai Lương Khôi cho biết: Luật Thủ đô được xây dựng trên 5 quan điểm chính, gồm:

Luật Thủ đô có chính sách nào đột phá nhất?
Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Mai Lương Khôi thông tin về Luật Thủ đô. Ảnh: NĐ

Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, các chủ trương có liên quan đến phát triển Thủ đô tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW và các nghị quyết khác của Đảng có liên quan.

Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô.

Luật bám sát 09 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa tại dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô.

Cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; những vấn đề cần ủy quyền lập pháp thì ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền quy định theo pháp luật hiện hành, bảo đảm tính khả thi và tính đồng bộ. Đồng thời, với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội và quy trình, thủ tục, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.

Luật cũng kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) để bảo đảm những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô đã được xử lý, thì không quy định lại tại dự án Luật Thủ đô; nếu chưa được xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô thì quy định tại Luật Thủ đô.

Cũng theo Thứ trưởng Mai Văn Khôi, Luật Thủ đô gồm 7 chương và 54 điều 1. Trong đó, đáng lưu ý là Chương về tổ chức chính quyền đô thị: Gồm 09 điều quy định về: tổ chức chính quyền đô thị; Hội đồng nhân dân Thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố; Hội đồng nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường; Phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân; Tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; Thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chương 3 về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô: Gồm 17 điều (từ Điều 17 đến Điều 33) quy định về: Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; Biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch; Quản lý, sử dụng không gian ngầm; Cải tạo, chỉnh trang đô thị; Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; Phát triển giáo dục và đào tạo; Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Phát triển các khu công nghệ cao; Thử nghiệm có kiểm soát; Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; Chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; Bảo vệ môi trường; Phát triển nhà ở; Phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông; Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; Phát triển nông nghiệp, nông thôn; Biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Chương 4 về tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô: Gồm 10 Điều quy định về: Huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; Sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho phát triển Thủ đô; Đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước; Thẩm quyền về đầu tư; Tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập; Thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Thực hiện hợp đồng xây dựng chuyển giao; Quản lý, sử dụng tài sản cộng và khai thác công trình hạ tầng; Thu hút nhà đầu tư chiến lược; Ưu đãi đầu tư…

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục