Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Tăng tính ổn định của hệ thống ngân hàng

(Banker.vn) Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ giúp tăng tính ổn định của hệ thống ngân hàng, giảm thiểu rủi ro tập trung, kiểm soát ngân hàng.
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) giúp ngân hàng giảm được tỷ lệ nợ xấu cho vay bất động sản

Tại Kỳ họp bất thường lần 5 vào ngày 18/1/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Việc thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã đưa ra hướng dẫn về mặt pháp lý kịp thời cho hệ thống ngân hàng.

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Chứng khoán Yuanta), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có những thay đổi chính như: Giảm tỷ lệ sở hữu tại một ngân hàng; giảm hạn mức cấp tín dụng; kéo dài thời hạn nắm giữ bất động sản do xử lý nợ; quy định về quyền, lợi ích khi tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Thay đổi quan trọng về việc giảm trần sở hữu tại ngân hàng. Tình trạng sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng đang là một trong những vấn đề nổi cộm trong thời gian vừa qua. Để giảm thiểu tình trạng này, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đã đưa ra các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn; giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan so với quy định trong Luật các tổ chức tín dụng 2010.

Cụ thể, giới hạn trần sở hữu mới tại một ngân hàng: Cá nhân sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ (không đổi); tổ chức 10%; cổ đông và người có liên quan 15%; cổ đông lớn và người có liên quan không được sở hữu quá 5% của tổ chức tín dụng khác.

Đây là quy định hợp lý nhằm tránh rủi ro tập trung, nhưng không thay đổi tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Tăng tính ổn định của hệ thống ngân hàng
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm mục đích tăng tính ổn định của hệ thống ngân hàng

Quy định về hạn chế mới về hạn mức cấp tín dụng sẽ giảm hạn mức tín dụng cho khách hàng và người có liên quan. Tuy nhiên, sự thay đổi sẽ theo lộ trình diễn ra trong 5 năm thay vì một lần.

Theo Chứng khoán VNDRECT (VND), một trong những nội dung được thảo luận trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là quyền thu giữ tài sản đảm bảo và quyền chuyển nhượng tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42/2017/QH-14 thí điểm về xử lý nợ xấu được cho là đã có hiệu quả rõ rệt trong việc giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo, từ đó đẩy mạnh quá trình xử lý nợ xấu.

Một trong những nguyên nhân được cho là Điều 7 – Quyền thu giữ tài sản đảm bảo, đã quy định tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của bên bảo đảm, tránh được tình trạng người đi vay tiền không phối hợp bàn giao tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, trong Luật được thông qua lần này đã không đề cập gì đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo.

Chúng tôi cho rằng nếu có những quy định rõ ràng hơn của các cơ quan chức năng về quyền “thu giữ tài sản đảm bảo” thì các tổ chức tín dụng sẽ có thể xử lý nợ xấu hiệu quả hơn”, VND nhận định.

Dư luận cũng rất quan tâm về việc bổ sung quy định về can thiệp sớm các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ và xử lý rủi ro rút tiền hàng loạt. Câu chuyện rút tiền hàng loạt tại SCB trong năm 2022 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro rút tiền hàng loạt (bank run), gây ra nguy cơ rủi ro thanh khoản cho toàn hệ thống.

Đội ngũ phân tích của VND nhận định rằng, trong Luật Các tổ chức tín dụng lần này đã bổ sung thêm quy định về can thiệp sớm các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ và quy định về xử lý trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt. Động thái này sẽ hỗ trợ ổn định tâm lý thị trường và người gửi tiền trước những lo ngại về rủi ro thanh khoản hệ thống trong tương lai.

Điểm đáng chú ý liên quan đến quyền lợi của những ngân hàng sẽ tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Theo đó, những "nhà băng" này không phải hợp nhất báo cáo tài chính của các ngân hàng yếu kém, không ảnh hưởng đến CAR (tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu) và LDR (tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động của ngân hàng); tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm 50%; được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ…

Đặc biệt, đối với quy định cấm ngân hàng bán bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Được biết, đây là vấn đề nhận được sự quan tâm và đồng tình của dư luận.

Thế Hoàng

Theo: Báo Công Thương