Lửa thử vàng, "gian nan" thử cổ phiếu phòng thủ

(Banker.vn) Trong bối cảnh thị trường đầy "gian nan" hiện nay, cổ phiếu phòng thủ được đặt nhiều kỳ vọng sẽ xứng đáng để nhà đầu tư đặt niềm tin trọn vẹn.

Trong bối cảnh thị trường bao trùm bởi nhiều yếu tố kém khả quan, nhất là khi lạm phát và việc tăng lãi suất điều hành thì nhóm cổ phiếu phòng thủ dần được giới đầu tư dành sự quan tâm đặc biệt. Tại một talkshow vào hồi tháng 6, khi được hỏi về triển vọng của các ngành trong những tháng cuối năm, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Chứng khoán VNDirect cho biết một trong những nhóm ngành sẽ có sự tăng trưởng vượt trội là nhóm cổ phiếu có tính chất phòng thủ (điện nước, phân phối gas, bảo hiểm).

Nhóm phòng thủ cũng bao gồm các công ty dược phẩm và nhà sản xuất thiết bị y tế. Trong mọi nền kinh tế như thế nào thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe vẫn luôn hiện hữu và xuyên suốt. Trong đại dịch Covid-19, doanh thu lợi nhuận của một số đại diện trong ngành như Dược Hậu Giang (HoSE: DHG), Traphaco (HoSE: TRA) hay Domesco (HoSE: DMC) vẫn đi ngang hoặc tăng trưởng nhẹ trong giai đoạn 5 năm gần đây.

Lửa thử vàng,

Cổ phiếu phòng thủ đã "thể hiện" thế nào?

Nhiều cổ phiếu đã thể hiện rõ nét tính chất phòng thủ của mình trong giai đoạn gần đây, khi VN-Index bất ngờ sụt giảm một cách mạnh mẽ từ đầu tháng 9. Cụ thể, khi hàng loạt cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng, chứng khoán, dầu khí… giảm 15-25%, thậm chí nhiều cổ phiếu bất động sản còn giảm đến 25-30% chỉ sau hơn 1 tháng ngắn ngủi (5/9-5/10). Đa số cổ phiếu đã quay lại vùng đáy lập vào tháng 6 hoặc đang tìm đáy mới.

Dù vậy, nhiều cổ phiếu ngành phòng thủ lại giảm giá "nhẹ" hơn thị trường, một vài mã thậm chí còn tăng giá. Cổ phiếu NT2 của Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 ghi nhận mức tăng gần 2% trong giai đoạn (5/9-5/10), bất chấp có 3 phiên giảm sàn 28-29/9 và 3/10. Khối lượng khớp lệnh ở NT2 đạt bình quân 2,3 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Ngoài ra, mặt bằng chung các cổ phiếu ngành điện đều có mức giảm thấp hơn so với thị trường chung (-13,76%) như SJD (-5%), QTP (-10%), HND (-4%), VSH (-10%), TMP (-7%), PPC (-9%)…

Bên cạnh nhóm điện, cổ phiếu ngành nước cũng đang vững chãi trước cơn sóng dữ. BWETDM chỉ giảm 6-7% trong hơn 1 tháng qua. Khối lượng giao dịch mỗi phiên ở BWE và TDM trong tháng qua dao động 200.000 - 300.000 cổ phiếu.

Về phần nhóm dược phẩm, TRA của Traphaco gây ấn tượng với việc đi ngược số đông và tăng 10%. Tuy nhiên thanh khoản ở mã này thấp, khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên chưa đến 8.000 cổ phiếu. Trong khi đó, DHG của Dược Hậu Giang và DMC của Domesco cùng giảm 7%.

Tất nhiên như đã đề cập phía trên, không phải bất kỳ doanh nghiệp thuộc ngành phòng thủ đều có tính chất phòng thủ. Song, không thể phủ nhận rằng nhiều cổ phiếu trong ngành đã diễn biến "tốt" hơn khi thị trường chung khi bất ngờ xuất hiện nhịp giảm sâu.

Tiềm năng dài hạn

Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS), cho biết 2 nhóm ngành điện và nước cung cấp những sản phẩm thiết yếu cho người dân, có thể tăng trưởng trong nhiều năm tiếp theo. Khi nắm giữ cổ phiếu các doanh nghiệp này, nhà đầu tư sẽ nhận thấy những biến động ngắn hạn của thị trường sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang gặp nhiều biến động kể từ đầu năm thì một số cổ phiếu thuộc 2 nhóm ngành này lại đang "lội ngược dòng" với thị giá tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo cập nhật ngành điện mới đây của SSI Research, nhu cầu điện năng trên toàn quốc ghi nhận mức tăng trưởng 14,7% so với cùng kỳ trong tháng 8 và 6,5% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2022, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Tăng trưởng nhu cầu điện năng trong tháng 8 phản ánh mức cơ sở so sánh thấp trong nửa cuối năm 2021 và đồng thời cũng dẫn dắt bởi mức tăng trưởng 15,6% so với cùng kỳ của chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8 (tăng 9,4% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm). SSI Research dự báo nhu cầu điện trên toàn quốc năm 2022 có thể tăng 8% so với cùng kỳ.

Báo cáo cũng cho biết hiện tượng La Nina kéo dài khoảng 30 tháng nếu tính tới cuối năm 2022 và tương đương với thống kê trong giai đoạn 1950-2019. Trong trường hợp điều kiện thủy văn kém thuận lợi và giá khí điều chỉnh vào năm 2023, các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện khí có thể được huy động cao hơn.

Mặt khác, tại báo cáo triển vọng cổ phiếu ngành nước cập nhật tháng 8, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá rằng nhu cầu nước công nghiệp của Bình Dương sẽ cải thiện nhờ mảng sản xuất công nghiệp phát triển nhanh chóng khi các khu công nghiệp (KCN) mới sắp được đưa vào hoạt động giai đoạn 2022-2025. Hai KCN mới là KCN VSIP III tại huyện Tân Uyên (1.000 ha) và KCN Cây Trường (1.000 ha) tại huyện Bàu Bàng. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương đang trên đà phục hồi khi ảnh hưởng của Covid-19 giảm dần, dẫn đến tiêu thụ nước có khả năng phục hồi.

Trong dài hạn, VCSC nhận định nhu cầu nước dân dụng tại Bình Dương sẽ tăng nhờ tăng dân số và tái định cư - đặc biệt tại các khu vực ngoại thành TP. HCM như Dĩ An. Gần đây, dự án Vành đai 3 dài 70 km kết nối TP HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương đã nhận được phê duyệt đầu tư từ Quốc hội. Dự án này dự kiến khởi công từ giữa năm 2023 và sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2026. Do vậy, các dự án hạ tầng như Vành đai 3 sẽ giúp giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông, tiết kiệm thời gian di chuyển liên tỉnh và hỗ trợ dân nhập cư vào tỉnh Bình Dương.

Các chuyên gia duy trì dự báo sản lượng nước thương phẩm của Biwase sẽ tăng trưởng 12%-17% trong giai đoạn 2023-2026 so với mức tăng trưởng trung bình trước dịch Covid-19 là 17%/năm.

VCSC cũng kỳ vọng sản lượng nước thương phẩm của Nước Thủ Dầu Một sẽ tăng trưởng 12%-18% trong giai đoạn 5 năm tiếp theo so với mức tăng trưởng trung bình trước dịch Covid-19 là 31%/năm. Tiềm năng tăng trưởng được dự báo nhờ vào kỳ vọng tăng tốc đầu tư vào nhà máy cấp nước Bàu Bàng sẽ giúp tăng gấp đôi công suất của doanh nghiệp này trong 5 năm tới.

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục