Lợi nhuận VietABank giảm nhẹ sau kiểm toán, mảng chứng khoán đầu tư tăng 870% so với năm trước

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, UPCoM: VAB) vừa công bố báo cáo kiểm toán năm 2023 với nhiều điểm sáng: Tổng tài sản, Tiền gửi khách hàng, cho vay đều tăng so với năm 2022.

Báo cáo tài chính năm 2023 sau kiểm toán, VietABank ghi nhận lợi nhuận giảm nhẹ so với năm 2022. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của ngân hàng này vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng. Đặc biệt, thu nhập từ chứng khoán đầu tư (VietABank hiện thực một phần lợi nhuận từ danh mục trái phiếu Chính phủ nắm giữ) đạt 410 tỷ đồng, tăng 870% so với năm 2022.

Lợi nhuận VietABank giảm nhẹ sau kiểm toán, mảng chứng khoán đầu tư tăng 870% so với năm trước
Ảnh minh họa

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, kết thúc năm 2023, tổng tài sản của VietABank đạt 112.195 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 69.059 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2022. Tiền gửi khách hàng ở mức gần 86.694 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 916 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trên báo cáo tài chính hợp nhất đã cải thiện đáng kể so với năm 2022.

Lý giải cho việc chưa hoàn thành mực tiêu lợi nhuận đã đề ra, ngân hàng này cho biết, trong năm 2023 ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng hiện hữu, đồng thời ngân hàng thực hiện nhiều chương trình ưu đãi lãi suất để hỗ trợ khách hàng đang gặp nhiều khó khăn theo chủ trương của Ngân hàng nhà nước và Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nên có ảnh hưởng tới thu nhập lãi thuần. Bên cạnh đó, việc tăng cường xử lý nợ, tăng trích lập dự phòng rủi ro cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm lợi nhuận.

Trong năm 2024, nhằm tăng vốn điều lệ và đáp ứng nhu cầu đầu tư của các khách hàng, nhà băng này dự kiến sẽ phát hành trái phiếu đợt 2 với tổng giá trị chào bán dự kiến 300 tỷ đồng. Trước đó, cuối năm 2023 VietABank đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn cấp 2 kỳ hạn 7 năm trong đợt chào bán đầu tiên.

Việc phát hành trái phiếu này giúp VietABank tăng vốn cấp 2, tiếp tục củng cố các chỉ số an toàn hoạt động, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Với nguồn vốn được bổ sung này, VietABank tiếp tục khẳng định tiềm lực tài chính vững mạnh, hoạt động hiệu quả, an toàn.

Ở diễn biến liên quan, mới đây VietABank đã có văn bản thông báo về việc thay đổi nhân sự. Cụ thể, HĐQT VietABank đã quyết định miễn nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc đối với ông Cù Anh Tuấn. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 20/3.

Được biết, ông Cù Anh Tuấn sinh năm 1972, tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính – Kế toán tại Đại học Công nghệ Swinburne (Australia), CPA (Certified Public Accountant) Australia – chứng chỉ kiểm toán công của Úc từ tháng 01/2005. Ông có 23 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành tài chính ngân hàng Việt Nam, từng công tác tại Techcombank, Tổng công ty Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) và nhiều tập đoàn doanh nghiệp như: Fujitsu Việt Nam, Motorola....

Đáng chú ý, VietABank có sự thay đổi về nhân sự cấp cao ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên của ngân hàng này. Được biết, VietABank sẽ chốt danh sách cổ đông tham gia ĐHĐCĐ vào ngày 26/3 tới đây.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/3 cổ phiếu VAB giảm 100 đồng về mức 8.200 đồng/ cổ phiếu với khối lượng giao dịch 490.292 đơn vị. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất đạt 456.879 đơn vị.

Kinh doanh khởi sắc trong quý IV, lợi nhuận cả năm 2023 của VietABank vẫn giảm 14%

Kết quả kinh doanh của VietABank ghi nhận nhiều mảng tăng trưởng tích cực trong quý IV. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2023, do ...

VietABank miễn nhiệm một Phó Tổng Giám đốc ngay trước thềm ĐHĐCĐ

Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, UPCoM: VAB) đã chính thức ra quyết định miễn nhiệm với Phó Tổng Giám đốc Cù Anh Tuấn.

Trước thềm ĐHCĐ, hàng loạt nhà băng "thay máu" lãnh đạo

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, nhiều ngân hàng đã có sự biến động về nhân sự cấp cao.

Thiên Ân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục