Lợi nhuận sụt giảm, ông lớn ngành phân bón trấn an cổ đông bằng cổ tức "khủng"?

(Banker.vn) Trong báo cáo mới đây, SSI Research dự báo lợi nhuận ngành phân bón 2023 sẽ giảm đáng kể so với mức nền cao được thiết lập vào năm 2022. Giá cổ phiếu 2 ông lớn ngành phân bón là DPM và DCM đã giảm lần lượt giảm 18% và 11% so với đầu năm. Với tỷ suất cổ tức cao, các cổ đông cũng được an ủi phần nào trong giai đoạn khó khăn này.

Tỷ suất cổ tức cao

Trong quý I/2023, Tổng Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, HoSE: DPM) đạt 3.260 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 44% so với cùng kỳ (svck) và 301 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (giảm 88% svck), chỉ hoàn thành lần lượt 19% và 11% kế hoạch năm 2023.

Thu nhập tài chính thuần tăng 2,4 lần trong quý I/2023, đạt 44 tỷ đồng (chiếm 15% lợi nhuận trước thuế). Nhờ số dư tiền mặt ròng tăng nhanh và lãi suất tiền gửi của công ty tăng. Tính đến cuối quý I/2023, DPM có số dư tiền mặt ròng là 6.670 tỷ đồng, tương đương 54% tổng vốn hóa thị trường.

và SSI nâng khuyến nghị lên “trung lập” đối với ngành phân bón.
SSI nâng khuyến nghị lên “trung lập” đối với ngành phân bón. Hình minh họa

Về Công ty CP Phân bón Dầu Khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM), trong quý I/2023, DCM đạt 2.700 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 33% svck) và 261 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (giảm 84% svck). Với kết quả như vậy, Đạm Cà Mau đã hoàn thành lần lượt 20% và 18% kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm 2023.

Thu nhập tài chính thuần tăng gấp 2,2 lần lên 110 tỷ đồng (chiếm 43% lợi nhuận trước thuế của DCM) nhờ số dư tiền mặt ròng tăng và lãi suất tăng. Tính đến cuối quý I/2023, DCM có số dư tiền mặt ròng là 9.230 tỷ đồng, tương đương 73% tổng vốn hóa thị trường.

Trong báo cáo mới đây, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI (SSI Research) đã chuyển cơ sở định giá đối với DPM và DCM sang bình quân năm 2023-2024 (từ năm 2023) và đưa ra giá mục tiêu mới cho cổ phiếu DPM30.600 đồng/cp (từ 34.600 đồng) và cổ phiếu DCM24.000 đồng/cp (từ 24.300 đồng/cp).

Lợi nhuận sụt giảm, ông lớn ngành phân bón trấn an cổ đông bằng cổ tức "khủng"
Nguồn: SSI Research

Tính đến cuối quý I/2023, tiền mặt ròng của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau chiếm lần lượt 54% và 73% vốn hóa thị trường hiện tại. Với nguồn tiền dồi dào, SSI Research cho rằng DPM có thể trả cổ tức bằng tiền mặt lần lượt là 40% và 30% trên mệnh giá (tỷ suất cổ tức 13% và 10%) cho năm 2023-2024, còn DCM có thể trả cổ tức bằng tiền mặt 30% trên mệnh giá (tỷ suất cổ tức là 13%) cho mỗi năm 2023 và 2024.

Theo đó, tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư (ROI) của DPM là 11%, trong khi ROI của DCM là 15% và SSI nâng khuyến nghị lên “trung lập” đối với ngành phân bón.

SSI Research nhấn mạnh, yếu tố hỗ trợ cần theo dõi là lợi nhuận của DCM có thể chạm đáy trong quý II/2023 nếu xét về giá trị tuyệt đối. Trong khi đó, nhà máy urê DCM sẽ khấu hao hết vào cuối quý III/2023, do đó giúp tăng lợi nhuận ròng đáng kể vào năm 2024. Vì vậy, SSI khuyến nghị nhà đầu tư có thể lại cân nhắc đầu tư cổ phiếu DCM vào khoảng thời cuối năm nay.

Theo các chuyên gia phân tích của SSI, trong các quý còn lại của năm 2023, lợi nhuận của DPM và DCM ước tính vẫn duy trì ở mức thấp, do các công ty có thể phải giảm sản lượng urê để giúp giảm bớt tình trạng thiếu điện trong từng thời điểm, đồng thời nhu cầu xuất khẩu từ nước ngoài cũng suy yếu.

Trên thị trường chứng khoán, sau khi hồi phục 30% kể từ đáy giữa tháng 11/2022, cổ phiếu DPM chứng kiến nhịp điều chỉnh khá dài từ đầu năm đến nay. Trong phiên sáng 31/5, thị giá DPM đang giao dịch ở mức 32.050 đồng/cp chỉ còn cao hơn 3% so với đáy 6 tháng trước đó. Nếu tính từ đỉnh hồi tháng 4/2022, DPM đã mất đi một nửa giá trị, tương đương vốn hoá cũng "bốc hơi" 12.000 tỷ đồng.

Về phía Đạm Cà Mau, thị giá DCM lao dốc một mạch kể từ đỉnh hồi cuối quý 1/2022 xuống giao dịch quanh vùng đáy 20 tháng từ đầu tháng 3/2023. Mở cửa phiên sáng 31/5, cổ phiếu DCM đang giao dịch tại mức 23.350 đồng/cp với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,6 triệu đơn vị (lúc 11h), tương ứng giảm 11% so với thời điểm đầu năm. Nếu tính từ đỉnh cuối tháng 3/2022, DCM đã mất đi hơn 48% giá trị.

Lợi nhuận sụt giảm, ông lớn ngành phân bón trấn an cổ đông bằng cổ tức
Diến biến giá cổ phiếu DPM (màu xanh) và DCM (màu cam) trong 6 tháng qua.

Triển vọng ngành phân bón?

Nhận định về xu hướng giá, SSI Research cho biết, giá urê đã giảm 30% so với đầu năm và có thể giảm trong các quý tới, mặc dù với tốc độ chậm hơn nhiều so với quý I/2023, do nhiều yếu tố ảnh hưởng bao gồm:

Giá nguyên liệu đầu vào (dầu/khí/than) vẫn ở mức thấp. Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của Nga đã giảm bớt khi khối này khai thác các nguồn năng lượng khác.

Đối với than đá, Trung Quốc (nước sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất) sẽ tiếp tục tăng sản lượng than trong những tháng tới để đáp ứng nhu cầu còn thiếu từ các nhà máy nhiệt điện, qua đó giúp giá than giảm. Theo nhận định của Reuters, trong 2 tháng đầu năm năm 2023, sản lượng than của Trung Quốc tăng 5,8% svck năm 2022.

Hơn nữa, nhu cầu urê có thể vẫn yếu trong suốt cả năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông sản. Hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động trồng trọt ở Đông Nam Á, Australia và Nam Phi. Theo đó, nhu cầu vẫn yếu trong các quý còn lại của năm 2023.

Theo Hải quan Việt Nam, xuất khẩu phân bón toàn ngành trong quý I/2023 đạt 405.000 tấn (giảm 15% svck). Xuất khẩu urê của DPM và DCM lần lượt đạt 40.000 tấn ( giảm 57%) và 92.000 tấn (giảm 38%) trong quý I/2023. Do giá nguyên liệu giảm và các nước châu Âu đã tìm được sản phẩm thay thế dầu/khí của Nga, mối lo ngại về tình trạng thiếu urê giảm bớt, do đó Châu Âu có thể không cần nhập khẩu nhiều urê như trước.

Như vậy, tiềm năng xuất khẩu urê của các nước xuất khẩu urê trong đó có Việt Nam có thể giảm sút. Ngoài ra, urê Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá nên việc khôi phục xuất khẩu urê của Trung Quốc càng gây khó khăn hơn cho các công ty sản xuất urê của Việt Nam trong việc xuất khẩu.

Ngoài ra, sản xuất urê cũng gặp khó do thiếu điện, bởi Việt Nam hiện đang đối mặt với tác động tiêu cực từ El Nino. Cụ thể hơn, El Nino làm giảm nguồn cung thủy điện, đồng thời làm tăng nhu cầu điện năng để hạ nhiệt. Do đó, Việt Nam đã phải đối mặt với tình trạng thiếu điện từ đầu tháng 5 và có thể kéo dài trong một thời gian. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã kiến nghị các doanh nghiệp sản xuất urê cắt giảm sản lượng để tiết kiệm khí tự nhiên cho các nhà máy điện.

SSI Research cho rằng việc DPM và DCM đóng cửa các nhà máy urê là không khả thi. Tuy nhiên, với tình hình xuất khẩu urê kém, SSI Research cho rằng các công ty sản xuất phân bón có thể giảm sản lượng sản xuất để giúp hạn chế tình trạng thiếu điện, mặc dù điều này có thể không đóng góp nhiều cho các nhà máy điện.

Do đó, SSI Research dự báo sản lượng tiêu thụ urê của DPM và DCM sẽ giảm lần lượt giảm 12% và giảm 8% svck trong năm 2023.

Lợi nhuận sụt giảm, ông lớn ngành phân bón trấn an cổ đông bằng cổ tức
Nguồn: SSI Research

Lợi nhuận quý II 2/2023 ước tính thấp hơn quý I/2023 và đây có thể là mức lợi nhuận thấp nhất nếu xét về giá trị tuyệt đối. Do đó, SSI điều chỉnh giảm ước tính lợi nhuận năm 2023 của DPM xuống 1.230 tỷ đồng (giảm 78% svck) và lợi nhuận của DCM giảm xuống 1.180 tỷ đồng (giảm 73% svck).

Cổ phiếu ngành phân bón "khó lòng" tạo sóng năm 2023

Chứng khoán KIS đánh giá, ngành phân bón Việt Nam không có quá nhiều triển vọng tăng trưởng cả về giá bán và sản lượng ...

Doanh thu Q1/2023 tiếp tục giảm, ngành phân bón đã qua giai đoạn khó khăn?

Hai doanh nghiệp đầu ngành phân bón vừa công bố báo cáo tài chính Q1/2023 với điểm chung là sự sụt giảm về doanh thu ...

Triển vọng ngành phân bón có thể tươi sáng hơn nhờ mùa gieo trồng mới

Chứng khoán KIS duy trì đánh giá Trung lập đối với ngành phân bón Việt Nam do không có sự tăng trưởng đột biến cả ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán