Lợi nhuận quý I/2024 của các nhà băng dần hé lộ

(Banker.vn) Các ngân hàng đã bắt đầu rục rịch công bố kế quả kinh doanh quý đầu năm 2024, dù tăng trưởng tín dụng không mấy khả quan, song các ngân hàng vẫn báo lợi nhuận khả quan và tự tin với mục tiêu đưa ra cho cả năm.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 với con số lợi nhuận khả quan đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu nhập hoạt động quý I của ngân hàng đạt 2.706 tỷ đồng, tăng 19,54%; Tổng doanh thu đạt 6.438 tỷ đồng, tăng 4,6%. Đồng thời, thu thuần ngoài lãi (NOII) của SeABank cũng ghi nhận con số tăng trưởng gần 51% so với cùng kỳ, đạt 705 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2024, tổng huy động từ tiền gửi và giấy tờ có giá đạt 168.605 tỷ đồng và tổng dư nợ cho vay đạt 181.238 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm trước. Tính đến hết 31/3/2024, tổng tài sản của SeABank là 271.614 tỷ đồng, tăng 2,06%, tương đương tăng ròng 5.492 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023. Vốn điều lệ ngân hàng ở mức 24.957 tỷ đồng.

Đồng thời, SeABank vẫn đảm bảo an toàn trong hoạt động của Ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,95% do Ngân hàng chủ động trong việc sử dụng nguồn lực nhằm bao phủ, kiểm soát và thu hồi nợ xấu, Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 86,84%.

Theo tài liệu ĐHĐCĐ 2024, trong năm nay, SeABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.888 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.710 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023. Tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân ROE kế hoạch đạt 13,93% năm 2024. Cùng với đó, tổng tài sản dự kiến tăng 10%, huy động vốn tăng 16%, tăng trưởng tín dụng dự kiến 16,1% và phù hợp với quy định của NHNN.

Lợi nhuận quý I/2024 của các nhà băng dần hé lộ
Hình minh họa.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ với báo chí, kết thúc quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt khoảng 4,6%; huy động vốn cũng tăng khoảng 5%.

Ông Tùng cho biết lợi nhuận OCB trong quý I/2024 đạt khoảng 1.000 - 1.200 tỷ đồng trước thuế (trong quý I/2023, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 983 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022).

OCB sẽ tiến hành đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 vào sáng 15/4 tại TP. HCM. Theo tài liệu ĐHĐCĐ vừa công bố, OCB đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023. Mục tiêu đến cuối năm 2024, tổng tài sản đạt 286.562 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Tổng huy động vốn thị trường 1 dự kiến đạt 197.346 tỷ đồng và tổng dư nợ thị trường 1 đạt 177.592 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 20%.

Các chỉ số về tỷ suất sinh lời trên vốn (ROAE) và lợi nhuận trên tổng tài sản (ROAA) cũng đặt mục tiêu đều tăng mạnh so với năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3% theo quy định; tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 (Basel II) đạt ít nhất 11% (so với quy định tối thiểu 8%). Ngoài ra, tại đại hội lần này, OCB cũng dự kiến trình cổ đông điều chỉnh một số điều lệ Ngân hàng và quyền hạn của ĐHCĐ.

Mới đây, OCB công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, với lợi nhuận trước thuế đạt 4.139 tỷ đồng. So với báo cáo quản trị, lợi nhuận trước thuế của OCB giảm 1.088 tỷ đồng, nguyên nhân đến từ việc chi phí dự phòng tăng 501 tỷ đồng và điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 sẽ được hạch toán trong năm 2024.

Theo số liệu trên báo cáo kiểm toán, tổng tài sản có của OCB tại thời điểm cuối năm 2023 là 240.114 tỷ đồng, trong đó dư nợ thị trường 1 đạt 148.005 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được ghi nhận ở mức 2,02%, thể hiện chất lượng tài sản ổn định của OCB trong giai đoạn kinh tế biến động vừa qua.

Lý giải cho sự chênh lệch trước và sau kiểm toán, OCB cho biết đã chủ động trích lập thêm chi phí dự phòng để tăng cường bộ đệm quỹ dự phòng rủi ro tín dụng.

Sáng ngày 2/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Chia sẻ tại cuộc họp, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIB cho biết, kết thúc quý I/2024, Ngân hàng đạt 2.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 đạt 2.694 tỷ đồng).

Lý giải nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho rằng do quý I đã có một tháng là kỳ nghỉ tết, cùng với đó hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) trong quý đầu năm nay cũng ghi nhận kết quả giảm sút. Tuy nhiên, Chủ tịch VIB cho biết mặc dù kết quả giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng so với kế hoạch năm 2024 thì đây vẫn là điểm sáng.

"So với kế hoạch 12.000 tỷ thì vẫn khả thi, đây vẫn là kết quả sáng trong hoạt động kinh doanh", Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ chia sẻ.

Ngoài ra, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho biết tổng nợ xấu của VIB hiện không quá lớn, chỉ khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng, đối với ngân hàng bán lẻ thì chỉ tương đương với khoản nợ tái cấu trúc một doanh nghiệp.

Đối với việc xử lý các tài sản rủi ro, Giám đốc tài chính Hồ Văn Long cho biết trong 3 tháng đầu năm ngân hàng đã thu lại 200 tỷ đồng từ xử lý rủi ro. Ông kỳ vọng với thị trường bất động sản đang hồi phục dần lên và thêm các giải pháp thu hồi nợ, VIB sẽ có thu nhập bất thường 1.000 - 1.500 tỷ từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro.

Sang năm 2024, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 12.045 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện của năm 2023. Tuy vậy, chỉ tiêu lợi nhuận năm nay thấp hơn so với kế hoạch lợi nhuận năm 2023 (12.200 tỷ đồng) từng được ĐHĐCĐ thông qua.

Một số chỉ tiêu khác như tổng tài sản dự kiến tăng 20% lên 492.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024, trong đó dư nợ tín dụng tăng 20% lên 320.600 tỷ đồng. Huy động vốn được dự kiến tăng trưởng 21% lên mức 315.200 tỷ đồng trong khi tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng dưới 3%.

Trên cơ sở tăng vốn điều lệ, ban lãnh đạo ngân hàng dự phóng các chỉ số ROA, ROE của VIB lần lượt ở mức 2,2% và 24%. Trong khi đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức trên 10%, so với 11,73% cuối năm 2023.

Theo đề xuất của Hội đồng quản trị, VIB dự kiến sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17% và phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,44%.

Trước đó, ngân hàng đã tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt lần 1 vào ngày 21/2 vừa qua với tỷ lệ 6% và nếu được thông qua sẽ trả tiếp tỷ lệ 6,5%. Tổng cộng số tiền sử dụng để chi trả cổ tức là 3.171 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị cũng đề xuất phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên.

Ngân hàng sẽ phát hành 431,3 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 17%, giúp vốn điều lệ của ngân hàng tăng thêm 4.312,6 tỷ đồng. Ngoài ra, VIB cũng phát hành 11,1 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,44%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 110 tỷ đồng.

Cổ phiếu thưởng cho cổ đông không bị hạn chế chuyển nhượng, trong khi cổ phiếu cho cán bộ nhân viên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Tổng cộng, sau khi hoàn thành hai cấu phần trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ 25.368 tỷ đồng lên 29.791 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn 17,44%.

Mở ra thế giới, nâng tầm đẳng cấp với thẻ tín dụng SHB Mastercard World

Sở hữu chiếc thẻ đen “quyền lực” SHB Mastercard World, khách hàng không những nhận được chính sách tài chính, phi tài chính hấp dẫn ...

Hạn cuối công bố lãi suất cho vay bình quân, các ngân hàng đã thực hiện ra sao?

Thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc công bố lãi suất cho vay bình quân trước ngày 1/4 tại Công ...

Cao Hậu

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán