Ngoài hoạt động cối lõi gặp khó khăn, sức ép từ lỗ chênh lệch tỷ giá; chi phí lãi vay; dự phòng giảm giá đầu tư tăng khi thị trường chứng khoán không thuận lợi... là những gì doanh nghiệp phải đối diện trong quý IV. |
Quý III, lợi nhuận toàn thị trường tăng tốt, nhưng môi trường kinh doanh xấu dần
Sau khi mùa báo cáo tài chính quý III đã qua đi, nhóm phân tích của WiGroup mới đây đã thống kê tổng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ toàn thị trường đạt khoảng 102.360 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây không phải con số quá ấn tượng nếu nhìn sang mức nền thấp của quý III/2021.
Vẫn theo WiGroup, tổng lợi nhuận toàn thị trường trong quý III đã giảm nhẹ 5% so với quý II, và là quý thứ hai liên tiếp có mức lợi nhuận sụt giảm so với quý trước đó trong năm nay.
Quý vừa qua, đóng góp chủ lực cho tổng lợi nhuận toàn thị trường vẫn đến từ nhóm doanh nghiệp trên HOSE, chiếm khoảng 84,4%. Nhóm UPCoM theo sau với 13,3% giá trị lợi nhuận, phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp đang giao dịch trên HNX.
Tổng quan lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý III. |
Một điểm nữa sau khi quan sát diễn biến của các doanh nghiệp trong quý III, WiGroup nhận thấy môi trường kinh doanh đang ngày càng khó khăn đối với các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ (Smallcap) và vốn hóa vừa (Midcap).
Trong khi đó, nhóm vốn hóa lớn (Bluechip) - chỉ hơn 40 doanh nghiệp nhưng sở hữu đến 77% vốn hóa toàn thị trường, dường như không gặp phải trở ngại quá lớn khi lợi nhuận tăng trưởng đến 29% trong quý III.
Làm rõ hơn sự khó khăn trong hoạt động kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp, đó là số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận cao hơn so với cùng kỳ đã và đang giảm đi đáng kể trong các tháng gần đây. Cụ thể, nếu quý I có đến 53,7% doanh nghiệp trên 3 sàn chứng khoán đạt lợi nhuận tăng trưởng dương, thì sang quý II và quý III, con số này giảm xuống còn 32,5% và 34,4%.
Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận cũng có sự phân hóa rõ nét giữa các ngành trong quý III. Nhóm ngành chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng tốt có thể kể đến như ngân hàng (tăng 54,2% so với cùng kỳ), bất động sản (tăng 43,5%), dược phẩm (tăng 32,6%), dịch vụ tiện ích (tăng 21,9%), bán lẻ (tăng 15%)...
Nhưng ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành có lợi nhuận giảm sâu như bảo hiểm (giảm 40,5% so với cùng kỳ), chứng khoán (giảm 70,8%), nguyên vật liệu (giảm 94,9%) và cá biệt là vận tải (giảm 189,3%).
Sự phân hóa rõ rệt giữa các ngành trong quý III. |
Xét theo nhóm ngành, ngân hàng chỉ chiếm 29% vốn hóa cuối quý III, nhưng chiếm lĩnh đến phân nửa lợi nhuận của thị trường, và là nhân tố góp sức nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung. Đối lập với đó, nhóm nguyên vật liệu và chứng khoán là 2 tác nhân chính kìm hãm đà tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường.
'Quý IV vẫn là giai đoạn khó khăn với doanh nghiệp'
Trong quý IV này, WiGroup sử dụng phương pháp phân rã lợi nhuận trước thuế để ước tính lợi nhuận của nhóm phi tài chính trên HOSE, và nhận thấy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ sẽ tiếp tục chìm trong xu hướng giảm dần qua các quý.
"Môi trường sản xuất kinh doanh của nhóm phi tài chính chưa có nhiều thay đổi so với quý trước đó và thậm chí có phần khó khăn hơn. Do vậy, chúng tôi cho rằng xu hướng suy giảm lợi nhuận vẫn sẽ tiếp tục", WiGroup nhận định trong báo cáo mới đây.
Để bù đắp cho sự hao hụt trên, nhóm doanh nghiệp phi tài chính buộc phải dựa vào lợi nhuận từ hoạt động tài chính, với trọng tâm là hoạt động thanh lý khoản đầu tư. Đây là hoạt động tương đối thiếu ổn định, và mang đậm tính mùa vụ.
Lợi nhuận từ thanh lý khoản đầu tư sẽ tiếp tục là yếu tố đắc lực cho doanh nghiệp. |
Thông thường, quý IV hàng năm thường là quý có lợi nhuận từ hoạt động thanh lý đầu tư cao nhất năm. Do vậy, WiGroup giả định lợi nhuận từ hoạt động này có thể đạt khoảng 22.000 tỷ đồng trong quý IV, ở kịch bản tích cực.
Trong khi đó, lãi từ hoạt động cổ tức biến động dự báo không nhiều và chiếm tỷ trọng nhỏ; tương tự lãi từ hoạt động tài chính khác dù không ổn định nhưng cũng chỉ chiếm tỷ thấp. Cho nên, giả định lợi nhuận từ hai hoạt động này bằng mức trung bình 3 quý đầu năm.
Dự báo quý IV, chi phí lãi vay cũng là gánh nặng đáng lưu tâm đối với doanh nghiệp phi tài chính. Theo WiGroup, tính đến cuối quý III, nhóm này đang vay nợ tổng cộng hơn 1 triệu tỷ đồng, trong khi lượng tiền trong két và gửi ngân hàng là hơn 470.800 tỷ đồng.
Mặc dù lãi suất cho vay đã bắt đầu tăng từ quý III, nhưng mức chi trả lãi vay của doanh nghiệp chưa tăng đáng kể trong quý này vì có độ trễ kỳ hạn của các khoản vay, nên chưa chịu nhiều ảnh hưởng bởi đà tăng lãi suất.
Nhưng mọi chuyện sẽ khác ở ba tháng cuối năm. Hiện mặt bằng lãi suất cho tại các ngân hàng đã tăng khoảng 2% so với thời điểm giữa năm, dẫn đến mức lãi vay phải trả của nhóm doanh nghiệp phi tài chính tăng khoảng 0,5 điểm % trong quý IV và đạt mức 6,3%. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp phải trả thêm khoảng 2.750 tỷ đồng tiền lãi cho các khoản vay của mình so với quý III.
Thậm chí với những doanh nghiệp vay ngoại tệ, đà tăng tỷ giá sẽ gây thêm áp lực rất lớn lên "hầu bao" của họ.
Tính đến cuối quý III, nhóm phi tài chính đang vay nợ tổng cộng hơn 1 triệu tỷ đồng, trong khi lượng tiền trong két và gửi ngân hàng là hơn 470.800 tỷ đồng. |
Nhìn chung, WiGroup ước tính lợi nhuận của nhóm phi tài chính sẽ đạt khoảng 49.050 tỷ đồng trong quý IV, giảm mạnh 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài hoạt động chính gặp khó khăn, sức ép từ lỗ chênh lệch tỷ giá; chi phí lãi vay; dự phòng giảm giá đầu tư tăng khi thị trường chứng khoán không thuận lợi... là những gì các doanh nghiệp phải đối diện trước khi kết thúc năm nay.
Ngược lại, nhóm ngân hàng dự báo duy trì được sự khả quan, và là động lực giúp lợi nhuận toàn thị trường không giảm sâu. WiGroup ước tính nhóm ngân hàng sẽ mang về 41.100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý IV, giảm 12,4% so với quý III, nhưng tăng 17,5% so với cùng kỳ nhờ nền so sánh thấp.
Vân Oanh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|