"Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2022 sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hồi nợ tái cơ cấu"

(Banker.vn) Các chuyên gia cho biết những hệ quả mà COVID-19 để lại sẽ tiếp tục tác động đến chất lượng tài sản cũng như lợi nhuận của các ngân hàng, có thể sẽ kéo dài đến năm sau.

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết trong quý III, hầu hết ngân hàng đã giảm chi phí trích lập dự phòng so với quý trước.

Cụ thể, tổng chi phí dự phòng quý III đạt 31.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ nhưng giảm 9% so với quý liền trước, chủ yếu do các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) cao đã giảm khoản trích lập dự phòng như Vietcombank, ACB, MB và Techcombank.

Theo đánh giá của Yuanta Việt Nam, việc những nhà băng này giảm dự phòng trong quý III không phải là điều quá ngạc nhiên do đây đều là các ngân hàng có chất lượng tốt với tỷ lệ LLR cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về việc một số ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp lại giảm chi phí tín dụng có thể kể đến PG Bank, Saigonbank, Eximbank, ABBank, Kienlongbank, ...

Trong khi đó, nhiều ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp khác đã tăng dự phòng trong quý III như VPBank, MSB, SSB hay OCB. Nhóm phân tích cho rằng đây là một chiến lược thận trọng khi xem xét đến quy mô tài sản bị tác động bởi COVID-19 của các ngân hàng.

Nguồn: Yuanta Việt Nam, FiinPro.

Lợi nhuận ngành năm 2022 sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hồi nợ tái cơ cấu

Các chuyên gia cho biết những hệ quả mà COVID-19 để lại sẽ tiếp tục tác động đến chất lượng tài sản cũng như lợi nhuận của các ngân hàng, có thể sẽ kéo dài đến năm sau.

Theo đó, lợi nhuận ngành ngân hàng vào năm 2022 phần lớn sẽ phục thuộc vào khả năng thu hồi lại những khoản nợ vay tái cơ cấu. Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ lệ LLR thấp, sẽ phải tăng thêm dự phòng. Điều này sẽ làm giảm con số lợi nhuận.

Do đó, những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao sẽ là ngân hàng có nền tảng vững chắc hơn nhằm hạn chế sự suy giảm trong chất lượng tài sản do đại dịch.

Tính đến cuối quý III, tỷ lệ LLR toàn ngành là 115% tăng 32 điểm % so với cùng kỳ và giảm 6 điểm % so với quý II. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành là 1,62%.

Trong đó, tỷ lệ LLR của Vietcombank đang ở mức cao nhất ngành là 243%. Điều này cho phép ngân hàng linh hoạt hơn trong việc giảm trích lập dự phòng. Từ đó giúp thúc đẩy lợi nhuận quý IV/2021 và năm 2022 mà không làm giảm chất lượng tài sản.

Các ngân hàng khác như Techcombank, MB và ACB cũng đang áp dụng chiến lược thận trọng với tỷ lệ LLR cao.

Trên thực tế, những ngân hàng này đã giảm dự phòng trong quý III, điều này giúp tăng lợi nhuận của ngân hàng.

Nguồn: Yuanta Việt Nam, FiinPro

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán