Lợi nhuận ngân hàng quý II vẫn khả quan

(Banker.vn) Đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư, song hoạt động kinh doanh của ngân hàng vẫn được dự báo tích cực trong quý II/2021.

Quý II khả quan

Sau 5 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng MSB đạt hơn 2.200 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2020, bằng 68% kế hoạch năm 2021.

MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng 30%, đạt 3.280 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Tăng trưởng tín dụng tùy theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cho phép theo chính sách điều hành từng thời kỳ; tỷ lệ lợi tức chi trả năm 2021 không thấp hơn 15%.

Tổng giám đốc Ngân hàng MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, MSB là một trong những ngân hàng chịu ít tác động nhất bởi dịch Covid-19, với dư nợ quá hạn cơ cấu lại theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ở mức thấp, việc thoái lãi theo quy định của thông tư này chỉ ở mức 42 tỷ đồng tính đến hết quý I/2021. Vì vậy, áp lực dự phòng rủi ro với các khoản nợ tái cơ cấu là không quá lớn với MSB.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu nhìn vào kết quả tín dụng so với cùng kỳ năm 2020, có thể nói, lợi nhuận của các ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2021 có một phần vẫn đến từ hoạt động cho vay. Đến hết quý I/2021, tín dụng đã dần hồi phục khi gần đạt mức 3% (cao hơn mức 1,3% cuối tháng 3/2020 và gần bằng mức tăng 3,26% vào cuối tháng 6/2020). Đến cuối tháng 6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế ước tăng 6% so với cuối năm 2020. Điều này sẽ tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh.

Nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân như ACB, MB, Techcombank, VPBank, VIB… được đánh giá có tốc độ tăng trưởng cao hơn về tín dụng, nhờ có nguồn lực tốt hơn, nhờ hệ số hệ số an toàn vốn (CAR) cao, nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại dồi dào và quy mô nhỏ.

TS. Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân của các ngân hàng có báo cáo tài chính là khoảng 14,5%. Tỷ suất này chỉ nhỉnh hơn một chút so với một số ngành khác, như mức 13,8% của logistics và hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ông Thành, tỷ suất lợi nhuận 14,5% của ngành ngân hàng cũng rất khả quan trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động bởi Covid-19.

Thực hiện theo kế hoạch

Mặc dù áp lực trích dự phòng rủi ro cao, song lãnh đạo ACB cho biết, lợi nhuận quý II/2021 của Ngân hàng đang được thực hiện theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua năm nay. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ACB dự kiến đạt 10.602 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với kết quả năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 8.482 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, trong các báo cáo kinh doanh đã công bố, nguyên nhân lãi lớn của ngân hàng chủ yếu đến từ việc áp dụng công thức tạo lợi nhuận, gồm: kéo giãn biên lãi ròng (NIM), đa dạng hóa nguồn thu và linh hoạt trong chi phí vào thời điểm hiện tại.

NIM của ACB cũng được các chuyên gia của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo tăng 4,06% trong năm 2021. Nguyên nhân khiến NIM tăng chủ yếu là tác động của 4 đợt cắt giảm giới hạn tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng vào năm 2020 đã bắt đầu tác động đáng kể đến chi phí vốn. VCSC nhận định NIM của ACB sẽ đạt đỉnh vào năm 2021, sau đó giảm.

Trong báo cáo chiến lược tháng 6/2021, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay, với mức tăng dự báo là 27%, bất chấp dịch bệnh.

Theo dự báo của Công ty VCSC, mức tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng BIDV năm nay có thể đạt 56,4%, tương đương gần 11.300 tỷ đồng trước thuế. NIM của BIDV sẽ phục hồi, tăng 0,25 điểm phần trăm, lên mức 2,69% nhờ chi phí huy động giảm xuống.

VCSC cũng dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của VPBank có thể tăng 35,3%, lên 14.100 tỷ đồng.

Còn theo dự báo của FiinGroup, năm 2021, lợi nhuận kế toán của 12/26 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối ngân hàng) sẽ tăng cao hơn so với năm 2020 (18,2% so với 14,9% của năm ngoái).

PV

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương