Lợi nhuận giảm, các khu công nghiệp của Viglacera vẫn hút dòng FDI khủng

(Banker.vn) Tổng Công ty Viglacera đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp của mình, mặc dù lợi nhuận nửa đầu năm 2024 giảm mạnh. Hai khu công nghiệp trọng điểm của Viglacera là Yên Phong và Yên Phong 2C đang thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn như Samsung và Amkor Technology.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSE: VGC) đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp của mình. Tại Hội nghị công bố quy hoạch Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2030, tập đoàn Samsung đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 1,8 tỷ USD vào dự án sản xuất tại khu công nghiệp Yên Phong. Điều này nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam lên 22,4 tỷ USD, trong đó khoảng 50% tập trung tại tỉnh Bắc Ninh.

Cùng với Samsung, Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam cũng quyết định đầu tư thêm gần 1,1 tỷ USD cho nhà máy sản xuất bán dẫn tại khu công nghiệp Yên Phong 2C. Sự mở rộng này đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực công nghệ cao tại khu vực.

Lợi nhuận giảm, các khu công nghiệp của Viglacera vẫn hút dòng FDI khủng
Tổng Công ty Viglacera - CTCP (HOSE: VGC).

Đáng nói, cả hai khu công nghiệp Yên Phong và Yên Phong 2C đều là dự án trọng điểm của Viglacera. Khu công nghiệp Yên Phong được phát triển từ năm 2006, chia thành hai giai đoạn với tổng quy mô 658 ha, với định hướng thu hút các dự án công nghệ cao như điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, và chế biến thực phẩm. Trong khi đó, khu công nghiệp Yên Phong 2C có quy mô 219,22 ha, được phê duyệt vào năm 2007 nhằm xây dựng một khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ đồng bộ tại tỉnh Bắc Ninh.

Vốn đầu tư FDI đang gia tăng trong bối cảnh Viglacera vẫn tiếp tục chủ trương mở rộng quỹ đất. Công ty hiện đang triển khai nhiều dự án mới, trong đó có khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn II với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, tập trung vào các ngành công nghiệp điện, điện tử và năng lượng sạch. Khu công nghiệp Dốc Đá Trắng tại Khánh Hòa cũng đã được phê duyệt, nhằm thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao.

Hiện tại, Viglacera quản lý 12 dự án bất động sản khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 4.600 ha. Hướng tới năm 2025, công ty đặt mục tiêu nâng tổng số khu công nghiệp lên con số 20, với khoảng 2.000 - 3.000 ha diện tích đất mới được bổ sung.

Lợi nhuận lao dốc

Theo báo cáo tài chính riêng soát xét nửa đầu năm 2024, Viglacera ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 480,2 tỷ đồng, giảm mạnh 52% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng với mức giảm gần 520,8 tỷ đồng.

Theo giải trình của Viglacera gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do doanh thu từ mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp trong nửa đầu năm nay giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế trong báo cáo tài chính hợp nhất cũng dừng lại ở mức 404,4 tỷ đồng, giảm 47,4%, tương đương với mức giảm 368,7 tỷ đồng.

Ngoài nguyên nhân trên, Viglacera cho biết mảng kính cũng gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ. Giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ sụt giảm, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận giảm so với năm trước. Cụ thể, trong quý II/2024, doanh thu thuần đạt 2.712 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, Viglacera báo lãi sau thuế quý II gần 171 tỷ đồng, giảm 72,7%.

Mảng cho thuê đất khu công nghiệp đóng góp phần lớn trong cơ cấu doanh thu nửa đầu năm của Viglacera với tỷ trọng 30%, đạt 1.627 tỷ đồng, nhưng lại giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ các sản phẩm vật liệu xây dựng cũng ghi nhận kết quả không khả quan, với doanh thu từ gạch ốp lát đi ngang ở mức 1.548 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ gương, kính, gạch ngói và các sản phẩm khác tiếp tục giảm.

Về cơ cấu lãnh đạo, ông Nguyễn Văn Tuấn hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT, còn ông Nguyễn Anh Tuấn là Tổng Giám đốc. Phó Tổng Giám đốc được đảm nhiệm bởi năm người.

Công ty mẹ của Viglacera là Công ty CP Hạ tầng GELEX vói tỷ lệ sở hữu hơn 50%, thuộc Tập đoàn GELEX. Viglacera có 13 đơn vị phụ thuộc hoạt động trong nhiều lĩnh vực như xây dựng và kinh doanh bất động sản, sản xuất và kinh doanh kính, sứ vệ sinh, cũng như nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Hiện Viglacera có hai cổ đông lớn, ngoài công ty mẹ là Hạ tầng GELEX, Bộ Xây dựng hiện cũng đang nắm giữ 38,58% vốn điều lệ của Viglacera. Dự kiến, việc thoái vốn của Bộ Xây dựng tại tổng công ty sẽ được thực hiện trong năm 2024 - 2025.

Sức hút từ vốn FDI, cổ phiếu khu công nghiệp đứng trước cơ hội vàng

VNDirect cho rằng, dòng vốn FDI vào sản xuất tăng mạnh, giúp cổ phiếu khu công nghiệp hưởng lợi. Với nguồn cung mới dồi dào ...

Lợi nhuận suy giảm, doanh nghiệp của ông Bùi Sỹ Tuấn chậm đóng BHXH cho hơn 1.000 người lao động

Công ty CP Camimex của ông Bùi Sỹ Tuấn đang đối mặt với tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội cho hơn 1.000 lao ...

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán