Ngoài sự khác biệt giữa thời trang cao cấp và các phân khúc khác trong ngành dệt may, sự khác biệt giữa các vùng cũng sẽ được thể hiện rõ. Nền kinh tế Mỹ, mặc dù dự kiến sẽ chậm lại, nhưng được dự báo vẫn sẽ là thị trường có quy mô lớn hơn các nền kinh tế lớn khác. Quá trình xử lý giảm lượng hàng tồn kho đã được tiến hành tại các nhà bán lẻ lớn, diễn biến tích cực nhất được ghi nhận tại các doanh nghiệp kinh doanh đồ thể thao.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Hoa Kỳ vẫn cho thấy mức tồn kho cao trong toàn ngành dự kiến sẽ kéo dài đến quý 2 năm 2023. Các đơn đặt hàng sẽ bắt đầu tăng tốc (theo quý) trong quý 3/2023, mặc dù triển vọng tăng trưởng lợi nhuận (theo năm) vẫn không chắc chắn trong nửa cuối năm 2023.
VITAS dự báo giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sẽ đạt 45~47 tỷ USD (tăng 7~11% so với cùng kỳ) trong năm 2023. Mục tiêu này khá thách thức do phân ngành sợi đã bắt đầu ghi nhận mức lỗ trong quý 4 năm 2022, và Vinatex cũng dự báo đơn hàng may mặc sẽ giảm 25% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu và tiêu dùng nói chung được dự báo cũng sẽ giảm đi, và doanh thu bán lẻ sẽ được thúc đẩy bởi các chương trình khuyến mãi và giảm giá. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn bộ chuỗi giá trị sẽ chịu áp lực, trong đó các nhà sản xuất sợi và hàng may mặc trong nước dễ bị tổn thương nhất do giá bán trung bình thấp hơn.
Trong khi đó, áp lực từ chi phí nguyên vật liệu đối với các nhà sản xuất đã giảm bớt do giá bông và giá dầu đã giảm đáng kể từ quý 2 năm 2022. Chi phí vải giảm sẽ bù đắp một phần giá bán trung bình thấp hơn. Tuy nhiên, dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp tổng thể sẽ giảm do (i) năng lực đàm phán của các nhà sản xuất trong nước thấp hơn so với các nhà bán lẻ (đặc biệt là trong giai đoạn nhu cầu yếu) và (ii) lương cơ bản dự kiến sẽ tăng 20% so với cùng kỳ.
Với lãi suất dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong suốt cả năm, chi phí tài chính tăng cao có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ròng, đặc biệt đối với những công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG).
Giá cổ phiếu ngành dệt may giảm 41% vào năm 2022, thấp hơn 10,3% so với kết quả của chỉ số VN-Index. Các mã cổ phiếu dệt may ghi nhận kết quả kém khả quan nhất bao gồm: NDT của Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định (giảm 70% so với đầu năm), ADS của Công ty CP Damsan (giảm 68% so với đầu năm), GIL của Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (giảm 64% so với đầu năm), VGT của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (giảm 60% so với đầu năm); và TNG của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (giảm 52% so với đầu năm).
Cổ phiếu các công ty sợi, chẳng hạn như NDT và ADS, rất nhạy cảm với việc giá bông giảm mạnh trong nửa cuối năm 2022.
Cổ phiếu may mặc có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hàng quý giảm tốc, trong đó GIL cho thấy tốc độ giảm đáng kể hơn so với các cổ phiếu khác do hoàn toàn không ghi nhận các đơn đặt hàng của Amazon từ quý 3 năm 2022, vốn chiếm hơn 80% doanh thu của công ty.
Theo đánh giá của SSI Research, định giá có thể giảm xuống mức P/E thấp nhất trong lịch sử của ngành, ở mức khoảng 4~5x như trong giai đoạn 2010~2012, cũng do suy thoái kinh tế toàn cầu cho đến quý 3 năm 2023. Vì lợi nhuận của hầu hết các công ty đã đạt đỉnh trong quý 3/2022 (về giá trị tuyệt đối), dự báo tăng trưởng lợi nhuận sẽ giảm mạnh nhất trong quý 3/2023 và định giá sẽ dần phục hồi về mức P/E trung bình lịch sử của ngành là 8 lần, vì các dấu hiệu phục hồi sẽ xuất hiện từ quý 4/2023.
SSI Research nhấn mạnh: "Trong 10 năm qua, các cổ phiếu dệt may được giao dịch ở mức P/E trung bình là 8x. Năm 2023, toàn bộ ngành đã bị giảm định giá từ 14x vào đầu năm xuống 6x sau khi ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận không khả quan trong năm 2022 cũng như triển vọng tiếp tục tiêu cực cho năm 2023. Mức định giá thấp nhất trong lịch sử của ngành ở mức 5x trong giai đoạn 2010~2011 và 2020, điều này chỉ ra rằng, định giá cổ phiếu của ngành có thể giảm hơn nữa trong thời gian tới, thời điểm mà các công ty dự kiến sẽ ghi nhận lợi nhuận giảm vào năm 2023".
Đức Anh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|