Lời khuyên cho nhà đầu tư trước hiệu ứng bán lan gây giảm sàn đồng loạt và làn sóng bán giải chấp

(Banker.vn) Phiên giao dịch chứng khoán thứ Hai (17/1/2022) chứng kiến làn sóng bán tháo diện rộng của nhà đầu tư đẩy VN-Index đóng cửa ở mốc thấp nhất ngày 1.452,84 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Nếu tính từ vùng đỉnh lịch sử, chỉ số chính sàn HOSE đã bốc hơi 5% giá trị.

Lý do thị trường giảm sâu

Kết thúc phiên “thứ Hai đen tối”, toàn thị trường ghi nhận hơn 180 mã giảm sàn. Làn sóng bán tháo diện rộng đẩy VN-Index đóng cửa ở mốc thấp nhất ngày, rơi khỏi ngưỡng 1.460 và dừng chân ở mốc 1.452,84 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Nếu tính từ vùng đỉnh lịch sử, chỉ số chính sàn HOSE đã bốc hơi 5% giá trị.

Theo nhận định của các chuyên gia, yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến thị trường giảm điểm là mặt bằng giá cổ phiếu ở mức cao sau 1 đợt tăng giá dài và lượng margin thị trường duy trì ở mức cao làm tăng áp lực call margin.

Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam có 2 nguyên nhân chính dẫn đến đà giảm sốc của thị trường trong phiên hôm nay (17/1/2022):

Thứ nhất, những thông tin tiêu cực đã kích hoạt tâm lý hoảng loạn của nhiều nhà đầu tư. Thông thường, nhà đầu tư thường có tâm lý rút tiền về trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán để bảo toàn tài sản. Do đó, những thông tin "đầy sóng gió" đến từ họ cổ phiếu FLC hay thông tin bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm của Tân Hoàng Minh lại càng khiến nhà đầu tư có lý do để bán. Qua quan sát có thể thấy, những thông tin này khiến tâm lý nhà đầu tư thất vọng, cộng thêm hiệu ứng domino đã dẫn đến áp lực bán tống bán tháo bung ra mạnh mẽ.

Thứ hai, việc mất thanh khoản của dòng đầu cơ khiến các nhóm ngành khác bị ảnh hưởng. Theo đó, một phần các cổ phiếu cơ bản bị bán do ảnh hưởng bởi hoạt động giải chấp margin ở các tài khoản căng margin khi các cổ phiếu đầu cơ giảm sâu mất thanh khoản. Cụ thể, khi các công ty chứng khoán hoặc các tổ chức không bán được những cổ phiếu nằm sàn hàng loạt thì việc giải chấp hoặc bán chủ động sẽ là ở các mã khác trong danh mục nhằm mục đích thu hồi vốn.

Bên cạnh đó, có thể thấy ngành bất động sản là nhóm "lên ngôi" giúp duy trì đà tăng cho thị trường trong suốt thời gian dài. Do đó, khi nhóm này sụp đổ, tâm lý nhà đầu tư nhanh chóng chuyển biến xấu khi chưa nhìn thấy dòng dẫn dắt mới.

Thứ ba, nhóm chứng khoán - một trong những nhóm "trụ" của thị trường cũng diễn biến tiêu cực. Lý giải về nguyên nhân giảm mạnh của nhóm cổ phiếu chứng khoán, vị chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính đến từ việc phát hành của các công ty chứng khoán. Cụ thể, trong quý 1/2022 các công ty sẽ thực hiện phát hành và tăng vốn mạnh tạo áp lực cung lớn trên thị trường. Soi chiếu từ thực tế trong 2 năm vừa qua, "con sóng" của nhóm cổ phiếu thường kết thúc bằng đợt phát hành hoặc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu lớn. Đến thời điểm cận kề tăng vốn, nhóm cổ phiếu chứng khoán có xu hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ cho thấy nhà đầu tư đã có tâm lý lo ngại từ trước đó.

Bên cạnh đó, hiệu ứng domino bán tháo mạnh đến từ những lo ngại về tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán khi thị trường biến động mạnh. Cụ thể, ba nguồn thu chính của công ty chứng khoán là doanh thu từ tiền môi giới, doanh thu tự danh và hoạt động cho vay margin đều gặp rủi ro lớn khi thị trường chung lao dốc.

Ngoài ra, ông Nguyễn Vũ Luân - Trưởng phòng Môi giới Chứng khoán VNDirect (VND) cho rằng sự cố FLC và Tân Hoàng Minh như một thiên nga đen làm thay đổi tâm lý nhà đầu tư thay vì hưng phấn đã chuyển sang hoảng loạn.

Nhà đầu tư nên làm gì lúc này?

Trong ngắn hạn, ông Luân nhận định rủi ro có thể vẫn chưa kết thúc khi lượng margin call sẽ tăng lên vào ngày mai. Thị trường chỉ ổn định lại khi lượng margin call được hấp thu hết và mặt bằng giá cổ phiếu trở về mức hấp dẫn để thúc đẩy sự đầu cơ trở lại. Kinh nghiệm trong các lần điều chỉnh lớn ở các năm trước đây cho thấy nhà đầu tư nên chủ động giảm margin và chỉ mua vào khi giá cổ phiếu thực sự rơi vào vùng hấp dẫn.

Theo ông Minh, khi rủi ro tăng cao thì nên chọn trú ẩn ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm mạnh như ngân hàng, thép. Các nhóm này có triển vọng hồi phục trong quý 4 và đã chiết khấu giá về vùng định giá phù hợp để trú ẩn. Trong các phiên sắp tới, rủi ro giảm vẫn kéo dài những thị trường vẫn còn hỗ trợ cứng ở vùng 1,440 - 1,450 điểm.

Còn với nhà đầu tư cầm cổ phiếu đầu cơ thì rất khó để thoát hàng lúc này vì không có thanh khoản. Lời khuyên cho những nhà đầu tư này là giảm tỷ lệ margin về 0 và đợi cổ phiếu giảm về điểm cân bằng. Khi cổ phiếu đầu cơ có thanh khoản trở lại thì bình quân giá và đợi nhịp tăng để chốt lời. Mục tiêu là giảm thiểu số lỗ.

Ngoài ra, phiên đáo hạn phái sinh thứ Năm tuần này có thể xảy ra hiện tượng rung lắc khi nhà tạo lập điều tiết chỉ số. Thị trường có thể liên tục xuất hiện các nhịp kéo đạp nên nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế xem bảng điện tử để tránh việc tâm lý bị ảnh hưởng, chờ đợi điểm cân bắng mới để ra lệnh mua/bán.

Phương Thảo 

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán