Logistics Việt Nam nhiều tiềm năng thành trung tâm trung chuyển của toàn cầu

(Banker.vn) Trước sự phát triển của ngành thương mại điện tử, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần.
Hợp đồng điện tử trong thương mại điện tử: Minh bạch và thuận lợi Nạn đặt đơn ảo hoành hành sàn thương mại điện tử

Hiện tổng nguồn cung nhà kho ở Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh chỉ đạt lần lượt 2.022.000 m2 và 5.130.000 m2. “Trước sự phát triển của ngành thương mại điện tử, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần. Điều này đi đôi với nhu cầu tăng cao về bất động sản logistics (dịch vụ hậu cần) chất lượng cao”, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhận định về tiềm năng thị trường logistics Việt Nam sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của toàn cầu trong thời gian tới.

Logistics Việt Nam nhiều tiềm năng thành trung tâm trung chuyển của toàn cầu
Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng tỉnh trở thành đầu mối về dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Theo bà Trang Bùi, hiện tổng nguồn cung nhà kho ở Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh chỉ đạt lần lượt 2.022.000 m2 và 5.130.000 m2. Các khu công nghiệp và hậu cần kho bãi tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, đang có tỉ lệ lấp đầy cao, có những nơi đạt gần 100%. Nhu cầu sẽ ngày càng lớn trong thời gian tới, nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu đang đẩy sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ và vận chuyển tăng lên.

Với quy mô thị trường lớn, số lượng người tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Cụ thể, doanh thu thương mại điện tử tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2023, ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Cùng với đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng mạnh với lũy kế 452,7 tỷ USD; trong đó, tính riêng 8 tháng năm 2023 FDI đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo phân tích của các chuyên gia Cushman & Wakefield, nối liền với Việt Nam là hành lang kinh tế phía Nam của Trung Quốc gồm một số vùng nổi bật như Thượng Hải, Thẩm Quyến, Phúc Kiến, Quảng Đông... Đây là vùng kinh tế được chọn làm nơi đặt trụ sở của các ông lớn công nghiệp sản xuất, hóa sinh, thương mại và công nghệ điện tử. Mặt khác, các khu công nghiệp Việt Nam đã đón nhận làn sóng đầu tư đến từ các doanh nghiệp điện tử toàn cầu từ sớm như Panasonic (1971), LG Display (1995), Canon (2001), Foxconn (2007), Samsung (2008), Fuji Xerox (2013) và gần đây là các tập đoàn như Pegatron, Goertek, Jinko Solar. Việt Nam đang đứng trước cơ hội nâng tầm giá trị chuỗi cung ứng của nhà sản xuất.

Với các đặc điểm địa lý thuận lợi, cũng như cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ và hàng loạt chính sách thúc đẩy đầu tư từ Chính phủ, có thể nói Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để thu hút loạt “ong chúa” đến làm tổ và đóng góp hơn nữa vào GDP Việt Nam.

Bà Trang Bùi cho rằng, những con số ấn tượng cùng dự báo đầy triển vọng cho thấy tiềm năng của logistics tại Việt Nam là rất lớn, hoàn toàn có thể trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các chủ đầu tư có tầm nhìn và tiềm lực mạnh.

Cơ sở hạ tầng là một phần tất yếu trong việc phát huy toàn bộ tiềm năng và sự phát triển thành công của thị trường logistics. Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, trên toàn quốc có tổng chiều dài đường bộ 595.201 km; trong đó, đường bộ quốc gia là 25.560 km. Mạng lưới đường cao tốc đã đưa vào khai thác là 1.239 km; đang triển khai xây dựng khoảng 14 tuyến, đoạn tuyến, tương đương với 840 km.

Các đô thị lớn như Hà Nội tập trung ưu tiên cho dự án đường Vành đai 4, trong khi Tp. Hồ Chí Minh đang ưu tiên cho đường Vành đai 3 để tăng cường kết nối các địa phương lân cận, tăng cường kết nối vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics đến cảng biển.

Về đường sắt, mạng lưới đường sắt quốc gia có tổng chiều dài 3.143 km và có 277 ga và có 2 tuyến kết nối với Trung Quốc tại Đồng Đăng và Lào Cai. Đặc biệt, miền Bắc sở hữu tuyến đường bộ, thủy và sắt nối thẳng đến Thẩm Quyến, được mệnh danh Thung lũng Silicon Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng và phân bổ sản xuất trong khu vực.

Hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn vừa qua đã được chú trọng đầu tư với quy mô, công nghệ hiện tại vươn tầm quốc tế đặc biệt là hệ thống cảng container (2 cảng biển lớn của Việt Nam là Hải Phòng và Tp. Hồ Chí Minh đều nằm trong top 50 cảng container lớn trên thế giới). Hệ thống cảng biển với 286 bến cảng, tổng chiều dài cầu cảng hơn 96 km.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2022 ước đạt 733,18 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Trong số đó, hàng xuất khẩu đạt 179,07 triệu tấn, giảm 3%; hàng nhập khẩu đạt 209,26 tấn, giảm 2%. Nổi bật phải kể đến là cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã tiếp nhận thành công siêu tàu container Cosco Shipping Aquarius 197.049 DWT năm 2021, Msc Ditte 200.000 Dwt năm 2022 và Oocl Spain 232.000 DWT năm 2023, những sự kiện đánh dấu cột mốc dẫn đến thành công cho cảng biển Việt Nam.

Thêm vào đó, lần đầu tiên, các hãng vận tải biển đã có thể cung cấp dịch vụ trực tiếp từ Việt Nam tới khu vực Bắc Mỹ và châu Âu mà không cần đến các tàu gom để kết nối với các trung tâm trung chuyển khu vực như Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc). Việc không cần đến tàu gom và giảm bớt được chi phí trung chuyển ước tính tiết kiệm được khoảng 150–300 USD/TEU đối với những container đi và đến Việt Nam.

Chính phủ cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn; hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU; hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách.

Theo các chuyên gia của Cushman & Wakefield Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất là trái tim của sự phát triển kinh tế các quốc gia và ‘sức khỏe’ của một nền kinh tế tỷ lệ thuận với độ hiệu quả của hệ thống logistics. Chính vì vậy, việc nâng cao độ hiệu quả sẽ giúp các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần, các cơ quan quản lý thương mại giảm thiểu những trì hoãn có thể tránh được, từ đó làm tăng sản lượng và giảm chi phí kinh doanh.

Với những điều kiện hấp dẫn trên, theo các chuyên gia Cushman & Wakefield, Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với Dubai (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất) và Hong Kong (Trung Quốc), thậm chí là Singapore hay Thượng Hải (Trung Quốc), không chỉ phấn đấu trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa toàn cầu mà còn là một mắt xích quan trọng như ‘cánh tay nối dài’ của công xưởng thế giới./.

TTXVN

Theo: Báo Công Thương