Theo tin từ CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG), đơn vị vừa thành lập hai công ty thành viên là CTCP Nông Sản Lộc Trời (Lộc Trời Agricuture Product JSC – LTA), CTCP Giống Cây Trồng Lộc Trời (Lộc Trời Seed JSC – LTS) đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp qua các hoạt động ký kết mua bán – tài trợ sản xuất 2 triệu tấn lúa trị giá hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2022 với các công ty, đại lý nông sản và các ngân hàng đã hợp tác lâu dài với tập đoàn.
Đóng góp hơn 4.000 tỷ vào doanh thu của toàn tập đoàn trong năm 2021, Tập đoàn cho biết CTCP Nông Sản Lộc Trời (LTA) là khâu đầu và cũng là khâu cuối cực kỳ quan trọng trong quy trình khép kín từ hạt giống đến khi thu hoạch và vận chuyển đến hệ thống 24 nhà máy sở hữu và liên kết được phân bổ khắp Đồng bằng sông Cửu Long để sấy, xay xát, lưu kho, và giao hàng theo tiến độ hợp đồng đã ký.
Với năng lực sấy lúa gần 26.000 tấn/ngày, xay xát hơn 22.000 tấn/ngày cùng với sức chứa 1 triệu tấn lúa, LTA đáp ứng được các đơn hàng số lượng lớn quanh năm, đặc biệt cho các thị thường xuất khẩu khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc…
Còn CTCP Giống Cây Trồng Lộc Trời (LTS), tiền thân là ngành giống của tập đoàn, đã đóng góp gần 900 tỷ đồng vào doanh thu năm 2021, hiện sản xuất trên 80.000 tấn lúa giống các loại trên các vùng trồng và phân phối trực tiếp qua hệ thống phân phối trên 300 đại lý trên cả nước.
LTS là đơn vị khai thác các giống lúa mà tập đoàn Lộc Trời sở hữu và được cấp quyền sản xuất và thương mại, bao gồm cả giống lúa Lộc Trời 28 – Quán quân Gạo thơm Thế giới năm 2018 và Giải nhất Gạo ngon Thương hiệu Việt vào tháng 1/2022. Qua LTS, giống lúa OM18 – gạo thơm chất lượng cao được trồng nhiều nhất Việt Nam và OM5451 – gạo trắng được xuất khẩu nhiều nhất Việt Nam sẽ được cung cấp miễn phí cho các hợp tác xã liên kết sản xuất với Lộc Trời.
Đầu năm 2022, Nông Sản Lộc Trời (LTA), thông qua hợp đồng cung ứng 2 triệu tấn lúa cho các đối tác trong nước và xuất khẩu.
Để đảm bảo nguồn lực tài chính cho đơn hàng 2 triệu tấn lúa này, Tập đoàn Lộc Trời và LTA đã làm việc với các ngân hàng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước như TPBank, HDBank, BIDV, VPBank, Mizuho, HSBC, May Bank… đồng tài trợ 12.000 tỷ đồng cho toàn bộ chuỗi sản xuất – cung ứng theo quy trình canh tác không sử dụng tiền mặt, tăng tính minh bạch trong tất cả các khâu dẫn đến việc giảm thiểu đáng kể chi phí tài chính so với hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc như trước đây.
Về tình hình kinh doanh, năm 2021, Tập đoàn Lộc Trời đạt 10.224 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng 421 tỷ đồng; tăng lần lượt 36% và 15% so với năm 2020.
Quy mô tổng tài sản hết năm 2021 là 7.896 tỷ đồng với 3.626 tỷ đồng là nợ vay (chủ yếu là ngắn hạn). Vốn chủ sở hữu cuối năm ngoái đạt 3.037 tỷ với 1.144 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, 708 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển,...
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|