Lộc Trời (LTG) bất ngờ "quay xe" không chia cổ tức bằng tiền, Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn nhận thù lao 3,6 tỷ đồng cho năm 2023

(Banker.vn) Thay vì chi trả cổ tức bằng tiền mặt, Tập đoàn Lộc Trời (LTG) chuyển sang chia bằng cổ phiếu. Trước đó, từ giai đoạn 2017-2021, Lộc Trời duy trì trả cổ tức tiền mặt hàng năm cho cổ đông, với tỷ lệ dao động từ 10-20%/năm.

Trước ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) đã công bố thông tin bất thường về việc sửa đổi, bổ sung tài liệu cuộc họp. Điểm nổi bật là tờ trình kế hoạch chi trả cổ tức giai đoạn 2024-2025 của Công ty.

Theo đó, Lộc Trời cho biết nhằm đảm bảo và gia tăng lợi ích của cổ đông gắn liền với hiệu quả kinh doanh của tập đoàn, HĐQT LTG trình cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% trong hai năm liên tiếp 2024-2025.

Lộc Trời (LTG) bất ngờ
Lộc Trời vẫn giữ nguyên tỷ lệ chia cổ tức là 30%; trong khi đó, hình thức chi trả được đổi sang bằng cổ phiếu

Đáng chú ý, Lộc Trời cũng đề xuất điều chỉnh kế hoạch chia cổ tức năm 2023 từ tiền mặt sang cổ phiếu, tỷ lệ không bị điều chỉnh. Lý do được doanh nghiệp đưa ra nhằm tăng cường nguồn lực vốn cho việc mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh năm 2024 và gia tăng lợi ích cho cổ đông.

Ngoài ra, LTG dự kiến phát hành thêm hơn 30,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Nguồn vốn lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2023 trên báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty. Sau phát hành, vốn điều lệ của Lộc Trời sẽ tăng lên gần 1.310 tỷ đồng, thời điểm phát hành sẽ tùy theo chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Kịch bản tương tự từng được LTG sử dụng khi chia cổ tức năm 2022. Thay vì chi trả bằng tiền mặt, công ty chuyển sang chia bằng cổ phiếu, dù vẫn giữ nguyên mức 25%. Trước đó, từ giai đoạn 2017-2021, Lộc Trời duy trì trả cổ tức tiền mặt hàng năm cho cổ đông, với tỷ lệ dao động từ 10-20%/năm.

Động thái điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh doanh của LTG khá ảm đạm. Năm 2023, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm từ 265 tỷ đồng trong báo cáo tự lập xuống còn 16 tỷ đồng sau kiểm toán, tương đương “bốc hơi” 94% và giảm 96% so với năm 2022. Thậm chí, Lộc Trời lỗ tới 97 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng so với mức lỗ 81 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023, chủ yếu do chi phí tài chính tăng cao vì lỗ chênh lệch tỷ giá.

Năm 2024, LTG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 50 tỷ đồng, hơn gấp 3 lần so với thực hiện năm 2023. Như vậy, công ty sẽ phải rất nỗ lực nếu muốn hoàn thành kế hoạch đề ra.

Trong cùng ngày, trình cổ đông thông qua thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT, Ban Kiểm soát, lãnh đạo chủ chốt năm 2024. Cụ thể, Công ty đề xuất thù lao cho HĐQT là 1% lợi nhuận trước thuế theo BCTC hợp nhất kiểm toán 2024; thù lao BKS (0,1%); ngân sách hoạt động HĐQT là 1 tỷ đồng trong khi BKS 500 triệu đồng.

Lộc Trời (LTG) bất ngờ
Tờ trình do Lộc Trời công bố

Còn nhớ, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT LTG nhận mức thù lao 3,6 tỷ đồng trong năm 2023, gấp hơn 6 lần năm trước. Trong khi đó, 4 thành viên HĐQT khác không nhận thù lao. Còn Ban tổng giám đốc và các thành viên quản lý chủ chốt nhận 5 tỷ đồng tiền lương, giảm 30%.

Lộc Trời (LTG) bất ngờ
Chủ tịch HĐQT của Lộc Trời nhận thù lao tới 3,6 tỷ trong năm 2023

Một điểm đáng chú ý khác là LTG sẽ thảo luận kế hoạch triển khai niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Trước đó, cổ đông Marina Viet Pte.Ltd đã có thư kiến nghị bổ sung nội dung này vào chương trình làm việc. Hiện Marina Viet Pte.Ltd đang nắm giữ 25,12% tại Lộc Trời.

Ngày 22/05, Lộc Trời thông báo đã trúng thầu cung ứng 100.000 tấn gạo cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Perum Bulog) với mức giá 563 USD/tấn, thấp hơn 16 USD/tấn so với mức giá chào ban đầu. Quyết định bỏ giá thấp của Lộc Trời đã thu hút sự chú ý và nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt trong bối cảnh giá gạo trên thị trường thế giới vẫn đang ở mức cao. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã nhanh chóng có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) yêu cầu xác minh thông tin doanh nghiệp xuất khẩu gạo bỏ thầu giá thấp.

Đáp lại những lo ngại, lãnh đạo Lộc Trời khẳng định rằng mức giá trúng thầu đủ để bù đắp chi phí và mang lại lợi nhuận cho tập đoàn cũng như cho bà con nông dân. Dự kiến, số gạo trúng thầu sẽ được bàn giao trong vòng hai tháng, ước tính thu về hơn 1.300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vận xui dường như liên tiếp kéo đến với Lộc Trời. Công ty đã gặp phải tình trạng thiếu hụt dòng tiền, dẫn tới việc nợ tiền mua lúa của nông dân. Ngày 20/05, Lộc Trời cùng ngân hàng TPBank đã hoàn tất việc thanh toán tiền nợ mua lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 và gửi lời xin lỗi đến bà con nông dân vì sự cố này.

Những diễn biến này cho thấy một năm đầy thách thức đối với Lộc Trời, khi công ty phải đối mặt với nhiều áp lực từ cả thị trường và nội bộ doanh nghiệp. Quyết định trúng thầu với giá thấp có thể mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược dài hạn và khả năng quản lý tài chính của công ty.

Cổ đông lớn hối thúc Lộc Trời chuyển sang HOSE sau 6 năm đình trệ

Kế hoạch chuyển giao dịch cổ phiếu LTG từ UPCoM sang HOSE của Lộc Trời đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 song ...

Không tìm được tiếng nói chung, Saigontel ngừng dự án xây dựng công viên nghĩa trang

Trước đó, Saigontel (SGT) đã thông qua kế hoạch lập doanh nghiệp làm chủ đầu tư dự án xây dựng công viên nghĩa trang Ngân ...

Chốt ngày chia cổ tức, Vinaconex (VCG) tăng vốn điều lệ lên gần 6.000 tỷ đồng

Nếu như VCG phát hành thành công, vốn điều lệ của Vinaconex tăng từ 5.345 tỷ đồng lên 5.986 tỷ đồng. Nguồn chi trả cổ ...

Tuấn Khải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán