Loạt dự án dở dang được thế chấp cho các khoản vay hàng trăm tỷ của Dawaco

(Banker.vn) Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco – UPCOM: DNN) đang gánh khoản vay và nợ thuê tài chính hơn 400 tỷ đồng, phần lớn là nợ dài hạn.

Hé lộ về ‘danh sách’ cầm cố của Dawaco

Theo hồ sơ, trong dài hạn, Dawaco đang nợ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng hơn 93 tỷ đồng; Ngân hàng TNHH MTV ShinHan Việt Nam – CN Đà Nẵng (hơn 81 tỷ đồng) và một số ngân hàng khác.

Trong các dự án được mang đi thế chấp để vay vốn, dự án có giá trị lớn nhất "Tuyến ống CN đường Thăng Long" (đoạn từ nhà máy nước Cầu Đỏ đến cầu Tuyên Sơn) với chi phí xây dựng dở dang hơn 101,9 tỷ đồng. Tiếp đến là dự án Tuyến ống Hòa Liên (đoạn từ nhà máy nước Hòa Liên đến đường số 2 KCN Hòa Khánh), hơn 81,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, DNN còn có các dự án: Dự án nhà máy nước Hồ Hòa Trung 10.000 m3/ngày, hơn 32,2 tỷ đồng; Dự án lắp đặt tuyến ống D500&D400 DI đường Võ Nguyên Giáp – Trường Sa (đoạn từ đường Hồ Xuân Hương đến Hồ Quý Huân), hơn 24,7 tỷ đồng và hàng loạt dự án khác.

Giá trị chi phí xây dựng dở dang được Dawaco sử dụng thế chấp, cầm cố cho hàng loạt khoản vay ở các ngân hàng
Giá trị chi phí xây dựng dở dang được Dawaco sử dụng thế chấp, cầm cố cho hàng loạt khoản vay ở các ngân hàng

Ở thời điểm 30/6/2022, giá trị chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang Dawaco đang dùng để cầm cố thế chấp các khoản vay ngân hàng là hơn 317 tỷ đồng.

Quỹ đầu tư Phát triển TP Đà Nẵng rót bao nhiêu tiền vào Dawaco?

Loạt hợp đồng tín dụng cho thấy Quỹ đầu tư Phát triển thành phố Đà Nẵng đã rót hàng trăm tỷ đồng thông qua các khoản vay cho Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng.

Tại hợp đồng tín dụng số 09/2018/HĐTD ngày 24/10/2018 thực hiện dự án “Nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 120.000 m3/ngày: Phân kỳ 1 – nâng công suất thêm 60.000 m3/ngày”, Quỹ đầu tư Phát triển TP Đà Nẵng cấp cho Dawaco hạn mức vay 146,5 tỷ đồng, thời hạn vay 12 năm. Lãi suất vay 7%/năm, được điều chỉnh mức lãi suất theo Quyết định về lãi suất của bên cho vay ban hành từng thời điểm. Lãi suất áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn. Hình thức bảo đảm tiền vay gồm công trình xây dựng và máy móc thiết bị đã đầu tư và tài sản hình thành trong tương lai của dự án.

Dù làm ăn khấm khá hưng cổ phiếu DNN luôn trong tình trạng thanh khoản thấp hoặc không có giao dịch. Nguồn: HNX
Dù làm ăn khấm khá hưng cổ phiếu DNN luôn trong tình trạng thanh khoản thấp hoặc không có giao dịch. Nguồn: HNX

Hợp đồng tín dụng 01/2019/HĐTD ngày 14/1/2019 thực hiện dự án nhà máy nước Hồ Hòa Trung công suất 10.000m3/ngày, Quỹ đầu tư Phát triển TP Đà Nẵng tiếp tục cấp hạn mức cho vay 56,5 tỷ đồng, thời hạn vay 10 năm, lãi suất 7%/năm. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là hệ thống các tuyến ống cấp nước trên địa bàn TP đã đầu tư và tài sản hình thành trong tương lai của dự án.

Hợp đồng tín dụng 14/2020/HĐTD ngày 19/8/2020 thực hiện dự án nâng cấp công suất nhà máy nước Cầu Đỏ từ 230.000m3/ngày lên 290.000m3/ngày, Dawaco tiếp tục được Quỹ đầu tư Phát triển TP Đà Nẵng cấp hạn mức vay 78 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm, thời hạn vay 144 tháng. Bảo đảm khoản vay được kê ra là tài sản hình thành trong tương lai của các dự án.

Là DN Nhà nước được cổ phần hóa, hiện nay UBND TP Đà Nẵng vẫn nắm hơn 60% vốn góp tại Dawaco (tương ứng hơn 348 tỷ đồng); 35% cổ phần thuộc Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng Miền Trung; tỷ lệ nhỏ còn lại thuộc các cổ đông khác bao gồm cán bộ, nhân viên. Thực trạng cổ đông ‘cô đặc’ này khiến cổ phiếu DNN có lượng thanh khoản rất thấp hoặc không có giao dịch dù Dawaco liên tục báo lãi.

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giữa niên độ 2022 của Dawaco đạt 239 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 63 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với kỳ so sánh. Doanh nghiệp này đang có 343,7 tỷ đồng gửi ngân hàng có kỳ hạn 3 tháng đến 1 năm, tạo khoản lãi đầu tư tài chính đáng kể.

Trong tháng 9/2022, Dawaco sẽ chi trả tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền năm 2022 với tỷ lệ 9%/cổ phiếu (mỗi cổ phiếu được trả 900 đồng).

Là DNNN được cổ phần hóa, Dawaco từng bị Kiểm toán Nhà nước kết luận có hàng loạt sai phạm về quản lý đất đai hậu cổ phần hóa.

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán