Lộ nguyên nhân khiến nợ xấu của ngân hàng MB tăng vọt trong quý 1/2024

(Banker.vn) Ngày 6/5, Công ty CP Chứng khoán Vietcap đã đăng tải thông tin về cuộc họp với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) về kết quả kinh doanh quý 1/2024.

Theo thông tin được Vietcap đăng tải, NIM (biến lãi ròng) của MB trong quý 1 giảm do lãi suất cho vay giảm nhanh hơn chi phí huy động vốn, MB duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp để hỗ trợ khách hàng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ CASA (tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn) của MBB trong quý 1/2024 cũng giảm từ mức cao do tính chất thời vụ về thanh toán của một số doanh nghiệp. Vietcap cũng cho biêt, ngân hàng MB đang sắp xếp huy động một số vốn nước ngoài.

Về chất lượng tài sản, Vietcap cho biết, việc phân loại nhóm nợ theo CIC dẫn đến mức tăng khoảng 80 điểm cơ bản trong tỷ lệ nợ xấu quý 1/2024 của MB, chủ yếu do một khách hàng doanh nghiệp quan trọng bị ngân hàng khác hạ xếp hạng, tuy nhiên doanh nghiệp này không được nêu rõ trong thông báo của Vietcap.

“Khách hàng này vẫn có dòng tiền và đang duy trì thanh toán cho MB, hiện ngân hàng đang làm việc với khách hàng doanh nghiệp này và ngân hàng liên quan để giải quyết và kỳ vọng nhóm nợ của khách hàng này có thể trở lại với mức cũ. MB ước tính tỷ lệ nợ xấu vẫn có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi phân loại lại theo CIC trong quý 2/2024, khoảng 20 điểm cơ bản”, thông báo của Vietcap nêu rõ.

Lộ nguyên nhân khiến nợ xấu của ngân hàng MB tăng vọt trong quý 1/2024
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB)

Về kết quả hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý 1/2024 của MB, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5.795 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ là 5.258 tỷ đồng, giảm 10%.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm đến từ việc thu nhập hoạt động cốt lõi kém khả quan và ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong bối cảnh nợ xấu tăng vọt.

Tính đến ngày 31/3/2024, dư nợ cho vay khách hàng đạt 605.317 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn tăng lần lượt 25,8%, 40,6% và 109,3% lên 4.039 tỷ đồng, 5.207 tỷ đồng và 6.048 tỷ đồng, tổng nợ xấu của ngân hàng tăng gần 5.490 tỷ đồng lên 15.294 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó cũng vọt tăng từ mức 1,6% hồi đầu năm lên mức 2,49% cuối quý 1/2024.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 mới được tổ chức vào ngày 19/4 vừa qua, vấn đề về dư nợ cho vay với NovalandTrung Nam Group vẫn là những chủ đề được cổ đông MB quan tâm.

Trả lời chất vẫn của cổ đông tại đại hội, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB cho biết, năm 2023 MB đã thu hồi nợ được 2.400 tỷ đồng của Novaland và hiện nay dư nợ không còn nhiều.

"Theo luật, chúng tôi không thể tiết lộ con số dư nợ cụ thể. Tuy nhiên chúng tôi khẳng định không có cam kết giải ngân thêm 10.000 tỷ đồng cho Novaland," Tổng giám đốc MB nêu rõ tại đại hội.

MB cho vay dựa trên các khoản dự án cụ thể, các khoản vay không đáng lo ngại do MB quản lý rủi ro và tài sản đảm bảo rất chặt chẽ, hơn nữa các vấn đề pháp lý, các dự án ở Novaland cũng đang được giải quyết, tháo gỡ dự kiến trong quý 2/2024.

Với nhóm Trung Nam Group, ông Phạm Như Ánh chia sẻ: "MB hiện có cho vay 3 dự án điện mặt trời của Trung Nam và cả 3 dự án này đều nằm trong Fit 1 và Fit 2. Khó khăn lớn nhất của dự án này không phải vấn đề pháp lý mà do EVN gặp khó và thanh toán chậm. Cả 3 dự án Trung Nam đều được theo đúng kế hoạch, không ảnh hưởng lớn đến hoạt động liên tục của MB và khách hàng. Đến thời điểm này chưa có nhiều quan ngại".

Lãi suất 4 “ông lớn” ngân hàng mới nhất tháng 5/2024

Bước sang tháng 5/2024, 4 “ông lớn” ngân hàng có nguồn vốn nhà nước tiếp tục triển khai mức lãi suất tiền gửi dao động ...

Ngân hàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém được lợi gì?

Sau hơn chục năm kéo dài tình trạng yếu kém, các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt sẽ được “xử lý” trong năm nay ...

Cao Hậu

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán