Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, xuất khẩu cà phê vẫn còn cơ hội tăng trưởng

(Banker.vn) Dự báo tổng nguồn cung cà phê niên vụ này là 171,27 triệu bao, nhưng nhu cầu tiêu thụ lên tới 178,53 triệu bao, là cơ hội để tăng giá và kim ngạch xuất khẩu.
Giá duy trì ở mức cao, xuất khẩu cà phê tiếp tục khởi sắc Tồn kho ở mức thấp, xuất khẩu cà phê tiếp tục được hưởng lợi

Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa tuần giao dịch 4 - 11/9, giá hai mặt hàng cà phê ghi nhận mức giảm nhẹ, lần lượt 2,14% với Arabica và 3,02% với Robusta. Tồn kho cà phê trên Sở giao dịch hàng hóa liên lục địa (ICE) dù vẫn ở mức thấp nhưng bắt đầu có tín hiệu tích cực cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu cà phê tại Brazil đã khiến giá suy yếu trong tuần này.

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, xuất khẩu cà phê vẫn còn cơ hội tăng trưởng
Xuất khẩu cà phê Việt Nam hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD năm 2023

Cụ thể, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US nhận được 17.560 bao loại 60kg từ Brazil để chờ phân loại bổ sung, dù cho tổng lượng cà phê đang lưu trữ vẫn giảm 33.230 bao trong tuần vừa qua. Hàng được bổ sung từ Brazil đưa đến kỳ vọng có thể tạm thời gián đoạn đà của dữ liệu tồn kho sau khi đã chạm mức thấp nhất trong 10 tháng. Điều này cũng tạo niềm tin về việc đảm bảo đủ nguồn cung trên thị trường.

Tính chung cả tuần, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU có sự khởi sắc khi tăng từ mức 33.630 tấn lên 35.280 tấn. Xuất khẩu cà phê Robusta được đẩy mạnh từ Brazil đã có tác động đến dữ liệu tồn kho.

Trong tháng 8, Brazil đã xuất khẩu khoảng 197.470 tấn, tăng mạnh 41,2% so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ chính phủ nước này.

Hơn nữa, việc chỉ số Dollar Index tăng lên mức cao nhất 6 tháng đã kéo tỷ giá USD/Brazil Real tăng gần 1% trong tuần qua. Chênh lệch tỷ giá gia tăng đã góp phần thúc đẩy nhu cầu bán hàng của nông dân nước này do thu đồng Real về nhiều hơn. Và việc nguồn cung đang sẵn có ngay sau vụ thu hoạch cũng khiến nông dân mạnh dạn trong việc xuất khẩu vụ mới.

Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7/2023 đạt 10,21 triệu bao, giảm 1,59% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng đầu niên vụ 2022/2023, đạt 103,74 triệu bao, giảm 5,72% so với cùng kỳ năm trước.

ICO giữ nguyên mức dự báo tổng nguồn cung cà phê niên vụ này là 171,27 triệu bao, tăng 1,7% so với niên vụ trước, nhưng nhu cầu tiêu thụ lên tới 178,53 triệu bao, tăng 1,66% so với niên vụ trước. Như vậy, vào niên vụ mới bắt đầu từ 1/10/2023, thế giới vẫn thiếu hụt 7,26 triệu bao. Dư địa tăng giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn tương đối dồi dào trong thời gian tới.

Theo ICO, trong tháng 7/2023, xuất khẩu cà phê của Brazil đạt 2,6 triệu bao, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng xuất khẩu cả Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam chỉ đạt 3,01 triệu bao, giảm 6,2%. Xuất khẩu cà phê của châu Phi chỉ đạt 1,37 triệu bao, giảm 1,1%. Vùng Trung Mỹ và Mỹ La Tinh (trừ Colombia) xuất khẩu tăng 9,4% đạt 1,66 triệu bao.

Tuy giá có chiều hướng giảm nhẹ trong tuần vừa qua, song nhìn chung, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam đang duy trì tại mức cao trong lịch sử. Tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.963 USD/tấn, tăng 4,8% so với tháng 7/2023 và tăng 25,8% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 2.459 USD/tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tin vui đối với nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương