Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê biến động

(Banker.vn) Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, khiến giá cà phê Arabica chưa thể kéo dài đà giảm, trong khi đó giá Robusta tiếp tục giảm thêm 1,3%.
Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục lập đỉnh do lo ngại nguồn cung Giá cà phê xuất khẩu lao dốc sau khi lên cao kỷ lục 28 năm, giá trong nước tăng vọt

Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch ngày 2/1, giá Arabica tăng nhẹ 0,98% trong khi giá Robusta tiếp tục giảm thêm 1,3% so với tham chiếu. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung vẫn luôn rình rập trên thị trường, khiến giá Arabica chưa thể kéo dài đà giảm.

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phế xuất khẩu tiếp tục giảm
Giá xuất khẩu cà phê tiếp tục giảm

Trong báo cáo kết phiên 29/12, tổng số Arabica đã chứng nhận trên Sở ICE-US ở mức 251.224 bao loại 60kg, giảm 7.175 bao so với phiên trước đó. Sự bấp bênh về khả năng hồi phục dữ liệu tồn kho khiến lo ngại về nguồn cung trên thị trường chưa thể biến mất.

Hơn nữa, dự báo, nắng nóng sẽ tiếp tục đe dọa triển vọng nguồn cung cà phê niên vụ 2024/25 của Brazil. Hệ thống Tài nguyên Nước và Khí tượng Minas Gerais (Simge) cho biết nhiệt độ trung bình trong quý I/2024 tại vùng trồng cà phê chính của nước này có thể cao hơn 2 độ C so với bình thường. Điều này làm chậm sự phát triển của cây cà phê cho quả niên vụ 2024/25. Cùng với đó là tồn kho hiện đang ở mức thấp, khiến nông dân Brazil lo sợ về nguồn cung, từ đó hạn chế bán hàng.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (03/01), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đồng loạt giảm 300 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 67.300 – 68.200 đồng/kg.

Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, trong niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023) xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu là 123 triệu bao, giảm 5,6% so với niên vụ 2021-2022.

Điều đáng chú ý là trong khi xuất khẩu cà phê nhân nói chung bị giảm, thì xuất khẩu cà phê Robusta trên toàn cầu lại tăng, do nhiều người tiêu dùng trên thế giới chuyển từ cà phê Arabica có giá cao sang cà phê Robusta có giá rẻ hơn. Điều này thể hiện rất rõ qua số liệu của ICO.

Trong niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê Arabica toàn cầu chỉ đạt 67,05 triệu bao, giảm 10,1% so với niên vụ 2021-2022. Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 43,76 triệu bao, tăng 2,6%.

Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phế xuất khẩu tiếp tục giảm
11 tháng, xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn đang giữ đà tăng

Người tiêu dùng chuyển mạnh từ Arabica sang sử dụng cà phê Robusta, đã khiến cho giá cà phê Robusta trên thế giới tăng mạnh, qua đó tác động lớn tới giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam - nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

Do giá cà phê xuất khẩu tăng cao, giá cà phê nhân xô trong nước cũng đã đạt những cột mốc lịch sử, có thời điểm đã lên tới 70.000 đồng/kg, là mức chưa từng có trước đây. Có thể nói giá cà phê nhân xô trong năm 2023 đã nằm ngoài dự đoán của tất cả mọi người trong ngành cà phê, từ nông dân cho tới các nhà thu mua, xuất khẩu. Chính vì vậy, khi giá lên trên 60.000 đồng/kg, gần như nông dân không được hưởng mức giá này vì đã ồ ạt bán hết cà phê khi giá mới ngoài 50.000 đồng/kg -là mức mà nông dân đã thấy có lợi nhuận tốt.

Đến đầu niên vụ 2023-2024 (bắt đầu từ tháng 10/2023), giá cà phê nhân xô vẫn ở mức cao, trên 60.000 đồng/kg. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, cho biết, trong tất cả các niên vụ cà phê trước đây, chưa từng thấy niên vụ nào mà vào thời điểm đầu niên vụ giá cà phê nhân xô lại cao đến như vậy.

Ghi nhận từ báo cáo mới nhất của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 11/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam giảm sau khi liên tục tăng trong những tháng trước đó, đạt 2.990 USD/ tấn, giảm 17% so với tháng 10/2023, nhưng vẫn tăng 26,2% so với tháng 11/2022.

Tính chung 11 tháng năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.573 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 11/2023, xuất khẩu cà phê của nước ta sang các thị trường Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bỉ… giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang một số thị trường tăng trưởng khả quan, gồm: Đức, Nga, Algeria, Hàn Quốc, Philippines… Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường truyền thống và tiềm năng giảm, ngoại trừ Algeria, Hàn Quốc…

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương