Lo ngại căng thẳng trên Biển Đỏ, giá cà phê xuất khẩu biến động mạnh

(Banker.vn) Giá cà phê Robusta kết phiên hôm qua giảm thêm 2,95% so với tham chiếu; trong khi đó, giá cà phê Arabica biến động khá mạnh nhưng vẫn tăng 0,42% khi chốt phiên.
Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê xuất khẩu lên cao nhất 16 năm Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá cà phê xuất khẩu tăng mạnh

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá cà phê Arabica biến động khá mạnh nhưng vẫn tăng 0,42% khi chốt phiên. Ban đầu, triển vọng nguồn cung cà phê vụ mới tích cực tại Brazil đã gây áp lực lên giá. Sau đó, tỷ giá đi xuống đã giúp giá phục hồi trở lại vào cuối phiên.

Trong báo cáo kết quả khảo sát mùa vụ lần thứ nhất, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) dự báo sản lượng cà phê trong năm 2024 của Brazil đạt 58,08 triệu bao loại 60kg, tăng 5,5% so với năm 2023. Trong đó, Arabica đạt 40,75 triệu bao, tăng 4,7% so với vụ trước. Triển vọng nguồn cung tích cực giúp nông dân Brazil sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu cà phê trong giai đoạn tới.

Triển vọng nguồn cung cà phê vụ mới, giá cà phê xuất khẩu diễn biến trái chiều
Giá cà phê Arabica biến động khá mạnh nhưng vẫn tăng 0,42% khi chốt phiên

Tuy nhiên, đến nửa cuối phiên tối, chỉ số Dollar Index suy yếu, khiến tỷ giá USD/BRL đi xuống. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp gây tâm lý lo ngại về khả năng đẩy mạnh xuất khẩu cà phê của nông dân Brazil. Điều này tạo hỗ trợ giúp giá nhanh chóng tăng trở lại.

Giá Robusta tiếp tục đi xuống từ mức cao nhất trong 16 năm, kết phiên hôm qua, giá giảm thêm 2,95% so với tham chiếu. Dù vậy, thị trường vẫn còn lo ngại căng thẳng trên Biển Đỏ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu cà phê từ các nước sản xuất lớn như Việt Nam.

Giới phân tích nhận định, giá cà phê Robusta giảm do có dấu hiệu cho thấy người mua cà phê đang tránh mua cà phê Robusta từ Việt Nam. Trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ và Trung Đông leo thang, chi phí vận chuyển và thời gian giao hàng của các lô cà phê Robusta từ khu vực Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, đã tăng mạnh.

Điều này khiến một số hãng rang xay cà phê lớn trên thế giới giảm mua cà phê Robusta từ Việt Nam, thay vào đó họ tìm kiếm nguồn cung Robusta từ Brazil hoặc các nước khác ngoài khu vực Đông Nam Á.

Lo ngại căng thẳng trên Biển Đỏ, giá cà phê xuất khẩu biến động mạnh
Giá cà phê Việt Nam có thể sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024

Với cà phê Arabica, dự báo thời tiết cập nhật mới nhất cho thấy khả năng xảy ra mưa trong tuần này tại các vùng trồng cà phê chính của Brazil đã giảm xuống, khiến thị trường gia tăng lo ngại trở lại với triển vọng sản lượng niên vụ tới của Brazil.

Bên cạnh đó, việc tỷ giá giữa đồng USD với đồng Real Brazil giảm xuống cũng khiến nông dân Brazil hạn chế bán cà phê ra do thu về ít đồng nội tệ hơn.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, do nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta thế giới tăng cao đẩy giá cà phê nhân trong nước tăng xấp xỉ 70.000 đồng/kg, so với năm 2001 giá cà phê đã tăng hơn 20 lần và nếu doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh mua vào để thực hiện các hợp đồng đã ký hoặc đầu cơ tích trữ thì giá cà phê nội địa sẽ tiếp tục lên nữa.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (19/1), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng đồng loạt giảm mạnh 1.300 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 70.400 - 71.000 đồng/kg.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong nửa đầu tháng 01/2024 đạt 95.770 tấn, với kim ngạch gần 283 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và 4,6% về kim ngạch so với nửa đầu tháng 12/2023; so với cùng kỳ năm 2023 tăng 4,2% về lượng và tăng mạnh 39,7% về kim ngạch.

Giá cà phê xuất khẩu trung bình trong nửa đầu tháng 1/2024 đạt 2.955 USD/tấn, tăng 2,3% so với mức bình quân tháng 12/2023 và tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương