Lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ, Gỗ Trường Thành vẫn được “bơm” vốn: Phép màu tài chính hay nước đi liều lĩnh?

(Banker.vn) Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) vừa ký hợp đồng vay vốn 117,1 tỷ đồng từ Ngân hàng Standard Chartered và Ngân hàng Shinhan Việt Nam. Dù lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chuyển từ lãi sang lỗ, doanh nghiệp vẫn tiếp tục tìm nguồn tài chính để bổ sung vốn lưu động và cải thiện tình hình tài chính.

Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) vừa phê duyệt kế hoạch vay vốn từ hai ngân hàng nước ngoài với mục đích bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ, Gỗ Trường Thành vẫn được “bơm” vốn: Phép màu tài chính hay nước đi liều lĩnh?
Lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành tính đến cuối quý 2/2024 lên tới hơn 3.241 tỷ đồng, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã Quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu TTF.

Theo đó, doanh nghiệp này đã thông qua việc ký hạn mức tín dụng với tổng giá trị 50 tỷ đồng tại Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam. Đồng thời, Gỗ Trường Thành cũng ký hợp đồng hạn mức tín dụng với số tiền 67,1 tỷ đồng với Ngân hàng Shinhan Việt Nam – Chi nhánh Biên Hòa. Thời hạn vay là 1 năm kể từ ngày giải ngân đầu tiên, và được gia hạn hàng năm. Như vậy, tổng hạn mức vay từ hai ngân hàng ngoại của Gỗ Trường Thành đạt 117,1 tỷ đồng.

Chuyển từ lãi sang lỗ sau kiểm toán

Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đã chuyển từ mức lãi 4,45 tỷ đồng thành lỗ 5,45 tỷ đồng, tương đương giảm 9,9 tỷ đồng so với kết quả trước kiểm toán. Nguyên nhân chủ yếu được giải thích là do chi phí dự phòng phải thu khách hàng tăng đáng kể sau khi kiểm toán. Cụ thể, trước kiểm toán, chi phí quản lý doanh nghiệp có khoản hoàn nhập dự phòng 11,25 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán, doanh nghiệp lại phải trích lập dự phòng 3,87 tỷ đồng, dẫn đến mức chi phí tăng thêm 15,12 tỷ đồng.

Ngoài ra, mặc dù lợi nhuận gộp của Gỗ Trường Thành trong kỳ đạt 106,05 tỷ đồng, tăng 9,81 tỷ đồng so với trước đó, nhưng chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp vẫn là gánh nặng lớn. Đặc biệt, chi phí tài chính giảm mạnh từ 9,49 tỷ đồng còn âm 3,33 tỷ đồng do giảm chi phí lãi vay, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng lên 58,6 tỷ đồng.

Chi tiết hơn về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2024, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 699,24 tỷ đồng, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy lợi nhuận gộp tăng 15%, tương ứng tăng thêm 13,86 tỷ đồng, lên 106,05 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp vẫn không đủ để bù đắp các chi phí tài chính và quản lý.

Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi (bao gồm lợi nhuận gộp trừ chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp) vẫn ghi nhận mức lỗ 14,58 tỷ đồng, mặc dù đã cải thiện so với mức lỗ 63,94 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2023.

Mục tiêu năm 2024 của Gỗ Trường Thành là đạt doanh thu 2.012 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 57 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, doanh nghiệp vẫn còn cách xa kế hoạch này khi chỉ trong 6 tháng đầu năm đã lỗ 5,45 tỷ đồng. Điều này khiến cho tổng lỗ lũy kế của công ty tính đến ngày 30/6/2024 đã chạm mức 3.241,33 tỷ đồng, tương đương 78,8% vốn điều lệ.

Trong bối cảnh tiếp tục lỗ lũy kế và gánh nặng nợ nần, Gỗ Trường Thành cần phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc cân đối tài chính và cải thiện hiệu quả hoạt động. Việc vay vốn từ các ngân hàng ngoại có thể giúp doanh nghiệp bổ sung dòng vốn lưu động, tuy nhiên, bài toán về giảm thiểu chi phí, đặc biệt là chi phí quản lý và dự phòng, vẫn là yếu tố then chốt để giúp Gỗ Trường Thành ổn định và hướng tới các mục tiêu dài hạn trong năm 2024.

Ở một diễn biến khác, cũng vì nguyên nhân lỗ lũy kế tính đến cuối quý 2/2024 lên tới hơn 3.241 tỷ đồng, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã Quyết định giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu TTF theo Quyết định số 253/QĐ-SGDHCM ngày 19/4/2022.

Hiện tại, cổ phiếu TTF đang được giao dịch ở mức 3.420 đồng/cp (tính đến thời điểm 10h20 phiên giao dịch ngày 10/9, giảm khoảng 20% so với thời điểm hồi đầu năm.

Gỗ Trường Thành (TTF) muốn thay tên để "đổi vận"?

Mục đích thay đổi tên của Gỗ Trường Thành là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình định hướng phát triển của công ...

Vua gỗ một thời lại báo lỗ, thị giá cổ phiếu chưa bằng ly trà đá

Gỗ Trường Thành từng được xem là "vua gỗ", có vị thế hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm gỗ, nhưng mọi chuyện ...

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục