Lỗ kéo dài, các hãng hàng không “chạy đua” tìm kiếm nhà đầu tư

(Banker.vn) Các hãng bay Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines đang chạy đua tìm kiếm nhà đầu tư, đảm bảo vốn theo quy định nếu không muốn bị dừng hoạt động
Các hãng hàng không thế giới đối mặt với rào cản tăng doanh số Cổ phiếu của Vietnam Airlines bị đưa vào diện kiểm soát do lỗ liên tiếp Lỗ hơn 34.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines có nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu tại HOSE

Năm 2022, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã có những động thái tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines. Sau khi nhận toàn bộ cổ phần từ Qantas tặng lại, Vietnam Airlines đang sở hữu khoảng 98% cổ phần của hãng hàng không này. Hiện Vietnam Airlines đang sở hữu 98% cổ phần tại Pacific Airlines

Bên cạnh Pacific Airlines, Vietnam Airlines mới đây cũng thông tin muốn bán vốn tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec) - đơn vị cung cấp nhiên liệu bay chính tại thị trường trong nước cùng Petrolimex Aviation. Những thương vụ này có thể giúp hãng hàng không quốc gia giảm bớt một phần khó khăn, cải thiện hoạt động kinh doanh, dòng tiền, từng bước xoá lỗ luỹ kế và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cho công ty mẹ.

Lỗ kéo dài, các hãng hàng không “chạy đua” tìm kiếm nhà đầu tư
Pacific Airlines bị lỗ nhiều năm liên tiếp và không đảm bảo vốn tối thiểu theo Nghị định 89

Cùng với Pacific Airlines, VASCO - một đơn vị thành viên của Vietnam Airlines, hiện cũng đang trong giai đoạn tái cơ cấu toàn diện. Cả 2 đơn vị này của Vietnam Airlines đều đang trong giai đoạn như: Tái cơ cấu tài sản, đội tàu bay, nguồn vốn… và tìm kiếm nhà đầu tư mới.

Riêng VASCO (hãng bay chuyên bay dòng ATR-72 chặng TP.HCM - Côn Đảo, Hà Nội - Điện Biên) đang trong giai đoạn chờ bán máy bay, đổi sang khai thác vận hành dòng máy bay thân hẹp như Airbus…

Trước đó, đầu tháng 8/2022, Cục Hàng không đã có công văn gửi hãng hàng không Pacific Airlines khuyến cáo và yêu cầu báo cáo việc đáp ứng điều kiện về giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trước ngày 10/8. Nguyên nhân là do hãng này Hãng này âm vốn và không duy trì được vốn tối thiểu theo Nghị định 89.

Theo quy định, điều kiện về vốn của một doanh nghiệp kinh doanh hàng không khai thác từ 11 - 30 máy bay đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế là 1.000 tỷ đồng Việt Nam; đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa là 600 tỷ đồng Việt Nam.

Tuy nhiên, Báo cáo tài chính có kiểm toán của Pacific Airlines năm 2020 và 2021, vốn chủ sở hữu của hãng bay này lần lượt âm 2.275 tỷ và âm 4.583 tỷ đồng. Như vậy, 2 năm liên tiếp Pacific Airlines đã không đáp ứng được điều kiện về vốn tối thiểu 600 tỷ đồng đối với doanh ghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không có đội máy bay từ 11 đến 30 chiếc. Nếu không duy trì vốn tối thiểu trong thời gian 3 năm liên tục thì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không bị hủy bỏ.

Còn Vietnam Airline, đến hết năm 2022, doanh nghiệp này đã lỗ luỹ kế gần 34.200 tỷ đồng. Cổ phiếu HVN của hãng đang tiến gần nguy cơ bị huỷ niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM vì âm vốn chủ sở hữu, lỗ ba năm liền.

Tại đại hội cổ đông năm 2022 của Vietnam Airlines ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines cho biết, Tổng công ty sẽ triển khai huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua phát hành trái phiếu trong nước hoặc ra quốc tế trong 2 năm 2023-2024 theo hình thức phù hợp và khả thi (phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng), vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước, vay tín dụng xuất khẩu.

Lỗ kéo dài, các hãng hàng không “chạy đua” tìm kiếm nhà đầu tư
Vietnam Airlines cùng hai đơn vị thành viên là Pacific Airlines và Vasco đang ráo riết tìm kiếm nhà đầu tư

Năm 2021, hãng hàng không Vietnam Airlines đã rơi vào nguy cơ trạng thái âm vốn chủ ở hữu, nhưng với sự hỗ trợ của Chính phủ bằng việc tăng vốn 8.000 tỷ đồng đã giúp Vietnam Airlines vượt qua ngưỡng không bị âm vốn chủ sở hữu và duy trì sự hiện diện trên sàn chứng khoán. Vốn chủ sở hữu năm 2021 sau báo cáo hợp nhất của Vietnam Airlines là hơn 500 tỷ đồng.

Theo văn bản của Cục Hàng không "Nếu Pacific Airlines không bổ sung thêm vốn để duy trì vốn tối thiểu theo Nghị định 89 thì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của hãng bay này sẽ bị hủy bỏ theo quy định của pháp luật".

Một hãng bay khác là Vietravel Airlines của đại gia du lịch Nguyễn Quốc Kỳ đang trong giai đoạn tìm kiếm nhà đầu tư mới. Theo ông Kỳ, hãng cũng may mắn đang được một số nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, Vietravel Airlines vẫn ưu tiên các nhà đầu tư trong nước và có thể đồng hành lâu dài với doanh nghiệp này.

Trước đó, Vietravel Airlines đã trình xin Chính phủ cho tăng vốn đầu tư lên hơn 7.600 tỷ đồng, gấp 6 lần hiện tại, trong đó chủ yếu để tăng quy mô đội tàu bay. Theo kế hoạch đến năm 2030, tổng vốn đầu tư dự án của Vietravel Airlines dự kiến đạt 8.252 tỷ đồng. Trong đó, các chủ sở hữu góp 2.000 tỷ đồng, phần còn lại đến từ nguồn lợi nhuận luỹ kế chưa phân phối và các nhà đầu tư trên thị trường...

Cùng với đó, hãng hàng không Bamboo Airways cũng muốn tìm thêm nhà đầu tư mới, nhà đầu tư chiến lược để phục vụ các kế hoạch phát triển tham vọng của hãng từ giữa năm ngoái. Hoạt động này được thúc đẩy sau sự cố của các lãnh đạo cấp cao Tập đoàn FLC.

Việc tái cơ cấu, tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia được các hãng hàng không chia sẻ là để bổ sung sức khỏe tài chính, đảm bảo hãng bay cạnh tranh phát triển trong cuộc đua khốc liệt trong giai đoạn sắp tới.

Hiện tại, mỗi hãng hàng không đều có những lợi thế riêng để hấp dẫn nhà đầu tư. Pacific Airlines thuộc Vietnam Airlines Group và sở hữu các slot bay đẹp tại các sân bay quan trọng như Nội Bài, Tân Sơn Nhất mà cũng các hãng ra đời sau không dễ kiếm được. Trong khi đó, Bamboo Airways lại là hãng hàng không tăng trưởng nhanh nhất khi chỉ sau 4 năm thành lập đã sở hữu đội bay 30 tàu với mạng bay phủ khắp thị trường nội địa và nhiều điểm đến quốc tế. Còn Vietravel Airlines lại gắn liền với hệ sinh thái của Vietravel, có sẵn nguồn khách hàng và các thị trường du lịch.

Mặc dù nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã bày tỏ mối quan tâm với các hãng hàng không Việt Nam tuy nhiên các hãng hàng không đều muốn ưu tiên tìm kiếm nhà đầu tư trong nước hoặc thông qua hình thức phát hành trái phiếu….

Lỗ kéo dài, các hãng hàng không “chạy đua” tìm kiếm nhà đầu tư
Một số hãng hàng không ưu tiên tìm kiếm nhà đầu tư trong nước hay phát hành trái phiếu

Lý giải vấn đề trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng theo qui định hiện hành, các hãng hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện về vốn, tổ chức bộ máy như nhà đầu tư nước ngoài không được chiếm quá 34% vốn điều lệ và thành viên là người nước ngoài không được vượt quá một phần ba tổng thành viên tham gia bộ máy điều hành. Qui định này chưa làm thỏa mãn mong muốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Việc nhiều hãng hàng không lỗ kéo dài, có hãng đã âm vốn sở hữu, nguyên nhân được chỉ ra do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc phải “đóng cửa các đường bay quốc tế”, giảm chuyến bay thị trường nội địa trong một thời gian dài, cùng với đó chi phí nhiên liệu tăng cao từ đầu năm 2022 đến nay đã làm các hãng hàng không bị thiếu tiền.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định với việc thị trường hàng không đang phục hồi nhanh chóng, đây là thời điểm tốt để các nhà đầu tư có tiềm lực tham gia vào lĩnh vực hàng không.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục