'Lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa: Bài 5 - Cần một cuộc cách mạng quản lý

(Banker.vn) Vụ gần 600 sản phẩm sữa giả cho thấy lỗ hổng quản lý nghiêm trọng. Và điều chúng ta cần lúc này không phải chỉ siết, mà là một cuộc cách mạng quản lý...
'Lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa - Bài 4: Việt Nam cần sớm học hỏi kinh nghiệm quốc tế 'Lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa: Bài 3 - Người nổi tiếng và trách nhiệm khi quảng cáo 'Lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa: Bài 2 - Tự công bố và hậu kiểm lỏng lẻo - kẽ hở chết người! Lấp 'lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa: Bài 1 - Còn nhiều bất cập!

Cơ chế “ba không” cần một điểm nối

Có những vụ việc không chỉ khiến dư luận phẫn nộ, mà còn đặt ra câu hỏi sâu hơn: Làm thế nào một sản phẩm được coi là “hợp pháp”, lại có thể tồn tại dưới dạng “giả”? Làm sao một loại hàng hóa có thể qua đủ các khâu công bố, quảng cáo, phân phối, lưu hành mà vẫn lọt qua toàn bộ hệ thống giám sát?

Vụ việc 600 sản phẩm sữa bột giả, với doanh thu gần 500 tỷ đồng, là một điển hình như thế.

Theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, đa phần các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó có nhiều sản phẩm dạng sữa được doanh nghiệp tự công bố thành phần, cam kết chất lượng và hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Do đó, sản phẩm khi lưu hành trên thị trường không cần kiểm định độc lập, không cần đánh giá rủi ro trước lưu hành. Quy trình hành chính gọn nhẹ, đã đặt toàn bộ niềm tin vào ý thức doanh nghiệp và phản ứng sau khi có dấu hiệu vi phạm.

Song vấn đề ở chỗ, khi sản phẩm có dấu hiệu bất thường, ai là người “gác cửa” cuối cùng? Bộ Y tế chịu trách nhiệm chuyên môn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giám sát nội dung quảng cáo. Bộ Công Thương quản lý thị trường, hoạt động thương mại điện tử. UBND tỉnh là đầu mối hậu kiểm địa phương.

Từng mắt xích đều có vai, nhưng thiếu một điểm nối xuyên chuỗi.

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết: “Bộ Công Thương không thực hiện việc cấp phép và quản lý các sản phẩm do Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược Dinh dưỡng Hacofood Group đang sản xuất, kinh doanh. Theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao".

'Lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa: Bài 5 - Cần một cuộc cách mạng quản lý
Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hoá vi phạm trong vụ sữa giả gần 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lực lượng Quản lý thị trường luôn nỗ lực giám sát thị trường, kịp thời ngăn chặn hàng hóa có dấu hiệu vi phạm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Thực tế cho thấy, lực lượng Quản lý thị trường đã chủ động kiểm tra thị trường, phát hiện nhiều sản phẩm nghi vấn, xử lý vi phạm và kiến nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan công an.

Điều này được minh chứng bằng những con số: Trong 4 năm (năm 2021 – 2024) lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 783 vụ; số tiền xử phạt hơn 2,2 tỷ đồng; số lượng hàng hóa vi phạm là 58.187 hộp, 451 thùng, 20.394 chai/lon. Điển hình như địa bàn Hà Nội đã kiểm tra và xử phạt 53 vụ với tổng số tiền phạt 546 triệu đồng; tổng số lượng hàng hóa tịch thu, tiêu hủy với mặt hàng sữa là 5.853 lon, hộp, chai… với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng.

Đối với vụ sữa giả gần 500 tỷ đồng bị Bộ Công an triệt phá, do không có thẩm quyền kiểm tra tại cơ sở sản xuất, hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường chỉ dừng lại ở khâu lưu thông và phân phối trên thị trường...

Ở chiều ngược lại, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình, đơn vị chuyên môn trong hệ thống ngành Y tế đã tiếp nhận 305 hồ sơ tự công bố sản phẩm từ các công ty liên quan, nhưng không tiến hành hậu kiểm bất kỳ sản phẩm nào trong số đó suốt ba năm qua. Theo lý giải, các doanh nghiệp đăng ký hồ sơ tại Hòa Bình nhưng không sản xuất tại địa phương, nên không có mẫu để kiểm tra, và cũng không có khiếu nại nào được gửi đến.

Tại Hà Nội, từ năm 2021 đến 2023, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm thành phố đã tiếp nhận tổng cộng 71 hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm từ hai Công ty Rance Pharma và Hacofood. Trong đó, 67 hồ sơ của Rance Pharma và 4 hồ sơ của Hacofood.

"Trong số 71 hồ sơ này chủ yếu là các sản phẩm dinh dưỡng và không có hồ sơ nào là sản phẩm dành cho người tiểu đường, người suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai", ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm thông cho biết.

Đối với công tác hậu kiểm, theo đại diện Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Hà Nội, đơn vị này thường xuyên có những đợt kiểm tra, giám sát để phát hiện những vi phạm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở lưu thông hàng hóa.

Từ năm 2021 đến nay, đơn vị này đã kiểm tra 200 cơ sở sản xuất sữa và thực phẩm bổ sung trên địa bàn Thủ đô và xử phạt 28 cơ sở, với số tiền trên 1,7 tỷ đồng.

"Khi kiểm tra hậu kiểm thì không chỉ mỗi xử phạt liên quan chất lượng sản phẩm, mà còn liên quan con người, cơ sở sản xuất, thiết bị có vi phạm gì theo hướng dẫn luật an toàn thực phẩm", ông Trung nói.

Đáng chú ý, theo ông Trung, trong năm 2023, Chi cục đã tiến hành kiểm tra các sản phẩm của 2 công ty liên quan đến vụ việc sản xuất sữa giả. Trong đó, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu ngẫu nhiên theo xác suất các sản phẩm ở trong kho: 4 mẫu của Rance Pharma và 1 mẫu của Hacofood.

"Công tác hậu kiểm căn cứ theo hướng dẫn ở Nghị định 15, quản lý dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Kiểm nghiệm những yếu tố nào ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân, cụ thể là các chỉ tiêu an toàn. Trong lần kiểm tra này, kết quả kiểm nghiệm của các mẫu đều đạt các chỉ tiêu an toàn", ông Trung thông tin.

Rào chắn kiểm nghiệm chưa phát huy hiệu quả

Đối với giấy công bố sản phẩm, nếu xem đây là điểm khởi đầu, thì kiểm nghiệm phải là rào chắn cuối cùng trước khi sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng. Nhưng trong hệ thống hiện nay, rào chắn ấy gần như đã bị vô hiệu hóa, không phải vì yếu chuyên môn, mà vì không được trao đủ quyền, công cụ và cơ chế hậu kiểm định kỳ.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: “Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Trung tâm, Trung tâm chủ yếu tập trung công tác kiểm nghiệm về thuốc, mỹ phẩm. Trung tâm có thực hiện các mẫu thuốc, mỹ phẩm, TPBVSK do các cơ quan Công an, Quản lý thị trường, thanh tra… gửi tới, thực hiện các chỉ tiêu theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, Trung tâm còn làm các chỉ tiêu khách hàng yêu cầu trên các mẫu được gửi tới. Kết quả chỉ đại diện cho mẫu gửi đến và được trả trực tiếp cho khách hàng.

“Đối với một sản phẩm, ví dụ thực phẩm bảo vệ sức khoẻ hoặc thực phẩm bổ sung, nhà sản xuất hoặc thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm căn cứ vào thành phần có trong sản phẩm và hàm lượng để xác định đâu là thành phần chính của sản phẩm, từ đó đưa ra các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm đáp ứng với các quy định hiện hành”, bà Nguyễn Thị Hồng Hà chia sẻ.

Từ đây có thể thấy, trung tâm kiểm nghiệm không được giao quyền hậu kiểm định kỳ, không có cơ chế chủ động kiểm tra chất lượng lô hàng đang lưu hành ngoài thị trường. Pháp luật hiện hành cũng chưa thiết lập cơ chế trao quyền phối hợp giám sát toàn tuyến cho các đơn vị kỹ thuật tuyến tỉnh.

Thêm vào đó, việc xác định đâu là “chất chính” - thành phần cốt lõi quyết định chất lượng lại do doanh nghiệp tự kê khai trong hồ sơ công bố, cơ quan kiểm nghiệm chỉ thực hiện thử nghiệm theo các chỉ tiêu đó.

Điều này tạo nên nguy cơ một mẫu sản phẩm gửi thử có thể đúng, nhưng các lô hàng khác đang lưu hành ngoài thị trường lại không đạt. Và khi ấy, phiếu kết quả kiểm nghiệm dù chính xác về mặt kỹ thuật, cũng không còn đủ sức bảo vệ người tiêu dùng khỏi rủi ro chất lượng.

Ở góc độ quản lý thị trường, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Văn Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, thẳng thắn chia sẻ về những khó khăn thực tế trong công tác kiểm tra mặt hàng sữa. "Khi phát hiện nghi vấn về chất lượng sản phẩm sữa (như nghi ngờ sữa giả, sữa kém chất lượng), lực lượng Quản lý thị trường phải tiến hành thu thập, thẩm tra, xác minh các thông tin liên quan đến đối tượng và hành vi vi phạm theo quy định của Pháp lệnh Quản lý thị trường”, ông Ngọc cho biết.

Theo ông Ngọc, nếu có đủ căn cứ xác định sản phẩm lưu thông trên thị trường là sữa giả hoặc sữa kém chất lượng, lực lượng mới được phép kiểm tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, để xác định được hành vi vi phạm, quá trình xác minh không đơn giản. Đối với hành vi giả về chất lượng, lực lượng cần tiến hành lấy mẫu sản phẩm, tổ chức kiểm nghiệm, kiểm định thành phần để có kết luận khoa học. Còn đối với hành vi giả mạo nhãn hiệu, cần xin ý kiến tham vấn từ cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu để xác định yếu tố vi phạm.

Lo ngại "giả của chính mình" - hệ quả ngược từ quy định chất chính dưới 70%

Một vấn đề nữa được dư luận và các doanh nghiệp sản xuất đặc biệt quan tâm, là quy định tại điểm b, khoản 7, Điều 3, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ, quy định về hàng giả: "Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa".

Trong vụ sữa giả 500 tỷ đồng bị Bộ Công an triệt phá nói trên, cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả. Sau khi vụ án bị triệt phá, không ít doanh nghiệp bày tỏ lo ngại, một số chất trong các sản phẩm là thực phẩm bổ sung có thể bay hơi, suy giảm hàm lượng dẫn tới không bảo đảm chất lượng, dưới 70%; doanh nghiệp từ đó có nguy cơ vướng vòng lao lý về tội sản xuất hàng giả, như cách vẫn nói nôm "giả của chính mình".

Dưới góc độ quản lý tại địa phương, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: Theo chức năng nhiệm vụ thì Trung tâm không có quyền hạn yêu cầu nhà sản xuất về vấn đề trên, tuy nhiên trong quá trình thử nghiệm nếu có phản ánh của nhà sản xuất về vấn đề trên Trung tâm sẵn sàng hợp tác để tìm ra nguyên nhân ảnh hưởng đến các vấn đề chất lượng của sản phẩm.

Một ví dụ được bà Nguyễn Thị Hồng Hà dẫn chứng, là: "Trước kia Trung tâm cũng đã tìm ra nguyên nhân giảm hàm lượng của 1 số vitamin tan trong nước bị giảm hàm lượng trên các sản phẩm viên nang mềm, do vỏ nang mềm có thể hấp thụ một phần các vitamin này".

Như vậy, những lo ngại về việc sản phẩm "tự suy hao thành hàng giả", tức bị đánh giá sai lệch chỉ vì yếu tố kỹ thuật ngoài kiểm soát là hoàn toàn có cơ sở. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có hướng dẫn thống nhất về ngưỡng dung sai, điều kiện bảo quản và đánh giá hàm lượng chất chính, để phân biệt rạch ròi giữa sai phạm cố ý và rủi ro kỹ thuật hợp lý. Một hàng rào pháp lý không rõ ràng, đôi khi lại trở thành vòng xoáy pháp lý khiến chính những người làm thật cũng phải thấp thỏm.

Một cuộc cách mạng không thể chậm trễ

Sau vụ sữa giả quy mô 500 tỷ đồng bị triệt phá, gây chấn động dư luận và phơi bày hàng loạt kẽ hở quản lý như Báo Công Thương đã đề cập xuyên suốt tuyến bài “Lỗ hổng” quản lý thực phẩm sữa; ngày 17/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 40/CĐ-TTg, nhằm tăng cường trách nhiệm các bộ, cơ quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả trong đó có sản phẩm sữa.

Cụ thể, ngoài yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, tăng cường quản lý thị trường, xử lý các hoạt động quảng cáo, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết.

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, tăng cường biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm.

Công điện số 40/CĐ-TTg được ban hành đúng lúc, trong thời điểm niềm tin thị trường đang bị thử thách nghiêm trọng, là một chỉ đạo kịp thời và cần thiết từ người đứng đầu Chính phủ. Nhưng sâu xa hơn, đây còn là cơ hội để khởi động một cuộc cải cách nền tảng: Thiết lập lại cơ chế quản lý theo hướng rõ người - rõ việc - rõ trách nhiệm - rõ đầu mối phối hợp, đúng với tinh thần phân công, phân cấp, phân quyền trong Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi.

Không thể tiếp tục tình trạng “nhiều nơi cùng giám sát, nhưng không nơi nào chịu trách nhiệm đến cùng”. Hậu kiểm không thể treo lơ lửng như mây giữa trời trách nhiệm. Quản lý quảng cáo không thể để ngôn từ thương mại lấn át đạo lý ngành hàng. Cơ chế không rõ ràng thì dù có đủ luật, vẫn dễ hình thành vùng trũng của trách nhiệm, nơi sai phạm lọt lưới, còn người dân phải tự bơi trong hoang mang.

Công điện đã phát tín hiệu. Giờ là lúc cả hệ thống phải nhập cuộc, đồng bộ, thực chất và không thể trì hoãn. Bởi nếu tiếp tục lặng im, thì câu hỏi cuối cùng sẽ vang lên như một hồi chuông không thể né tránh, như lời của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “Một mâm cơm 5 người quản lý thì ai chịu trách nhiệm?”

Gần 600 sản phẩm sữa giả đã lọt qua tất cả các tầng quản lý, từ tự công bố đến quảng cáo, phân phối. Nhưng câu hỏi lớn hơn là: Ai chịu trách nhiệm? Khi từng cơ quan chỉ giữ một khâu, nhưng không nơi nào kết nối toàn chuỗi, thì sai phạm dễ lọt, còn niềm tin thì rơi. Điều thị trường cần không chỉ là siết, mà là một cuộc cách mạng quản lý: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ đầu mối điều phối. Và điều đó, không thể trì hoãn.

Nhóm phóng viên

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục