Lộ diện 'quân bài tẩy' kéo Fecon (FCN) khỏi đà giảm tốc về lợi nhuận

(Banker.vn) Việc thoái vốn dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo thành công đã "cứu nguy" cho lợi nhuận quý IV/2022 của Công ty CP FECON (Fecon, HOSE: FCN). Quý này, Fecon đã bỏ túi 49,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - là khoản lãi theo quý cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Phan Vũ Group - công ty mẹ của Khoáng sản Fecon (FCM) huy động 110 tỷ đồng trái phiếu

“Quân bài tẩy” cho lợi nhuận

Ba tháng cuối năm 2022, tình hình kinh doanh của Fecon kém sáng khi doanh thu thuần giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, còn 838 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm 55%, còn 62 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 10,7% còn 7,4%.

Trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi ảm đạm thì hoạt động tài chính quý này đột khởi với 123 tỷ đồng doanh thu (cùng kỳ lỗ 343 triệu đồng). Doanh thu này đến từ thương vụ được mong đợi nhất năm 2022 của Fecon: thoái vốn dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Thêm nữa, công ty cũng bỏ túi 25 tỷ đồng lợi nhuận khác, nhờ vào việc chia sẻ đường dây điện ở dự án điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng.

Nhờ có doanh thu tài chính đột biến, nên dù các loại chi phí gia tăng mạnh (chi phí tài chính 65 tỷ đồng, tăng 35%; chi phí bán hàng 9 tỷ đồng, tăng 50%; chi phí quản lý 73 tỷ đồng, tăng 14%), Fecon vẫn có lợi nhuận trước thuế đạt 63,7 tỷ đồng, tăng 3,5 lần và lợi nhuận sau thuế 49,3 tỷ đồng, đảo chiều ngoạn mục so với khoản lỗ 272 triệu đồng của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lợi nhuận sau thuế theo quý cao nhất trong 2 năm qua của Fecon.

Fecon
Năm 2022, Fecon "vỡ" kế hoạch kinh doanh táo bạo khi chỉ đạt 18% chỉ tiêu lợi nhuận. Ảnh minh hoạ

Nhờ quý IV rất tốt, doanh thu thuần lũy kế năm 2022 đạt 3.043 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước. Trong hoàn cảnh bất lợi của thị trường xây dựng, biên lợi nhuận gộp của Fecon giảm nhẹ, đạt 11,7%, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 358 tỷ đồng.

Và nhờ khoản doanh thu tài chính rất lớn (161 tỷ đồng, phi mã 8,5 lần), Fecon đã kết thúc năm 2022 với lợi nhuận trước thuế 77,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 51,3 tỷ đồng, lần lượt giảm 29% và giảm 27% so với năm trước.

Năm 2022, Fecon trình một kế hoạch kinh doanh táo bạo với doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 280 tỷ đồng, đều là những con số kỷ lục từ trước tới nay. Tuy nhiên, với kết quả trên, doanh nghiệp mới chỉ đạt 18% mục tiêu lợi nhuận và 61% kế hoạch doanh thu.

Dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Fecon đạt 7.566 tỷ đồng, tăng thêm 71 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.923 tỷ đồng, tăng 3,6%. Các khoản phải thu dài hạn đạt 394 tỷ đồng, tăng 7 lần. Hàng tồn kho đạt 1.674 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng. Tổng giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu đạt 4.991 tỷ đồng, chiếm 66% tổng tài sản.

Nợ phải trả tại ngày cuối năm 2022 đạt 4.103 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Cơ cấu nợ có điểm đáng chú ý là nợ vay đã tăng 9%, đạt 2.705 tỷ đồng.

Với vốn chủ sở hữu rất dày, đạt 3.463 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ là 1,18 lần.

Một điểm đáng chú ý là dòng tiền kinh doanh năm 2022 của Fecon tiếp tục âm 209 tỷ đồng, chủ yếu do giảm các khoản phải trả và chi trả lãi vay. Dòng tiền kinh doanh âm vốn là “căn bệnh kinh niên” của doanh nghiệp xây dựng này. Kể từ năm 2014 đến nay (ngoại trừ năm 2020, dòng tiền kinh doanh dương 88 tỷ đồng), dòng tiền kinh doanh của Fecon luôn luôn là số âm, lần lượt là: -60 tỷ đồng, -200 tỷ đồng, -121 tỷ đồng, - 58 tỷ đồng, -157 tỷ đồng, -29 tỷ đồng, -110 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong năm, do có 373 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu, Fecon đã giảm được quy mô dòng tiền vay/trả xuống 3.012 tỷ đồng/2.775 tỷ đồng, giảm 28% và 13%.

Song với việc đẩy mạnh chi đầu tư, lưu chuyển tiền thuần cả năm đã âm 141 tỷ đồng. Điều này khiến tiền và tương đương tiền cuối năm sụt giảm 45%, chỉ còn 171 tỷ đồng.

Yến Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục