Lô cà phê đặc sản đầu tiên chuẩn bị được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản

(Banker.vn) Ngày 5/7, lô container cà phê đặc sản đầu tiên của Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp cần lưu ý gì? 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê vượt mốc 2 tỉ USD

Theo đó, lô hàng của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) xuất khẩu cho một khách hàng tại Nhật Bản.

Trước đó, vào năm 2021, doanh nghiệp này cũng đã xuất nguyên container hàng đặc sản đi thị trường châu Âu.

Vùng trồng cà phê đặc sản xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak)
Vùng trồng cà phê đặc sản xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak). Ảnh do doanh nghiệp cung cấp

Cà phê đặc sản là một loại cà phê đến từ các vùng trồng có điều kiện tự nhiên đặc biệt. Quy trình chăm sóc, thu hoạch và chế biến của cà phê đặc sản tuân theo các tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI). Để được coi là cà phê đặc sản, sản phẩm này phải đạt từ 80 điểm trở lên trong quá trình đánh giá.

Cà phê đặc sản trong lô hàng này được trồng tại Hợp tác xã Eatan - Krongnang, với độ cao trên 800m so với mặt nước biển. Vùng trồng này có nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho cây cà phê phát triển và cho ra một loại cà phê chất lượng vượt trội.

Sau khi được hái chín bằng tay với tỷ lệ 100%, cà phê được chế biến, sau đó được rửa sạch qua hai lần nước và sẽ được kiểm soát quá trình lên men nguyên trái với phương pháp chế biến tự nhiên Anaerobic Natural, từ đó tạo ra những hương vị đặc trưng và độc đáo cho cà phê.

Cuối cùng, cà phê sẽ trải qua giai đoạn phơi chậm để loại bỏ độ ẩm và đạt được độ ổn định cần thiết. Để bảo quản hương vị lâu hơn, cà phê sau quá trình chế biến sẽ được bảo quản trong kho mát. Tất cả quá trình trên nhằm tạo ra những hương vị mới và độc đáo cho cà phê đặc sản, đồng thời giữ được chất lượng và hương vị của cà phê trong thời gian dài.

Ông Lê Đức Huy - Tổng giám đốc Simexco Daklak - cho hay, khách hàng mua cà phê đặc sản thường rất khắt khe và đòi hỏi sự ổn định chất lượng cho cả lô hàng. Để đáp ứng được yêu cầu này, Simexco đã dành nhiều năm để khách hàng có thể thử nghiệm và duyệt mẫu trước khi xuất đơn hàng này.

Bên cạnh đó, giá trị của cà phê đặc sản thường cao hơn nhiều lần so với cà phê thương mại. Điều này thể hiện sự độc nhất và phẩm chất vượt trội của sản phẩm trong thời buổi đa dạng các loại mẫu mã hàng hóa trên thị trường cà phê trong nước và quốc tế. Một số sản phẩm cà phê đặc sản thậm chí có giá trị lên đến 310.000 - 430.000 đồng/kg (được định giá trong cuộc đấu giá cà phê đặc sản đầu tiên tại Việt Nam).

“Đối tác Nhật Bản (khách hàng lâu năm của công ty) trước đó chủ yếu mua các mặt hàng cà nhân xanh thương mại (Arabica và Robusta), nhưng sau khoảng thời gian dài tìm hiểu, khảo sát và kiểm tra chất lượng sản phẩm của Simexco Daklak, khi nhận thấy đây là một mặt hàng mới đầy tiềm năng phát triển thì họ quyết định đặt hàng để mở rộng thêm tại thị trường trong nước”, ông Lê Đức Huy chia sẻ.

Lô cà phê đặc sản đầu tiên chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản
Cà phê đặc sản của Việt Nam chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh do doanh nghiệp cung cấp

Nhật Bản là thị trường lớn của cà phê Việt Nam nói chung và Simexco nói riêng. Cụ thể lượng cà phê mà Simexco xuất sang thị trường Nhật Bản niên vụ 2019 - 2020 đạt 15.425 tấn; niên vụ 2020 - 2021 đạt 15.345 tấn; niên vụ 2021 - 2022 đạt 24.160 tấn.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 48,68 nghìn tấn, trị giá 128,57 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái; giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Nhật Bản ở mức 2.641 USD/tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica của Việt Nam sang Nhật Bản giảm; ngược lại, xuất khẩu cà phê chế biến sang Nhật Bản tăng.

Trong thời điểm nền kinh tế toàn cầu tiến vào giai đoạn suy thoái thì việc xuất khẩu được lô hàng lớn lần này mang ý nghĩa rất lớn. Theo đó, việc này không chỉ nâng cao vị thế của ngành cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, đây còn là minh chứng cho việc cà phê Robusta Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu khó và khắt khe của mọi khách hàng trên toàn thế giới.

Đồng thời, việc sản xuất và tiêu thụ cà phê đặc sản sẽ đem đến giá trị gia tăng cao, giúp thay đổi hướng sản xuất của nông dân và tạo ra cơ hội thu nhập bền vững.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương