Linh hoạt ứng phó với biến động tỷ giá

(Banker.vn) Biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay đã có tác động nhiều chiều đến hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
“Biến động tỷ giá chỉ là tạm thời” Linh hoạt ứng phó với biến động tỷ giá

Doanh nghiệp lo lắng

Hiện tại, những biến động mạnh của các cặp tỷ giá là yếu tố vượt dự báo của nhiều doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, tỷ giá ngoại tệ có nhiều biến động khiến doanh nghiệp lo lắng, dù đồng USD tăng giá khiến doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang đồng Việt Nam sẽ tăng, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp khi sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu và giá USD tăng khiến doanh thu bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải (logistics), kho bãi và phải gánh khoản chênh lệch giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.

Ứng phó với biến động tỷ giá (Trùng tít)
Biến động tỷ giá ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp

Ông Nguyễn Tiến Chương - Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai - cho biết, những biến động tỷ giá hiện nay tác động tới lợi nhuận, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhất là đối với các đơn hàng xuất khẩu. Việc các ngoại tệ như Euro, đồng Yen xuống giá… sẽ tác động tới tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp vào những thị trường này. Khi tỷ giá sụt giảm cộng với các chi phí về vận tải, nhân công tăng có thể khiến doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận, thậm chí phải bù lỗ.

Bên cạnh đó, theo TS. Huỳnh Thanh Điền - Chuyên gia tài chính, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, việc đồng nội tệ yếu kéo lạm phát lên cao tại EU sẽ dẫn tới sức mua yếu, người tiêu dùng EU có thể sẽ hạn chế chi tiêu, nhất là với các mặt hàng không thiết yếu. Từ đó sẽ giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu.

Cách nào ứng phó?

Thạc sỹ Phan Minh Hòa - Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT khuyến nghị rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá và cập nhật tình hình lạm phát, lãi suất, tác động của dịch bệnh, căng thẳng Nga - Ukraine... Từ đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và đa dạng hóa, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp có thể lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, sử dụng những công cụ tài chính phái sinh như: Mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (SWAP), đảm bảo cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tìm hiểu, lưu ý đến công cụ phái sinh (Derivative instrument). Đây là công cụ tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc vào một tài sản cơ sở đã được phát hành trước đó. Các doanh nghiệp có thể tham khảo công cụ này một cách phù hợp, đúng quy định để giảm bớt rủi ro khi giao dịch xuất khẩu trong bối cảnh tỷ giá hối đoái đang có nhiều biến động.

Thực tế ở các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Đồng Nai, ông Nguyễn Tiến Chương cho biết, các doanh nghiệp đang chú trọng gia tăng sức cạnh tranh bằng việc tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Đặc biệt, với các công ty nhập khẩu, họ chọn việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm các đối tác thay thế từ trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí, hạn chế rủi ro khi thị trường thế giới biến động.

Còn với ngành hàng thủy sản, đại diện của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đang chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp

Thanh Thanh

Theo: Báo Công Thương