Liên tục lập đỉnh, giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất trong vòng 15 năm

(Banker.vn) Trên các Sở Giao dịch hàng hóa và trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu thời gian qua liên tục đạt đỉnh và đạt mức cao nhất trong vòng 15 năm.
Giá gạo xuất khẩu sẽ tăng đến đâu? Giá gạo xuất khẩu có khả năng vượt mốc 600 USD/tấn

Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng vọt

Theo cập nhật mới nhất từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa tuần giao dịch 31/07 - 04/08, trên Sở Chicago, gạo thô kỳ hạn tháng 09 là mặt hàng nông sản duy nhất chốt tuần trong sắc xanh, với mức tăng 2,08% lên 313,96 USD/tấn.

Còn tại Việt Nam, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 04/08, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta tiếp tục tăng 20 USD/tấn và vượt mức 600 USD/tấn, lên 618 USD/tấn, thu hẹp khoảng cách với gạo Thái Lan chỉ còn 7 USD/tấn. Cùng với đó, gạo 25% tấn cũng đã tăng thêm 20 USD/tấn so với ngày trước đó, lên 598 USD/tấn, bỏ xa các đối thủ cùng khu vực là Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan. Như vậy, giá gạo xuất khẩu Việt Nam hiện đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2008.

Liên tục lập đỉnh, giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất trong vòng 15 năm
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ tháng 6/2020 đến nay

Sau khi Chính phủ Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm và 25% tấm xuất khẩu của nước ta đã liên tục tăng mạnh từng ngày. Chỉ trong vòng nửa tháng, các mặt hàng gạo xuất khẩu trọng điểm đã tăng đến gần 100 USD/tấn.

Tính đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu khoảng 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về cơ cấu nhập khẩu, Philippines tiếp tục là nhà mua hàng gạo lớn nhất của nước ta, chiếm 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong nửa đầu năm.

Theo sau là Trung Quốc, nhập khẩu hơn 16% và Indonesia chiếm 11,6% tổng lượng xuất khẩu. Thị trường châu Âu tuy chỉ đạt tỷ lệ nhỏ khoảng 2% nhưng vẫn tăng trưởng mạnh. Thị trường châu Phi thậm chí tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Liên tục lập đỉnh, giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất trong vòng 15 năm
Giá gạo nội địa và xuất khẩu liên tục tăng cao những ngày qua

Ở thị trường trong nước, những ngày qua, giá gạo có xu hướng tăng cao từng ngày. Giá lúa ngày 7/8/2023 tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang lúc 10h30 ngày 7/8/2023, giá nếp An Giang tươi ở mức 6.300 - 6.600 đồng/kg; nếp Long An (tươi) ở mức 6.700 – 7.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; nếp AG (khô) ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; nếp Long An (khô) có giá 7.700 - 7.900 đồng/kg; lúa IR 50404 đạt 6.900 – 7.250 đồng/kg lúa tươi, tăng 150 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 đạt 7.000 – 7.300 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 5451 đạt 7.100 – 7.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 18 đạt 7.500 – 7.800 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg…

Giá gạo nếp ruột đạt 14.000 – 16.000 đồng/kg; giá gạo thường đạt 11.500 – 12.500 đồng/kg; gạo Nàng Nhen đạt 23.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài đạt 18.000 – 19.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine đạt 14.000 – 15.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 14.500 đồng/kg…

Trong khi đó, giá lúa tại một số địa phương như Sóc Trăng, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, giá lúa tiếp tục tăng. Cụ thể, ở Sóc Trăng, giá lúa Đài thơm 8 ở mức 8.100 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; RVT là 7.800 đồng/kg, cũng tăng 200 đồng/kg; OM 5451 tăng 100 đồng/kg, lên mức 7.800 đồng/kg.

Giá lúa ở Hậu Giang cũng có sự tăng khá như: IR 50404 lên 8.000 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg; RVT là 8.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 là 8.500 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg.

Giá lúa tại Tiền Giang như: IR 50404 ở mức 7.200 đồng/kg, lúa Jasmine ở mức 7.200 đồng/kg; riêng OC10 tăng 200 đồng/kg lên mức 7.200 đồng/kg.

Giá lúa tại Kiên Giang cũng có sự tăng giá ở nhiều loại như: IR 50404 ở mức 6.600 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 5451 là 6.900 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg

An ninh lương thực thế giới bị đe dọa?

Theo MXV, thế giới đang chứng kiến tình hình báo động về các mối đe dọa tới an ninh lương thực toàn cầu. Thời tiết cực đoan do hiện tượng El Nino gây ra cùng với việc Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen đã làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát giá lương thực.

Lo ngại càng gia tăng khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, chiếm khoảng 1/4 sản lượng cả quốc gia. Trước đó, ước tính Ấn Độ có thể xuất khẩu 20 – 22 triệu tấn gạo mỗi năm mà không ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước. Tuy nhiên, với tình hình nhu cầu tăng cao, các nhà hoạch định chính sách dự báo con số thực tế có thể lên tới 30 triệu tấn nếu không áp dụng những chính sách hạn chế. Mới đây, ông Ramesh Chand, thành viên của Ủy ban chính sách Ấn Độ phát biểu rằng, nước này sẽ chỉ xem xét lại lệnh cấm xuất khẩu gạo một khi nhu cầu thế giới giảm xuống.

Không chỉ đến từ nguồn cung, mối quan tâm về an ninh lương thực còn thể hiện qua các chính sách hỗ trợ nhập khẩu của các nước. Philippines có thể sẽ gia hạn việc giảm thuế nhập khẩu với gạo sau năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính nước này cho biết. Những thách thức về phía nguồn cung tại Việt Nam, thị trường cung cấp gạo lớn nhất của Philippines và tác động của mô hình El Nino đối với vụ thu hoạch trong nước sẽ tiếp tục làm gia tăng áp lực lạm phát giá lương thực.

Đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống

Trên thị trường nội địa, giá gạo xuất khẩu tăng cao cũng liên tục thúc đẩy giá lúa trong nước. Thậm chí, tại một số địa phương xuất hiện hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý.

Trước tình trạng ngày, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu quy hoạch các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa. Theo dõi tình hình thời tiết, dịch bệnh, điều chỉnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm; thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Theo dõi sát diễn biến thị trường gạo, sản xuất theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng lúa, gạo trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương