Liên tiếp tin vui xuất khẩu trái cây: Cơ hội mới cho nông sản Việt

(Banker.vn) Liên tiếp đón nhận những thông tin tích cực trong xuất khẩu trái cây, việc này mở ra bước ngoặt lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Xuất khẩu trái cây khởi sắc, kỳ vọng đạt 4 tỷ USD trong năm 2023 Nông sản, trái cây Việt có thua Thái Lan tại thị trường Trung Quốc?

Ngày 16/6, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng chính ngạch đầu tiên 360 tấn sang thị trường Trung Quốc. Theo đó, 20 xe container chở 360 tấn sầu riêng (giống Dona và Ri6) đã xuất bến sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ thông qua cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc được lựa chọn với nhiều tiêu chí khắt khe, quả phải tròn và đảm bảo độ chín già
Sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc được lựa chọn với nhiều tiêu chí khắt khe, quả phải tròn và đảm bảo độ chín già

Với diện tích hơn 11.345ha, Đồng Nai được xem là "thủ phủ" trồng sầu riêng của Đông Nam Bộ với tổng sản lượng đạt gần 69.000 tấn. Đến nay, toàn tỉnh có 6 cơ sở đóng gói, 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích 820ha được cấp mã vùng trồng, sản lượng khoảng 20.000 tấn được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, hiện có 61 vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 2.000ha và 4 cơ sở đóng gói sầu riêng đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số.

Ở đầu cầu phía Bắc, chiều 15/6, 56 tấn vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua Ga đường sắt liên vận quốc tế Kép (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Đây là lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu qua đường sắt sang thị trường Trung Quốc.

Huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) là vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh và khu vực phía Bắc với trên 28.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó cây trồng chủ lực là vải thiều có tổng diện tích trên 17.000 ha sản xuất chuyên canh. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được trên 25.000 tấn quả tươi, trong đó 54% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 46% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nhiều nhất là thị trường Trung Quốc.

xuất khẩu vải thiều bằng đường sắt
xuất khẩu vải thiều bằng đường sắt

Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - cho hay, ga Kép của tỉnh Bắc Giang được khai thác hoạt động liên vận quốc tế đã mở ra kênh vận tải mới, một hướng đi mới thuận lợi cho các doanh nghiệp vận chuyển tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc. Đây cũng là giải pháp huyện Lục Ngạn thực hiện đa dạng hóa thị trường, đổi mới phương thức tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều qua đường sắt, giảm phụ thuộc, áp lực cho các cửa khẩu đường bộ.

Về tầm nhìn lâu dài, do hệ thống đường sắt liên vận quốc tế hiện nay và trong tương lai sẽ kết nối lưu thông với hầu hết các cảng biển lớn và các nước trong khu vực, giữa nước bạn Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, Trung Á, Nam Á, Tây Á, Trung Đông, viễn Đông... mở ra khả năng đưa sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đi sâu vào thị trường nội địa rộng lớn của Trung Quốc và các nước.

Ở mảnh đất miền Trung, ngày 14/6, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm, trụ sở tại huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đã hoàn tất các thủ tục xuất khẩu 6 tạ quả vải không hạt sang Nhật Bản và 5 tạ sang Vương quốc Anh bằng đường hàng không.

Đây là giống vải nhập khẩu từ nước ngoài, được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp chọn tạo, trồng thử nghiệm tại xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc.

Năm 2023 là năm đầu tiên Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm thu hoạch vải này. Số quả vải vừa được xuất khẩu được công ty tuyển chọn kỹ theo các tiêu chí: vỏ mỏng, căng mọng, không sâu đầu, ăn thơm, ngọt đậm, đưa vào dây chuyền xông hơi khử trùng, rồi đóng hộp xuất khẩu.

Việc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm vừa xuất khẩu lô vải không hạt đầu tiên sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh là dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Vải không hạt Thanh Hóa đi máy bay sang Anh, Nhật Bản - Ảnh 2. Thu hoạch vải không hạt ở xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc - Ảnh: CTV
Thu hoạch vải không hạt ở xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 5/2023 đạt 600 triệu USD, tăng 53,3% so với tháng 4/2023 và tăng 137,7% so với tháng 5/2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,97 tỷ USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi nhiều mặt hàng nông sản có dấu hiệu sụt giảm xuất khẩu, riêng ngành hàng rau quả tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan. Hầu hết các chủng loại rau quả xuất khẩu đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tốt trong 5 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, sầu riêng tăng trưởng mạnh nhất, sau đó là thanh long, chuối, xoài, mít… Ngoài ra còn có dưa hấu, vải thiều. Về cơ cấu thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu số 1, chiếm gần 59% thị phần, thứ hai là Hoa Kỳ, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan…

Đáng chú ý, sau khi Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu quả sầu riêng chính ngạch, thì trái sầu riêng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – đánh giá, việc mở rộng kênh vận chuyển bằng đường biển, đường sắt sẽ giúp giảm tình trạng ùn ứ ở các cửa khẩu biên giới khi nông sản, trái cây vào chính vụ. Với đà tăng của xuất khẩu rau quả như hiện nay, dự báo năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tăng 20 - 30% so với năm 2022.

Các chuyên gia đánh giá, việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng Đồng Nai, vải không hạt Thanh Hóa hay việc mở thêm kênh vận chuyển mới cho trái vải Bắc Giang đã mở ra bước ngoặt quan trọng cho nông sản các tỉnh, thành. Với việc đa dạng hóa thị trường, đổi mới phương thức tiêu thụ, đa dạng phương thức vận chuyển giúp nông sản Việt tự tin xuất ngoại, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mang lại lợi ích cho người nông dân.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương