Liên minh châu Âu đạt thỏa thuận quan trọng về cải cách thị trường điện

(Banker.vn) Báo Le Monde cho biết sau nhiều tháng tranh cãi giữa Pháp và Đức về vấn đề điều tiết giá điện hạt nhân, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã đạt được thỏa thuận.
Tuần hàng Việt Nam tại Pháp: Cơ hội mới cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường châu Âu Nỗi lo về một cuộc khủng hoảng khí đốt mới bao trùm châu Âu

Báo Le Monde cho biết sau nhiều tháng tranh cãi giữa Pháp và Đức về vấn đề điều tiết giá điện hạt nhân, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã đạt được thỏa thuận.

Liên minh châu Âu đạt thỏa thuận quan trọng về cải cách thị trường điện
Pháp điều chỉnh giá điện hạt nhân nhằm bảo vệ lợi ích của người sử dụng. Ảnh: Reuters

Một văn bản mới đã được thông qua cho phép Pháp điều chỉnh giá điện hạt nhân nhằm bảo vệ lợi ích của người sử dụng, đồng thời ngăn chặn cạnh tranh không công bằng. Cụ thể như sau:
Không rõ Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói gì với nhau tại cuộc gặp ở Hamburg ngày 9 và 10/10, nhưng sự trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo dường như đã giúp EU tìm được lối đi sau nhiều tháng chứng kiến cảnh tranh cãi vô vọng giữa hai “đầu tàu” Đức-Pháp. Chỉ hơn một tuần trước, dự án cải cách thị trường điện châu Âu thực sự có vẻ rất tồi tệ chỉ vì sự chia rẽ giữa hai phía, trong đó “Đức cảm thấy mình thuộc về nhóm thiểu số”.
Tuy nhiên, trong cuộc họp ở Luxembourg ngày 17/10, các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu đã đạt được thỏa thuận mang tính pháp quy, cho phép hạn chế biến động giá điện và khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực năng lượng phi carbon.
“Đó là một chiến thắng của Pháp”, Điện Elysée khẳng định sau khi thỏa thuận được thông qua. Suốt hai năm qua, Pháp - cũng như Tây Ban Nha - đã kêu gọi EU cải cách nhằm cho phép các hộ gia đình và doanh nghiệp được hưởng lợi từ chi phí sản xuất tương đối thấp mà năng lượng hạt nhân hoặc năng lượng tái tạo có thể mang lại.
Trong khi đó các nước khác, nhất là Đức, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt, không muốn can thiệp vào các cơ chế đang có hiệu lực để đảm bảo an ninh nguồn cung. Nhưng cuộc xung đột ở Ukraine và tình trạng lạm phát ở châu Âu đã khiến mọi sự thay đổi. Nhu cầu ứng phó với Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, vốn cung cấp khoản trợ cấp trị giá 350 tỷ euro (370 tỷ USD) cho ngành công nghiệp xanh và mở rộng khoảng cách cạnh tranh giữa các công ty Mỹ và châu Âu, cũng đã dẫn đến các lập luận đòi cải cách.
Ngày 14/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một đề xuất làm cơ sở cho văn bản mà 27 nước thành viên vừa nhất trí thông qua (trừ Hungary bỏ phiếu trắng).
Văn bản mới hướng đến việc không làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của thị trường, cho phép đáp ứng nhu cầu – kể cả khi đạt đỉnh điểm – trên khắp lục địa mà không bị gián đoạn nguồn cung. Vẫn là nhà máy điện cuối cùng được kêu gọi đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, thường là một nhà máy điện khí, quyết định giá điện. Nhưng từ nay, EU khuyến khích việc sử dụng các hợp đồng dài hạn giữa một bên là các nhà sản xuất năng lượng carbon thấp và bên kia là các nhà công nghiệp hoặc Nhà nước. Mấu chốt của vấn đề là giá cả sẽ được ấn định từ trước, cho phép người tiêu dùng cân đối chi phí trong khi nhà cung cấp có thể tính toán được nguồn thu.

Liên minh châu Âu đạt thỏa thuận quan trọng về cải cách thị trường điện
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc gặp ở Berlin. Ảnh: THX/ TTXVN

Các tranh cãi chủ yếu tập trung vào vấn đề hợp đồng – còn gọi là hợp đồng chênh lệch (CFD) – sẽ có sự tham gia của nhà nước: nếu giá thị trường bán buôn cao hơn giá do CFD quy định, nhà sản xuất điện phải hoàn trả số tiền thu thêm cho Nhà nước. Về phần mình, Nhà nước sẽ sử dụng số tiền nhận được giúp đỡ các hộ gia đình hoặc các nhà công nghiệp. Ngược lại, nếu thấp hơn thì Nhà nước phải bù vào.
Đối với các nhà máy điện tương lai, năng lượng tái tạo hoặc hạt nhân, văn bản quy định việc sử dụng các CFD này là bắt buộc. Đối với các cơ sở điện hạt nhân hiện tại, vấn đề phức tạp hơn. Đức, nước đã từ bỏ điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima và hiện vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, lo ngại viễn cảnh Pháp sẽ dành ngân sách chu cấp cho việc “đại tu và kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hiện có”.
Đức lo ngại rằng EDF, tập đoàn điện lực quốc gia được Chính phủ Pháp trợ cấp, sẽ đưa ra một mức giá thu hút các nhà máy của Đức cung cấp điện cho nước láng giềng. Trong khi mô hình Đức trở nên suy yếu trầm trọng do không còn nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga và Trung Quốc ít cởi mở hơn trong xuất khẩu, Thủ tướng Olaf Scholz lo ngại rằng việc cải cách thị trường điện châu Âu sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh quá lớn cho Pháp.
Sau nhiều tháng “đấu tranh”, Đức và các đồng minh, trong đó có Luxembourg và Áo vốn kịch liệt phản đối điện hạt nhân, đã đạt được yêu sách rằng việc sử dụng CFD cho các cơ sở lắp đặt hiện có là tùy chọn (không bắt buộc). Ngược lại, Điện Elysée khẳng định CFD có thể được xem xét áp dụng cho “toàn bộ công viên hạt nhân Pháp”. Trên hết, quy định giá thay đổi ghi trong hợp đồng phải được xác nhận bởi Ủy ban châu Âu (EC) - nơi đảm bảo rằng các quy định của EU về trợ cấp nhà nước và về cạnh tranh phải được tôn trọng.
Theo Pháp, EC sẽ là nơi đánh giá sự đúng đắn của mức giá được ấn định và điều này mang lại cho Đức một số đảm bảo nhất định. Đối với các nhà máy điện hạt nhân hiện có tại Pháp, mức giá được đảm bảo sẽ tương ứng với chi phí sản xuất điện hạt nhân – tức là 60 euro mỗi megawatt giờ, có tính đến “chi phí đại tu” các nhà máy và một các chi phí khác nhỏ hơn. Pháp đảm bảo điều này sẽ giúp tránh được sự tăng giá điện từng xảy ra trong mùa Hè năm 2022.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, thỏa thuận đạt được cho phép cải thiện khả năng tiếp cận giá điện rẻ của người tiêu dùng và ngành công nghiệp trên khắp châu Âu. Trong khi đó, Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher khẳng định đó là một thỏa hiệp tạo được sự cân bằng và điều quan trọng là “phải đảm bảo thỏa hiệp được tôn trọng”.
Văn bản mới của EU cũng quy định rằng trong trường hợp giá cả tăng vọt kéo dài, các nước có thể dễ dàng áp dụng, như một phần của cơ chế khủng hoảng, các biện pháp loại lá chắn giá để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương. Và dưới danh nghĩa đảm bảo an ninh nguồn cung, nó cũng cho phép các nước phụ thuộc nặng nề vào than đá, chẳng hạn như Ba Lan, trợ cấp nguồn năng lượng bẩn này cho đến năm 2028./.

bnews.vn

Theo: Báo Công Thương