Liên kết vùng sẽ dẫn dắt thương mại điện tử phát triển

(Banker.vn) Thương mại điện tử đang được đánh giá là công cụ hiệu quả để thúc đẩy liên kết vùng, giúp doanh nghiệp trong vùng có thể tiếp cận với thị trường rộng đa dạng...
Làm gì để gia tăng lợi thế kinh doanh trên thị trường thương mại điện tử? Tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử 6 tháng ước đạt gần 144 nghìn tỷ đồng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc đẩy mạnh liên kết vùng trở thành một xu thế tất yếu, hướng đến mục tiêu tối ưu hóa tài nguyên vùng và phát triển bền vững.

Liên kết vùng sẽ dẫn dắt thương mại điện tử phát triển
Liên kết vùng sẽ dẫn dắt thương mại điện tử phát triển

Chia sẻ tại Diễn đàn “Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024” diễn ra mới đây, ông Hoàng Ninh - Trưởng Phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) - cho biết, theo Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 - 2030 (hiện đang được Bộ Công Thương xin ý kiến góp ý của các tổ chức, đơn vị, cá nhân), một trong những nội dung quan trọng được nhắc đến trong quan điểm phát triển là: “Không gian phát triển thương mại điện tử quốc gia phải được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, tăng cường liên kết theo vùng trọng điểm quốc gia, theo khu vực và quốc tế gắn với khai thác lợi thế của từng vùng, của quốc gia nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về thương mại điện tử”.

Theo đó, kế hoạch tổng thể đặt ra mục tiêu phát triển cụ thể gồm: Hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh; phát triển thương mại điện tử theo liên kết vùng; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển thương mại điện tử xanh, tuần hoàn, bền vững; phát triển nguồn nhân lực trong thương mại điện tử.

Đối với nội dung phát triển thương mại điện tử theo liên kết vùng, kế hoạch tổng thể đặt mục tiêu: Các địa phương ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm 60% giá trị giao dịch thương mại điện tử B2C của toàn quốc; 60% số xã và tương đương có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương về vùng nguyên liệu, năng lực sản xuất, logistics, nguồn nhân lực…

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, thương mại điện tử đang được đánh giá là công cụ hiệu quả để thúc đẩy liên kết vùng, giúp các doanh nghiệp trong vùng có thể tiếp cận với thị trường rộng đa dạng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững trong vùng.

Liên kết vùng thúc đẩy phát triển thị trường thương mại điện tử liên vùng, giúp xóa bỏ rào cản về địa lý, thời gian và tạo ra một thị trường thương mại điện tử rộng lớn hơn. Trên nền tảng số, các doanh nghiệp trong vùng có thể tiếp cận được với tệp khách hàng đa dạng, với sở thích, hành vi và thói quen khác nhau. Hình thức này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, giúp tăng doanh thu, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, thời gian qua, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số đã và đang tổ chức nhiều hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long, Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc, giúp địa phương kết nối, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng.

Các hội nghị đã khép lại thành công với Biên bản ghi nhớ nhằm cụ thể hóa, hiện thực hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử.

Dự kiến thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử, nhằm chung tay cùng địa phương thu hẹp khoảng cách; tiết kiệm nguồn lực, chi phí; nâng cao năng lực cạnh tranh và có cơ hội tham gia vào mạng lưới sản xuất, tiêu thụ rộng lớn, từ đó, giúp thương mại điện tử nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển nhanh, bền vững.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương