Liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ nông sản

(Banker.vn) Việc liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và các doanh nghiệp tại Điện Biên đã giúp tạo nên chuỗi sản xuất – tiêu thụ bền vững, nâng cao giá trị cho nông sản.
Điện Biên: Đa dạng giải pháp nâng cao năng lực chế biến nông sản Khuyến công Đồng Tháp tập trung vào chế biến nông sản, thủy sản

Lợi thế nhiều song chưa phát huy hiệu quả

Trên cơ sở tiềm năng lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, những năm qua Điện Biên chú trọng phát triển sản xuất gắn với chế biến nông, lâm sản, thực phẩm trên cơ sở gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu như: Gạo tại huyện Điện Biên, vùng cà phê Mường Ảng, Điện Biên, vùng cao su huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, vùng chè Tủa Chùa… tạo nền tảng cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

Theo Sở Công Thương Điện Biên, những năm qua, Điện Biên chú trọng phát triển sản xuất gắn với chế biến nông sản. Cụ thể như gia tăng các sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị của ngành đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và phục vụ du lịch, tạo điều kiện để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Từng bước sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm

Mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy đầu ra cho nông sản địa phương, song theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, đối với khu vực miền núi, Điện Biên giống như nhiều tỉnh thành phía Tây Bắc có nhiều đặc sản mà ở các thị trường lớn có nhu cầu. Sản phẩm gạo của Điện Biên hiện nay khá nổi tiếng ở thị trường trong nước, với nhiều dòng gạo được tiêu thụ rộng rãi ở miền xuôi như gạo Tám thơm, gạo Séng Cù, gạo nếp nương, gạo lứt đỏ, gạo lứt đen…

“Thế nhưng, các sản phẩm này dù có chất lượng nhưng sản lượng lại không cao. Bởi đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa sản xuất theo phương thức tự cung tự cấp, nhà dùng không hết thì mang ra bán, nên tính ổn định không cao” - ông Hoàng Trọng Thuỷ nói.

Bên cạnh đó, Điện Biên cũng có rất nhiều tiềm năng đối với các sản phẩm mắc ca, hiện nay đã trồng được trên 6.000ha, cà phê có trên 4.000ha Arabica, nhưng hầu hết chưa được chế biến sâu, chỉ là các hộ gia đình, cá nhân trồng, trong khi công nghệ chế biến hầu như chưa có gì, vậy nên giá trị gia tăng tạo ra cho người dân trong quá trình tham gia cung ứng sản phẩm ra thị trường còn rất thấp. Hay với miến dong, Điện Biên hiện có vùng trồng khoảng hơn 2.000ha. Sản phẩm này cũng là một trong những sản phẩm chế biến nguyên sơ.

Hơn nữa, nông sản lại có tính chất mùa vụ, vào vụ thu hoạch có rất nhiều, nhưng kết thúc vụ thu hoạch lại không còn sản phẩm để bán. Trong khi đó, chuỗi cung ứng ở các thị trường lớn đòi hỏi phải có nguồn hàng đảm bảo về số lượng, phẩm cấp và chất lượng. Vậy nên, đến hiện tại, có rất ít sản phẩm đặc trưng của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như Điện Biên tham gia vào các chuỗi cung ứng nông sản ở các thị trường lớn, đặc biệt như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, để khắc phục những khó khăn này, tỉnh đã xác định tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm nông lâm sản là thế mạnh của địa phương, tập trung phát triển trên cơ sở gắn với liên kết chặt chẽ về lợi ích giữa ngành công nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu. Khuyến khích sắp xếp các hộ chế biến từng bước chuyển thành cơ sở chế biến tập trung để giải quyết việc xử lý môi trường và tăng chất lượng sản phẩm.

Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người dân

Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền, nhân dân địa phương, thời gian qua, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân bước đầu đã được tạo sự ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân yên tâm sản xuất, tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế.

Đơn cử, vụ đông xuân năm 2023, gia đình anh Hạng A Hồ, bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) đã góp 5.000m2 đất ruộng tham gia mô hình sản xuất khoai tây trái vụ. Khi tham gia mô hình này, gia đình đã được đơn vị liên kết là Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Phú Mỹ Xanh hỗ trợ cây giống, phân vi sinh và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, đến khi khoai tây cho thu hoạch, sản phẩm được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà kết nối doanh nghiệp thu mua và bao tiêu sản phẩm. Nhờ vậy, trên cùng một diện tích canh tác, gia đình anh Hồ đã có nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Khoai tây, bí xanh, dứa… là những sản phẩm nông nghiệp đã được huyện Mường Chà tập trung triển khai và bước đầu xây dựng mối liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Thông qua các dự án liên kết, nhiều diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang các giống cây trồng cho nâng suất cao hơn và dần hình thành liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với một số hộ dân.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết được thực hiện đã góp phần giúp người dân dần thay đổi tư duy sản xuất, cải thiện đời sống và từng bước hiện thực hóa đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” tại địa phương.

Liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp thúc đẩy tiêu thụ nông sản
Gia đình chị Hoàng Thị Lực, thị trấn Ðiện Biên Ðông (huyện Ðiện Biên Ðông) trồng rau sử dụng phân bón hữu cơ.

Tham gia mô hình liên kết, người dân và doanh nghiệp cùng bắt tay phát triển sản xuất, nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Để có được nguồn nguyên liệu sạch, các đơn vị đã yêu cầu người dân tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Thực hiện theo đúng phương châm đó, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế đã liên kết sản xuất cà phê bền vững với diện tích khoảng 2.000ha; trong đó có gần 800 hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện Mường Ảng tham gia liên kết. Để chủ động kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, ngay từ giai đoạn khởi đầu, công ty chú trọng phát triển liên kết với người dân vì đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm cà phê.

Trên thực tế, những năm qua Điện Biên chú trọng phát triển sản xuất gắn chế biến nông, lâm sản, thực phẩm trên cơ sở gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu như: gạo tại huyện Điện Biên, vùng cà phê Mường Ảng, Điện Biên, vùng cao su huyện Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, vùng chè Tủa Chùa… tạo nền tảng cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

Việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân bước đầu đã được tạo sự ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân yên tâm sản xuất, tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhằm thu hút đầu tư, tỉnh Điện Biên cũng có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chế biến nông sản về thuế, như được hưởng mức thuế suất 10% áp dụng trong thời gian 15 năm, kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; miễn thuế 02 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 6 năm tiếp theo đối với cơ sở kinh doanh chuyển từ nơi khác đến địa bàn tỉnh Điện Biên; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư.

Điện Biên cũng áp dụng nhiều chính sách ưu đãi khác: Được khấu hao nhanh đối với tài sản cố định; mức khấu hao tối đa là 02 lần mức khấu hao theo chế độ khấu hao tài sản cố định hiện hành của Nhà nước; miễn tiền sử dụng đất trong suốt thời hạn của dự án đầu tư; hỗ trợ từ nguồn ngân sách cho việc đào tạo lao động trong các tổ chức kinh tế thông qua chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực của Chính phủ…

Đỗ Nga

Theo: Báo Công Thương