Lệnh dồn dập vào cổ phiếu giá sàn, NVL có được giải cứu?

(Banker.vn) Khi xuất hiện thông tin tích cực, dòng tiền dồn dập đổ vào bắt đáy cổ phiếu NVL khiến hàng trăm triệu cổ phiếu của Tập đoàn Novaland đã được sang tay.
Con trai Chủ tịch NovaGroup Bùi Thành Nhơn mua thành công 2 triệu cổ phiếu

Trong phiên giao dịch ngày 22/11, dòng tiền ồ ạt đổ vào bắt đáy cổ phiếu NVL (Tập đoàn Novaland) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn sau khi thị trường ghi nhận những tín hiệu tích cực liên quan nhóm ngành bất động sản.

Lệnh dồn dập vào cổ phiếu giá sàn, NVL có được giải cứu?
Hàng trăm triệu cổ phiếu NVL đã được sang tay trong phiên giao dịch ngày 22/11

Cổ phiếu NVL mất màu xanh vào những phút cuối phiên giao dịch buổi sáng, sau khi chứng kiến gần 113 triệu cổ phiếu được "sang tay".

Đặc biệt, tại thời điểm 10h45, dòng tiền lớn đổ vào bắt đáy cổ phiếu NVL. Chưa tới 10 phút, các nhà đầu tư dồn dập xuống tiền "vét" khoảng 90 triệu cổ phiếu NVL ở mức giá sàn. Trong khoảng 10 phút từ 10h55-11h05, có thêm 10 triệu cổ phiếu NVL được giao dịch ở mức “giá đỏ”. Hơn 20 phút còn lại của phiên buổi sáng, thêm 13 triệu cổ phiếu NVL được giao dịch, phần lớn ở mức giá xanh.

Tính đến phiên giao dịch buổi chiều, hơn 128 triệu cổ phiếu NVL đã được sang tay. Trong đó nước ngoài mua hơn 1,5 triệu cổ phiếu. Kết thúc phiên buổi chiều, cổ phiếu NVL chỉ còn dư bán hơn 6,6 triệu cổ.

Lệnh dồn dập vào cổ phiếu giá sàn, NVL có được giải cứu?
Kết thúc phiên giao dịch chiều ngày 22/11, cổ phiếu NVL chỉ còn dư bán hơn 6,6 triệu cổ

Tính tới ngày 22/11, cổ phiếu Novaland có 14 phiên giảm sàn liên tiếp và mã này mất giá tổng cộng gần 70% kể từ đầu tháng 9. Cổ phiếu NVL liên tục giảm sàn trong bối cảnh xuất hiện các thông tin bất lợi trong chu kỳ đi xuống của ngành bất động sản cũng như việc tập đoàn này sai thải nhân sự và dòng tiền bị tắc nghẽn... khiến triển vọng kinh doanh, tình hình tài chính của NVL trở nên tiêu cực.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu bất động sản có quy mô tầm trung và nhỏ tiếp tục nổi sóng phiên thứ 2 liên tiếp với những mã như DIC Corp (DIG), Tập đoàn CEO (CEO), Ninh Vân Bay (NVT), Đô thị Nam Hà Nội (NHA), Tập đoàn Đạt Phương (DPG)… tăng điểm mạnh mẽ.

Việc cổ phiếu bất động sản xuất hiện thanh khoản cao cho thấy những tín hiệu tích cực đối với nhóm ngành này. Tuy nhiên, hiện chỉ có cổ phiếu Bất động sản Phát Đạt (PDR) của ông Nguyễn Văn Đạt giảm sàn phiên thứ 13 liên tiếp. Đây cũng là phiên giảm thứ 25 của cổ phiếu này. Kết thúc phiên giao dịch chiều ngày 22/11, gần 35 triệu cổ phiếu PDR đã được sang tay nhưng vẫn dư bán hơn 81 triệu cổ.

Việc cổ phiếu bất động sản dậy sóng trong phiên giao dịch ngày 22/11 cũng xuất phát từ nhiều yếu tố. Thứ nhất, thị giá cổ phiếu bất động sản đã giảm rất sâu, nhiều mã đã giảm về dưới thị giá. Do đó, khi giá cổ phiếu giảm đến một mức nhất định thì dòng tiền vào bắt đáy là có cơ sở.

Trong khi đó, thị trường được ủng hộ bởi những thông tin tích cực khi Chính phủ có đã có những đông thái tìm giải pháp ổn định các thị trường. Cụ thể, Chính phủ đã thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai các dự án bất động sản, xem xét nới “room” tín dụng phù hợp, xem xét sửa đổi Nghị định 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, nỗ lực của các doanh nghiệp, đặc biệt nhóm bất động sản cũng giúp tình hình bớt xấu. Thậm chí, nhiều lãnh đạo của các công ty bất động sản cũng đã xuống tiền mua vào cổ phiếu công ty khi đã được chiết khấu rất sâu.

Đặc biệt, khi sáng 22/11, giới đầu tư đón nhận thông tin, Bộ Tài chính có kế hoạch họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp vào sáng 23/11. Thông tin này đã khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng nhóm ngành bất động sản sẽ được giải cứu và đã xuống tiền "bắt đáy".

PV

Theo: Báo Công Thương