Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan hành chính bán tư pháp, cùng lúc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và triển khai thực hiện hoạt động tố tụng cạnh tranh (là hoạt động điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Cạnh tranh).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trao quyết định cho các thành viên Ủy ban Cạnh tranh quốc gia |
Để vận hành tổ chức Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cần có quy chế hoạt động về quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và quy chế hoạt động tố tụng cạnh tranh (hoạt động của các Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh làm việc theo chế độ tập thể).
Việc ban hành Thông tư Quy chế tổ chức và hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cần thiết với những lý do:
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các thành viên. Thành viên của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện nhiệm vụ tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.
Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh được thành lập để xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh cụ thể, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh được thành lập để giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh.
Các Hội đồng này được thành lập để thực hiện một trong các quy trình quan trọng của hoạt động tố tụng cạnh tranh; đều làm việc theo chế độ tập thể, do đó để vận hành hoạt động cần phải có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, các biểu mẫu của từng giai đoạn xét xử, xử lý vụ việc.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018, thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có tối đa 15 người, là công chức của Bộ Công Thương, các bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia và nhà khoa học và do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm.
Các thành viên được Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chỉ định tham gia vào các Hội đồng nêu trên để giải quyết vụ việc cụ thể.
Với sự đa dạng về cơ cấu của thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (từ các đơn vị trong Bộ Công Thương, các bộ, ngành, các chuyên gia và nhà khoa học), cần thiết phải có những quy định cụ thể để đảm bảo cơ chế điều hành, phối hợp, vai trò, trách nhiệm triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc ban hành Thông tư ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cần thiết và phù hợp với kinh nghiệm và thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh. Mọi ý kiến đóng góp, gửi về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Tầng 5 - 6, số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngân Thương
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|